Mô hình kinh tế Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Trồng Lúa ? Chuyển Đổi Đất Lúa Đã Chậm Lại
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Trồng Lúa ? Chuyển Đổi Đất Lúa Đã Chậm Lại

Ngày đăng 10/05/2012

Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Trồng Lúa ? Chuyển Đổi Đất Lúa Đã Chậm Lại

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020, có ý kiến lo ngại khó thực hiện được chủ trương này, nhưng thực tế hiện nay tốc độ chuyển đổi đã chậm lại; thậm chí có địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng, quay lại trồng lúa !

Đất lúa nhường chỗ

Về miền Tây đồng xanh bát ngát “cò bay thẳng cánh”. Kể từ sau những năm đổi mới, dấu ấn nổi bật nhận diện qua tốc độ phát triển các KCN, đô thị diễn ra khắp các tỉnh thành trong vùng. Tuy nhiên, người dân bắt đầu nhận ra đất lúa đang dần thu hẹp, nhường chỗ cho quá trình chuyển dịch kinh tế rầm rộ.

Nhờ đất phù sa màu mỡ, miền Tây Nam bộ là vựa lúa lớn nhất của cả nước với khoảng 1,8 triệu ha. Bên cạnh việc đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực, hàng năm ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm thực hiện chuyển dịch kinh tế thì đất lúa, vườn cây ăn trái dọc theo hai bên bờ sông lớn, đất nông nghiệp ven đô thị... bị lấn dần, thay vào đó là khu công nghiệp (KCN) và công trình xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong mục tiêu phát triển KT-XH, hầu hết các tỉnh, thành trong vùng đều có quy hoạch các KCN. Điển hình ở khu vực phía Nam sông Hậu, trong vòng 10 năm qua tốc độ đầu tư mở rộng rất nhanh, hình thành các KCN ở nhiều tỉnh trong vùng. Trên những vùng đất biền ven sông màu mỡ thuận tiện giao thông thủy bộ thường rơi vào quy hoạch.

Song song đó, tốc độ xây dựng phát triển đô thị, các khu dân cư mới mở rộng, hệ thống giao thông đường bộ đã góp phần lấn dần đất lúa. Từ năm 2007, tỉnh Hậu Giang mở ra KCN Sông Hậu, đang xây dựng hạ tầng khoảng 340 ha. Tỉnh Sóc Trăng mở KCN An Hiệp rộng 180 ha từ những vùng đất lúa nằm kề bên quốc lộ 1. Tại TP Cần Thơ quy hoạch hơn 1.000 ha đất cho công nghiệp, giao thông, đô thị… Và theo thống kê của các tỉnh trong vùng, diện tích đất lúa đều bị giảm khoảng 1.000 ha/năm.

Trước đây, vào thập niên 90 thế kỷ trước phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, đất lúa chuyển dịch theo phong trào nuôi tôm. Ước tính đến cuối năm 2008, trong 7 tỉnh ven biển ở vùng này có hơn 540.000 ha nuôi tôm; trong đó khoảng 250.000 ha đất lúa chuyển thành đất nuôi tôm.

Ở các tỉnh có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất như: Cà Mau 265.000 ha, Bạc Liêu hơn 121.000 ha; Sóc Trăng hơn 47.000 ha và Kiên Giang hơn 77.000 ha. Bên cạnh đó, hơn 10 năm qua ở 8 tỉnh có vùng đất cồn bãi ven sông Tiền, sông Hậu phải quy hoạch chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa sang nuôi thủy sản nước ngọt, chủ yếu cá tra hơn 6.500 ha.

Đất lúa thu hẹp là có thật. Nhìn về tương lai thực hiện quy hoạch theo định hướng nhu cầu phát triển phát huy lợi thế tiềm năng kinh tế từng địa phương là không sai. Tuy nhiên, trong quá trình định hình các KCN, các nhà đầu tư chưa lắp đầy, hiệu quả sử dụng đất lãng phí đang đặt ra vấn đề giữ đất lúa cần có giải pháp chấn chỉnh, xem xét lại quy hoạch hợp lý.

Chuyển đổi chậm lại

Theo một số chuyên gia kinh tế và cán bộ quản lý nông nghiệp các địa phương trong vùng ĐBSCL, sau khi Quốc hội có Nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa; đặc biệt trong năm qua do điều kinh tế tài chính thế giới khủng hoảng, tốc độ đầu tư mở rộng các KCN, các khu dân cư chậm lại khiến tốc độ chuyển đổi đất lúa hạ nhiệt.

Mặt khác, nhìn vào sản lượng lúa trong vùng vẫn giữ mức tăng liên tục trong mấy năm qua chứng minh SX lúa ổn định, ít rủi ro. Diện tích vụ lúa thu đông tăng lên, các tỉnh ven biển nhân rộng mô hình lúa-tôm hiệu quả là những yếu tố góp phần gia tăng diện tích SX lúa. Thậm chí, vừa qua do tình hình nuôi tôm gặp rủi ro dịch bệnh, 31 hộ dân ở ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã làm đơn đề nghị các cấp chính quyền địa phương cho chuyển từ đất nuôi tôm trở lại trồng lúa.

Ở TP Cần Thơ, trong những năm trước đây việc chuyển đổi đất đai từ đất lúa hình thành các KCN, xây dựng đô thị và khu dân cư có tốc độ mạnh mẽ so với các tỉnh trong vùng. Xu hướng chuyển đổi đất nông nghiệp chủ yếu thành đất chuyên dùng, đất các KCN, thương mại dịch vụ, khu dân cư đô thị. Từ năm 2005, riêng đất lúa ở Cần Thơ từ 92.737 ha đến năm 2010 giảm còn 89.308 ha.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ĐBSCL hiện có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha. Trong đó, diện tích đất đã cho thuê hơn 810 ha, đạt tỷ lệ hơn 22%. Bên cạnh khu vực này còn có 177 cụm CN, với diện tích quy hoạch gần 15.500 ha. Nhưng trong đó chỉ có 15 cụm được các các nhà đầu tư thuê đất hơn 700 ha, chỉ đạt 4,5% tổng diện tích quy hoạch.

Thế nhưng từ năm 2008 đến nay, tốc độ chuyển đổi đất lúa đã chậm lại. Ông Phạm Duy Khánh, Trưởng phòng Quy hoạch Sở Tài nguyên - Môi trường TP Cần Thơ cho rằng: Vừa qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chủ yếu từ đất lúa sang đất nuôi trồng thủy sản nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế. Song, diện tích nhỏ không đáng kể. Đất đai thuộc quy hoạch các KCN như Trà Nóc 1, 2; Hưng Phú 1, 2; Ô Môn, Thốt Nốt đều được Thủ tướng phê duyệt. Dù vậy quá trình chuyển đổi chậm do còn gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL thừa nhận: Tình hình chuyển đổi đất lúa trong vùng tuy chậm lại, nhưng không có nghĩa là sẽ không còn chuyển đổi. Vừa qua, một số vùng đất lúa tốt nằm ở những khu vực giao thông thuận lợi thường chuyển đổi theo quy hoạch các KCN. Song, một khi đất lúa đã chuyển đổi đất sử dụng theo mục đích khác thì không thể chuyển trở lại trồng lúa được. Do đó tôi nghĩ rằng từng địa phương cần quy hoạch lại vùng đất lúa cụ thể.

Trong điều kiện đất lúa, làm lúa có thu nhập thấp, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ giúp cho người trồng lúa - một biện pháp căn cơ để người nông dân thấy trồng lúa có lợi, tự nguyện giữ đất lúa, giữ an ninh lương thực quốc gia.

Giá thuê đất trồng lúa hơn 30 triệu đồng/ha/năm

Hiện nay, giá thuê đất trồng lúa ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng (Kiên Giang) đang được nhiều người hỏi thuê với giá lên đến 100 triệu đồng/lô (3 ha)/năm. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay và cao hơn 1,5 lần so với năm ngoái. Theo một số nông dân cho biết, giá thuê đất trồng lúa tăng là do nhiều khu vực đã được quy hoạch làm lúa 3 vụ/năm.

Ông Nguyễn Văn Việt, người vừa bỏ ra 200 triệu đồng để thuê 6 ha đất ở xã Tân An, Tân Hiệp cho biết: “Nếu giá cả ổn định, lúa thương phẩm ở mức trên 6.000 đồng/kg thì người thuê đất phải mất đứt vụ ĐX, vụ lúa mang lại hiệu quả cao nhất cho tiền thuê đất. Còn lại 2 vụ HT và TĐ, thì một vụ cho chi phí đầu tư, còn lời được một vụ”.

Đ.T.CHÁNH


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Trại Chim Trĩ Đỏ Ở Xứ Nghệ Trại Chim Trĩ Đỏ Ở… Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Lúa ? Làm Gì Để Giữ Ổn…