Tin thủy sản Xuất khẩu tôm: Thách thức 10 tỷ USD

Xuất khẩu tôm: Thách thức 10 tỷ USD

Tác giả Trường Ca - Xuân Trường, ngày đăng 15/04/2017

Thông báo số 89/TB-VPCP, ngày 17/2/2017, của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Có rất nhiều thách thức cho mục tiêu này nhưng cũng là cơ hội cho ngành tôm phát triển, khi tập trung các nỗ lực thực hiện.

Trong ảnh: Tôm giống là yếu tố quan trọng khi phát triển ngành tôm Ảnh: Phan Thanh Cường 

Nhiều thách thức

Khó khăn và tồn tại lớn đối với ngành tôm hiện nay là nguồn tôm giống bố mẹ phải nhập khẩu, nhất là đối với tôm thẻ chân trắng (chiếm tới 90%). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận, ông Nguyễn Khắc Lâm, cho biết đến năm 2025 xuất khẩu 10 tỷ USD gấp 3 hiện nay, thế nhưng “nếu các công ty nước ngoài không cho chúng ta nhập tôm giống bố mẹ thì sẽ ra sao?”. Theo ông Lâm, cần tập trung vốn và khoa học kỹ thuật đầu tư những khu sản xuất tôm giống bố mẹ sạch bệnh để chủ động sản xuất tôm giống cho các vùng nuôi.

Về quy trình tạo nguồn tôm giống bố mẹ, ông Trần Công Bình, Giám đốc Công ty giống Châu Phi ở Ninh Thuận kiến nghị, nguồn tôm sú giống bố mẹ chủ yếu nhập từ Hawaii - Mỹ theo cơ chế độc quyền, nên để có tôm sú giống sạch bệnh cần phải gia hóa giống như thế giới đã làm. Trước hết phải có trung tâm gia hóa giống, sau đó chuyển giao cho các tỉnh nuôi dưỡng thành tôm bố mẹ để sản xuất giống phục vụ cho vùng nuôi ở từng địa phương, khu vực. Tuy nhiên, nếu gia hóa giống tạo nguồn tôm giống sạch bệnh, lại đưa vào nuôi quảng canh thì tốn kém lớn bởi thả nuôi quảng canh tỷ lệ giống chết đến 80%.

Báo cáo từ các địa phương và khảo sát thực tế của các cơ quan chuyên môn cho thấy, tỷ lệ tôm giống kiểm dịch chỉ ở 23,2 - 50%. Nguyên do, phần lớn người nuôi nhỏ lẻ mua tôm giống qua nhiều trung gian. Hơn nữa, theo quy định, tôm giống bán trong tỉnh không yêu cầu kiểm dịch. Hầu hết các tỉnh nuôi tôm trọng điểm đều sản xuất, ương dưỡng tôm giống dẫn đến số lượng tôm giống không phải khai báo kiểm dịch là rất lớn.

Tiếp đó là vấn đề dịch bệnh, như chia sẻ của PGS.TS Trương Quốc Phú, Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, tôm nuôi mắc dịch bệnh do môi trường nước không được quản lý tốt. Nên công tác quan trắc và cảnh báo là rất quan trọng, đồng thời muốn nuôi tôm bền vững phải theo mô hình hữu cơ sinh thái, tuần hoàn khép kín, không xả thải để tránh dịch bệnh lây lan và ô nhiễm nguồn nước.

Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết, không nuôi con gì lợi nhuận cao, thu tiền nhiều như con tôm nhưng cũng không con gì lấy đi nhiều tiền như con tôm. Vì thế mà giàu lên từ con tôm, nghèo nhanh và khánh kiệt tài sản cũng do con tôm. Theo đó, để giảm rủi ro trong ngành tôm, chính sách bảo hiểm tôm cũng cần được quan tâm, để hy vọng đạt được mục tiêu đề ra.

Hiến kế cho mục tiêu 10 tỷ USD

Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam từ năm 2008 là 1,625 tỷ USD đến năm 2016 là 3,146 tỷ USD, bình quân tăng hàng năm gần 11,7%. Nếu chỉ tính đến năm 2014 có kim ngạch xuất khẩu tôm cao nhất là 3,952 tỷ USD, bình quân tăng hằng năm hơn 17,8%.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho rằng, mục tiêu 10 tỷ USD thật sự là một thử thách lớn đối với ngành tôm, vì trong 30 năm qua chúng ta cũng chỉ mới đạt 3,1 tỷ USD, trong khi thời gian từ nay đến năm 2025 chỉ còn 8 năm. Do đó, muốn đạt mục tiêu trên, ngay từ bây giờ, cần chủ động trước hết về tôm giống vì hơn 10 năm nay chúng ta vẫn chưa làm được tôm bố mẹ. Thứ hai là cần sớm khắc phục tình trạng tôm nhiễm kháng sinh, dư lượng chất cấm để vượt qua rào cản từ các nước; thứ ba là tổ chức lại sản xuất, đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào nghề nuôi; thứ tư là mở rộng thị trường tiêu thụ, vì thị trường mới là yếu tố quyết định, khuyến khích ngành tôm phát triển.

Còn theo đề xuất của PGS.TS Trương Quốc Phú, để nuôi tôm hiệu quả và bền vững, bên cạnh các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ…, các mô hình còn lại phải đảm bảo không xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý đạt chuẩn.

Bên cạnh những đề xuất về đầu tư thủy lợi tại các vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất, tạo được liên kết, đưa khoa học - công nghệ vào nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Nhiệm,  Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, đề nghị: “10 tỷ USD cũng đồng nghĩa với một sản lượng tôm tăng lên rất lớn, nên ngay từ bây giờ, cần tính đến mở rộng thị trường cho con tôm, vì nếu không, người nuôi tôm sẽ phải chịu thiệt thòi, một khi con tôm bị tắc đầu ra. Ngoài ra, cũng cần cung cấp thông tin thị trường nhiều hơn, kịp thời hơn, giúp người nuôi định hướng được đối tượng, kích cỡ tôm nuôi, cũng như thời điểm thả nuôi phù hợp”.


Có thể bạn quan tâm

nam-dinh-xay-dung-thuong-hieu-ca-bong-bop-nghia-hung Nam Định: Xây dựng thương… phuong-phap-lang-loc-trong-ao-nuoi Phương pháp lắng lọc trong…