Mô hình kinh tế Giống cây mới ở Việt Nam nông dân đầu tiên trồng Sachi

Giống cây mới ở Việt Nam nông dân đầu tiên trồng Sachi

Publish date Wednesday. August 5th, 2015

Giống cây mới ở Việt Nam nông dân đầu tiên trồng Sachi

Trên chuyến xe đi thăm vườn Sachi của hộ nông dân đầu tiên trồng tại thôn 3, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt tỏ ra rất phấn chấn.

Dọc đường đi, chúng tôi ghé vào một nhà máy từng là địa chỉ đỏ về chế biến nông sản và thực phẩm xuất khẩu sang Nga của tỉnh, nơi Công ty CP Sachi Vina chuẩn bị bắt tay liên kết làm ăn. Trong kho của nhà máy là mấy chục tấn hạt Sachi vừa mới thu hoạch từ Lào, Campuchia về, đang được bảo quản, chờ chế biến.

Chỉ một vài tháng nữa thôi, ở đây một dây chuyền chế biến dầu Sachi theo phương pháp ép lạnh sẽ sẵn sàng được đưa vào lắp đặt. Khác với nhiều loại thực vật cung cấp dầu, sau khi thu hoạch, hạt Sachi được ép lạnh chứ không phải ép nóng hay sử dụng dung môi hóa học để bảo tồn nguyên vẹn giá trị dinh dưỡng.

Sở dĩ làm được điều này là bởi Sachi có hàm lượng chất chống oxy hóa tự nhiên rất cao. Đó chính là cách để làm nên một dạng dầu vàng tinh khiết tiện hình thành cho một chuỗi chế biến sản phẩm tinh sau này.

Rời thành phố Ninh Bình, xe chúng tôi lại tiếp tục hành trình với đích đến là một vùng bạt ngàn núi đá và miên man đất đỏ sỏi ruồi của vùng Tam Điệp.

Tháng 11/2014, anh Dương Quốc Huy - một nông dân hiện sinh sống tại Tam Điệp đã được Sở NN-PTNT Ninh Bình và Công ty CP Sachi Vina mời tham gia mô hình trồng Sachi để nghiên cứu khả năng thích nghi của cây trên vùng đất đồi cằn sỏi đá và khí hậu nơi đây.

Ngoài được Công ty CP Sachi Vina hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật anh Huy còn được đích thân PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo - nguyên là Trưởng khoa Công nghệ Sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng với TS Hà Quang Dũng và các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia tư vấn trực tiếp.

Vì thế mà những băn khoăn trong đầu anh khi bắt đầu trồng một loại cây hoàn toàn mới cũng được loại bỏ dần dần.

Phương thức hợp tác cụ thể như sau: Công ty cung cấp cây giống còn anh Huy đầu tư thêm khoảng 60 triệu/ha để mua vật tư ban đầu - số tiền mua cây giống này về sau sẽ trừ vào sản phẩm khi công ty thu mua…

Tất cả đầu ra của hạt Sachi từ trang trại của anh đều được công ty ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ. Theo như tính toán, nếu mỗi kg hạt được thu mua với giá 30.000 - 40.000đ thì với năng suất 5 - 7 tấn/ha (năm thứ ba) có thể đảm bảo mức lãi cho người trồng từ 100 - 200 triệu đồng/ha.

Do đó mà chỉ ở năm thứ hai người nông dân có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu và cho thu lãi.

Lãi thế, tại sao các nước công nghiệp khác không trồng nhiều? Tôi đặt câu hỏi. Vị đại diện của Công ty CP Sachi Vina cho biết phần bởi không hợp khí hậu, thổ nhưỡng, phần bởi yếu tố công lao động, trong đó yếu tố công là quan trọng nhất.

“Sachi ra hoa, đậu quả quanh năm, quả chín, quả xanh xen kẽ khiến không thể cơ giới hóa trong việc thu hoạch được mà phải dùng thủ công. Ngày công lao động của các nước phát triển hiện rất cao nên Sachi không đáp ứng được yêu cầu kinh tế...”, vị này lý giải.

Khó khăn của các nước giàu lại là cơ hội vàng được mở ra với những nước nghèo mà có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây Sachi, có lực lượng lao động đông đảo và chăm chỉ như Việt Nam.

2 ha Sachi đã cắm rễ vươn mầm trên vùng đất xấu, khô cằn nơi mà trước đó anh Huy đã thử trồng nhiều loại cây nhưng đều thất bại vì chúng cứ lụi đi.

Hơn nửa năm làm quen với loài cây lạ, bước đầu anh đánh giá cây có khả năng chịu lạnh và sương muối tốt vì khi vừa trồng xong thì gặp ngay trận rét đậm, rét hại vậy mà Sachi vẫn không chết, tiếp tục phát triển.

Mùa đông đã vậy, còn mùa hè, những hôm trời nắng to, nhiệt độ cao, các loại cây khác héo rũ lá còn cây Sachi không hề hấn gì do trên bề mặt lá có lớp lông tơ mỏng nên giảm khả năng thoát hơi nước rất tốt.

Trang trại của anh Huy nằm trọn trong vùng đất cằn nhiều sỏi ruồi, chưa mưa đã nhão nhoẹt, chưa nắng đã rắn đanh như thép. Hiếm có năm nào hạn như mùa hè 2015. Ba cái ao chứa nước trong trang trại đều nằm phơi đáy dưới ánh nắng chói chang.

Thời gian đầu anh Huy còn vài ngày tưới một lần cho vườn cây nhưng hai tháng nay thì toàn bộ Sachi đều sống phụ thuộc vào nước trời.

Đã gần hai tháng, trời hầu như không có mưa đáng kể, vườn lộc vừng rồi vườn phật thủ kề bên nắng hạn khiến cho chúng không thể phát triển được nhưng cây Sachi vẫn tồn tại khá tốt.

Về cách chăm sóc loài cây của người Inca này cũng khá đơn giản. Khi trồng anh bón lót cho mỗi gốc cây 5kg phân chuồng hoai mục, 0,25kg phân lân, 2kg phân hữu cơ vi sinh, 50 gam vôi bột. Việc bón thúc lần đầu với lượng 100 gam NPK/cây chỉ diễn ra khi cây trồng được 5 tháng tuổi.

Từ khi trồng tới khi cây 3 tháng tuổi đã thấy lác đác có hoa, sau 5 tháng toàn bộ cây trong vườn đều ra hoa và sau 6 tháng nhiều cây đã cho thu hoạch quả.

Khi quả chuyển sang màu nâu và tách vỏ ngoài thì tiến hành thu hoạch những quả vẫn còn trên cây. Cấm không được hái quả xanh, quả mốc, quả đã rụng bởi chúng sẽ gây suy giảm chất lượng cho cả một lô sản phẩm.

Quả có thể phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô tới độ ẩm 10 - 15% rồi bảo quản ở nơi thoáng mát.

“Mong ước lớn nhất của tôi là trong tương lai có thể phát triển được 200 - 300 ha Sachi trên đất đồi tỉnh Ninh Bình theo dạng liên kết với các hộ. Khi đó, tôi có thể truyền lại những kinh nghiệm trồng cây Sachi cho bà con và làm đầu mối thu mua sản phẩm cho Công ty CP Sachi Vina”, anh Huy thổ lộ.

Tán đồng với quan điểm đi tiên phong của người nông dân đầu tiên trồng Sachi trên đất Việt Nam, đại diện của Công ty CP Sachi Vina cho biết: “Với tinh thần cầu thị, đơn vị luôn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách và người dân để đưa ra các giải pháp và cải tiến qui trình kỹ thuật ngày càng tốt hơn.

Từ đó nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng Sachi nhằm mục đích làm giàu cho người nông dân và phát huy lợi thế từng vùng, miền của Việt Nam”.

Ngoài Ninh Bình, Hà Nội, Sachi còn được trồng khảo nghiệm tại nhiều vùng ở Việt Nam như Hòa Bình, Sơn La, Buôn Mê Thuột bằng phương pháp canh tác hữu cơ và nông nghiệp công nghệ thông minh. Qua theo dõi gần 2 năm đã cho thấy cây Sachi phát triển tốt trên nhiều vùng thổ nhưỡng đa dạng và khí hậu khác nhau. Cây sinh trưởng và phát triển ở nhiệt độ từ 7 - 48 độ C, nhiệt độ thích hợp nhất từ 10 - 36 độ C. Lượng mưa 800 - 1.500ml/năm.

Ưu điểm của Sachi: Là một loại cây trồng hàng năm nhưng cho thu hoạch lâu năm (từ 20 – 30 năm). Thời gian thu hoạch nhanh và tính rải vụ cao. Kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Thu hoạch, bảo quản và chế biến tương đối đơn giản. Cây đa tác dụng vừa nông, lâm nghiệp lại làm dược liệu lấy dầu. Hàm lượng dinh dưỡng cao, nhất là omega 3, 6, 9. Thị trường rộng lớn cả trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm…

Yếu điểm của Sachi: Vì là cây trồng rất mới nên thiếu chuyên gia từ khâu trồng trọt đến khâu chế biến, thiếu khoa học kỹ thuật cao cho việc chế biến tinh sản phẩm. Vốn đầu tư ban đầu khá cao (100-150 triệu/ha). Yêu cầu đất canh tác không được ngập úng và diện tích phải khá lớn.


Cơ hội mở cho cây mắc ca Cơ hội mở cho cây mắc ca Tái cơ cấu ngành chăn nuôi Tái cơ cấu ngành chăn nuôi