Tin thủy sản Dịch bệnh bao vây tôm hùm
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Dịch bệnh bao vây tôm hùm

Tác giả Vũ Đình Thung, ngày đăng 14/03/2016

Dịch bệnh bao vây tôm hùm

Các bệnh cũ chưa được khống chế thì hiện nay, mối lo của người nuôi càng tăng cao khi tôm đang mắc thêm bệnh mới, bệnh phù lưng.

Khốn đốn

Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Phú Yên phát triển mạnh từ hơn 15 năm nay, tập trung tại TX Sông Cầu. Nghề này có vốn đầu tư rất cao, thế nhưng những năm gần đây, dịch bệnh liên tục hoành hành gây hại tôm khiến không ít người nuôi lâm cảnh khốn đốn.

Sáng sớm, tôi có mặt tại khu nuôi tôm hùm lồng thuộc phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) để gặp những hộ nuôi ở đây nhằm tìm hiểu thực tế. Nhân lúc ông Trần Dương (61 tuổi) ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên đang chuẩn bị thức ăn cho tôm “ăn sáng”, tôi tranh thủ hỏi thăm: “Tôm nuôi bây giờ đã đỡ bị dịch bệnh gây hại chưa bác?”.

Không nghĩ ngợi, ông Dương buông ngay 1 câu than vãn: “Đỡ gì đâu mà đỡ, các loại bệnh cũ như bệnh sữa, bệnh đỏ thân, bệnh đen mang chưa có phương cách trị dứt điểm thì hiện nay lại bị thêm bệnh mới, bệnh phù lưng. Nuôi tôm hùm bây giờ chẳng khác gì đánh bạc, được thua không lường trước được”.

Theo ông Dương, trước đây người nuôi tôm hùm sợ nhất tôm dính bệnh sữa, bệnh này thường phát bệnh vào thời điểm tôm nuôi vừa được 7 - 8 tháng tuổi. Tôm đang lớn thì toàn thân bỗng trở nên trắng đục, rồi chết. Bệnh sữa lây rất nhanh, nếu không phát hiện cho tôm ăn thuốc kịp thời là chỉ trong vòng 10 ngày là cả lồng tôm đều chết rụm.

Ông Trần Dương ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) đang rất lo cho 10 lồng tôm hùm mới nuôi được 5 tháng

“Khi chúng bị bệnh sữa, nhiều khi cho tôm ăn thuốc kịp thời nhưng những con bị nhẹ mới bớt, những con bị nặng vẫn chết. Thời gian gần đây lũ tôm dính thêm 1 bệnh mới, dân nuôi tôm bọn tui gọi là bệnh phù lưng. Bệnh này tấn công gây hại vào thời điểm tôm được 10 - 11 tháng tuổi. Con tôm tự nhiên lưng bị phù to lên rồi chết. Bệnh này chưa cho thấy dấu hiệu lây lan”, ông Dương cho hay.

Ông Dương đã có hơn 10 năm nuôi tôm hùm lồng nhưng chưa bao giờ ông thấy lũ tôm bị nhiều loại dịch bệnh gây hại như hiện nay. Hiện ông Dương đang nuôi 20 lồng tôm hùm tại khu nuôi phường Xuân Yên, mỗi lồng nuôi 50 con. Trong đó có 10 lồng đã nuôi được hơn 1 năm, 10 lồng mới nuôi được 5 tháng. 10 lồng nuôi hơn 1 năm giờ tôm đã đạt khoảng 7 - 8 lạng/con, sắp xuất bán.

Dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm

Trên địa bàn TX Sông Cầu hiện có khoảng 2.000 hộ nuôi tôm hùm lồng với khoảng 22.000 lồng nuôi đủ kích cỡ.

“Trong năm 2015 sản lượng tôm hùm giống khai thác ngoài tự nhiên tăng cao, do đó giá hạ xuống chỉ còn 220.000 đ/con, giảm 140.000 đ/con so với năm 2014 nên bà con mạnh dạn thả nuôi, số lượng lồng nuôi tăng cao”, ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết.

Những hộ nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên chuẩn bị thức ăn cho tôm

Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay, dịch bệnh không ngừng đeo bám tôm hùm khiến nhiều hộ nuôi bị tổn thất lớn. Đợt tôm chết nhiều nhất là vào tháng 3 năm 2015, riêng tại xã Xuân Cảnh có đến 16.000 con tôm hùm loại 6 - 7 lạng/con chết vì dịch bệnh. Đa số tôm chết đều do bệnh sữa, đỏ thân, đen mang.

Theo nhận định của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, trong năm 2015, bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm đã xảy ra với tất cả các vùng nuôi trên địa bàn. Tỉ lệ tôm chết trung bình khoảng 25% trên tổng đàn nuôi, trong đó có các vùng nuôi bị nặng nhất là phường Xuân Yên, xã Xuân Phương và xã Xuân Cảnh với tỉ lệ tôm chết khoảng 30%.

“Đối với các bệnh cũ như bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, chúng tôi khuyến cáo hộ nuôi điều trị cho tôm hùm theo phác đồ điều trị do Bộ NN-PTNT ban hành. Khi tôm bị bệnh thì tiêm hoặc trộn vào thức ăn cho tôm ăn các loại thuốc kháng sinh oxyteraciline, doxyciline. Tuy nhiên, các điều trị này hiệu quả chưa cao, dịch bệnh vẫn xảy ra”, ông Nguyễn Minh Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên bộc bạch.

Đáng quan ngại là trong thời gian vừa qua, nhiều vùng nuôi tôm hùm lồng ở TX Sông Cầu xuất hiện một số loại tảo độc uy hiếp tôm nuôi. Theo Trung tâm Quan trắc, cảnh báo môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), thời gian qua, môi trường nước tại một số vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn Phú Yên, nhất là TX Sông Cầu xuất hiện nhiều loại tảo độc. Các loại tảo này gây suy giảm chất lượng nước và có thể ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của tôm hùm nuôi, nếu kéo dài tôm sẽ chết.

“Người nuôi cần kiểm soát và sử dụng thức ăn hợp lý, bổ sung các loại vitamin C, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng phòng ngừa bệnh tôm, đồng thời thu gom, xử lý chất thải nhằm phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, ngăn ngừa tảo độc phát triển”, ông Võ Văn Nha, GĐ Trung tâm, khuyến cáo.

“Đầu tư cho 20 lồng tôm tui đã mất cả tỷ đồng, nặng nhất là chi phí lồng nuôi. Trong 10 lồng tôm đã nuôi được hơn 1 năm, tính đến nay đã chết mất khoảng 30% lượng tôm thả nuôi do dịch bệnh, số còn lại sắp xuất bán tui tạm yên tâm. Tui đang lo cho 10 lồng tôm mới nuôi được 5 tháng, từ giờ đến khi xuất bán còn hơn nửa năm nữa, không biết có thoát được dịch bệnh nay không”, ông Dương lo lắng.

“Riêng hiện tượng phù lưng gây hại trên tôm hùm chúng tôi chưa nghe các hộ nuôi báo cho ngành chức năng, nên chúng tôi chưa lấy mẫu xét nghiệm để xác định đó là bệnh gì. Không biết ảnh hưởng thời tiết thế nào mà ngày càng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên tôm hùm, gây khó cho ngành chức năng trong công tác hướng dẫn nông dân cách phòng chống”, ông Nguyễn Minh Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
18.000 đồng/ kg cá nục, ngư dân thu về gần nửa tỉ đồng 18.000 đồng/ kg cá nục,… Đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật gặp khó Đánh bắt cá ngừ kiểu…