Tin nông nghiệp Nghệ organic đi Tây

Nghệ organic đi Tây

Tác giả Chu Khôi, ngày đăng 13/03/2020

Nghệ organic đi Tây

Startup liên kết nông dân trồng nghệ chỉ mới bắt đầu từ năm 2016, nhưng đến nay đã tập hợp được 1.089 hộ nông dân trồng nghệ diện tích 118 ha.

Nông dân dân tộc Tày ở Bản Đán, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông thu hoạch củ nghệ.

Củ nghệ thu hoạch từ vùng trồng liên kết này được chế biến ra 13 loại sản phẩm, đã xuất khẩu đi 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Ấn Độ, Ukraina, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Nhật Bản.

Vừa qua, chúng tôi điền dã vùng trồng nghệ hàng hóa ở tỉnh Bắc Kạn. Gia đình ông Nguyễn Văn Luyến là người dân tộc Tày ở Bản Đán, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông đang thu hoạch nghệ. Ông Luyến cho biết, gia đình trồng 2ha nghệ trên đất đồi, mỗi năm thu hoạch khoảng 55 tấn nghệ củ. Năm ngoái, gia đình, bán nghệ cho Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn được 270 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi hơn 150 triệu đồng. Dự kiến năm nay cũng thu hoạch tương đương năm trước.

Theo ông Luyến, bắt đầu từ năm 2018, nông dân trồng nghệ ở xã Đôn Phong được Công ty Nông sản Bắc Kạn ký kết bao tiêu sản phẩm, bản thân ông Luyến lại được xã bầu làm tổ trưởng tổ hợp tác trồng nghệ. Bởi vậy, ông Luyến vận động các thành viên ở trong xã tham gia phát triển cây nghệ với diện tích lên đến hàng chục ha, nhiều hộ đã trồng thành công và mang lại thu nhập khá.

Quá trình thực hiện công ty đã hỗ trợ bà con giống, cam kết thu mua sản phẩm với mức giá không dưới 5.000 đồng/kg. Ngoài ra công ty còn phối hợp với Hội Nông dân mở các lớp khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia.

Ông Hà Văn Cường, Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Kạn cho hay, công ty mới chỉ được thành lập từ năm 2016, từ sự kêu gọi của chính quyền địa phương khuyến khích tư nhân khởi nghiệp Startup làm đầu mối thu mua và tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn.

Chỉ sau chưa đầy 4 năm, đến nay công ty đã ký kết bao tiêu trồng nghệ với tổng số 1.089 hộ nông dân trên địa bàn 18 xã thuộc 4 huyện của tỉnh Bắc Kạn với tổng diện tích trồng nghệ 118 ha. Số lượng nông dân này được chia thành 44 tổ hợp tác. Hiện cây nghệ năng suất tốt, ở một số khu vực năng suất lên đến 40 tấn/ha, trung bình cũng khoảng 20-25 tấn/ha. Công ty đang thu mua với giá 5000 đồng/kg.

Theo ông Cường, cây nghệ đã được nông dân ở Bắc Kạn trồng từ lâu đời. Trước đây người dân địa phương chỉ dùng để phục vụ gia đình, nấu ăn hoặc làm màu cho một số loại bánh và món ăn, chứ gần như không có khái niệm trồng củ nghệ với mục đích phát triển kinh tế. Từ sau năm 2010 đến nay, củ nghệ đã bắt đầu trở thành hàng hóa.

Sản phẩm nghệ Bắc Kạn đã được các nhà khoa học đem phân tích thành phần và đánh giá rất cao về chất lượng: hàm lượng Curcumin đạt hơn 6%, trong khi sản phẩm nghệ trồng ở các nơi khác dưới 5%. Tuy nhiên, trước đây bà con canh tác không theo quy chuẩn nào. Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh phối hợp với công ty tuyên truyền, vận động nông dân trồng nghệ theo hướng hữu cơ tại huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Mới và Na Rì với diện tích hơn 82ha.

Sản phẩm nghệ Bắc Kạn được đánh giá rất cao về chất lượng: hàm lượng Curcumin đạt hơn 6%, trong khi sản phẩm nghệ trồng ở các nơi khác dưới 5%.

Hiện Công ty Nông sản Bắc Kạn đã sản xuất ra 13 loại mặt hàng khác nhau từ củ nghệ, sản phẩm tinh nghệ ở cả bột và dạng viên. Sản phẩm đã được bày bán ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Nhưng đáng chú ý là tinh nghệ Bắc Kạn đã có mặt tại 6 nước gồm Ấn Độ, Ukraina, Đài Loan, Pháp, và đặc biệt là 2 thị trường khó tính, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản.

Chỉ khởi nghiệp được gần 4 năm, nhưng công ty đã sở hữu hàng loạt giải thưởng như sản phẩm nông nghiệp tiểu biểu toàn quốc; sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, sản phẩm OCOP 4 sao Băc Kạn. Đáng chú ý nhất chính là sản phẩm của công ty là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sản xuất tỉnh nghệ được cấp giấy chứng nhận sản phẩm Oganic do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cấp. Trong đó, xã Đông Phong đã được USDA chứng nhận là vùng nguyên liệu nghệ hữu cơ, với diện tích 17 ha.

Ông Hà Văn Cường chia sẻ, từ khoảng một năm nay, công ty được tham gia vào Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển (Dự án EFD) của Oxfam. Nhờ có sự tư vấn, đào tạo của EFD, bản thân ông Cường và các thành viên quản trị công ty đã có sự thay đổi lớn như tư duy về nông nghiệp, kỹ năng làm việc với bà con nông dân cũng được nâng lên. Qua Dự án, Công ty đã biết cách thiết lập các tổ hợp tác của nông dân một cách bài bản, đưa ra những quy định cho người tham gia tổ hợp tác phải làm chung và cùng chịu trách nhiệm với nhau.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quản lý Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển (Dự án EFD) cho biết, Dự án EFD với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của tổ chức Oxfam và các nhà tài trợ. EFD là hướng đi hỗ trợ cộng đồng thông qua chiến lược tăng cường năng lực quản trị kinh doanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Theo bà Hà, Dự án thực hiện thí điểm từ năm 2014 và chính thức từ năm 2015. Trong giai đoạn I (2015-2018), Dự án EFD đã hỗ trợ 33 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp. Bắt đầu từ năm 2019, Dự án chuyển sang giai đoạn II.

Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn là một trong số những doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ trong giai đoạn 2 của dự án. Các chuyên gia tư vấn làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để tìm ra họ đang yếu ở khâu nào, để rồi đưa ra những công cụ, giải pháp để giúp doanh nghiệp thay đổi và có định hướng tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh.


Tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa Tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn hại… Cà gai leo lãi gấp ba ngô, lúa Cà gai leo lãi gấp ba ngô, lúa