Tin thủy sản Thị trường thủy sản: Phục hồi tăng trưởng
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Thị trường thủy sản: Phục hồi tăng trưởng

Tác giả Nguyễn Anh - Ngọc Anh, ngày đăng 22/08/2017

Thị trường thủy sản: Phục hồi tăng trưởng

Tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2016, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tăng trưởng tốt với hơn 3,6 tỷ USD tại các thị trường trọng điểm. Đây là cơ sở quan trọng để ngành thủy sản tự tin với mục tiêu đề ra.

Triển vọng sản phẩm chủ lực

Tôm vẫn dẫn đầu

Là mặt hàng có vai trò chủ đạo trong xuất khẩu thủy sản những năm qua, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vẫn duy trì được phong độ với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,56 tỷ USD, tăng gần 15% so cùng kỳ năm 2016. Tôm thẻ chân trắng vẫn cho thấy là mặt hàng “ăn khách” với con số xuất khẩu ước 962 triệu USD, tăng trên 21%; trong khi xuất khẩu tôm sú đạt 414 triệu USD, giảm 6,8%.

Cá tra “tìm thị trường”

Xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm tăng gần 6%, đạt 836 triệu USD. Tuy nhiên, tại thị trường EU và Mỹ, giá trị đã giảm sút; nguyên nhân do gặp phải truyền thông bôi nhọ từ đầu năm, xuất khẩu cá tra khó hồi phục tại thị trường EU; Hơn nữa, thị trường Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá cao đối với cá tra và sẽ áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt từ ngày 1/9/2017. Những khó khăn này tạo áp lực lớn khiến ngành cá tra phải thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, chú trọng việc nâng cao chất lượng, đẩy lui truyền thông xấu về hình ảnh cá tra Việt Nam.

Điều đáng mừng là ngày càng nhiều doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu chính ngạch cá tra sang Trung Quốc. Trong thời gian tới, với sự tham gia tích cực của hệ thống phân phối ở Trung Quốc, việc xuất khẩu chính ngạch cá tra sang đây còn tăng hơn nữa. Cùng đó, việc tăng trưởng tốt ở thị trường này đã giúp bù đắp lại sự giảm sút ở các thị trường truyền thống là Mỹ và EU.

Cá ngừ kéo đà tăng trưởng         

Xuất khẩu cá ngừ tăng gần 21%, đạt 271 triệu USD, nhất là sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35%, cho thấy mặt hàng này ngày càng tạo dựng được thương hiệu. Trong khi, cá ngừ đông lạnh (thăn, fillet) tăng chậm hơn (16%). Cá ngừ Việt Nam đã xuất được sang 97 nước trên thế giới. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm đạt 108 triệu USD, tăng 16% so cùng kỳ.

Nhuyễn thể góp phần

Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng mạnh nhất 50% đạt 269 triệu USD, xuất khẩu các loại cá biển khác tăng 14% đạt 581 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu từ châu Âu tăng, trong khi nguồn cung mực từ các nước trên thế giới năm nay có xu hướng giảm có thể là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Biến động thị trường

Mỹ

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt 641 triệu USD, tăng 17,8%; Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu nhóm thị trường nhập khẩu thủy sản.

Là mặt hàng quan trọng thứ hai tại Mỹ, nhưng do thuế chống bán phá giá và chính sách bảo hộ nên trong 6 tháng qua, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 276 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều khả năng, xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm. Bởi, nguồn cung tôm từ 2 nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ và Thái Lan hiện không dồi dào, khiến cho mặt bằng giá tôm trên thế giới không bị giảm xuống vào thời điểm mùa vụ thu hoạch như những năm trước đây.

Theo các chuyên gia, cần tập trung giải quyết tốt về dư lượng hóa chất, kháng sinh, để vượt qua rào cản thương mại; tạo niềm tin với các nhà nhập khẩu về chất lượng, khả năng cạnh tranh… của thủy sản Việt Nam.

Nhật Bản

Là thị trường thứ hai về tiêu thụ sản phẩm thủy sản Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đạt 589 triệu USD, tăng 16,31%; thị trường số 1 về nhập khẩu tôm, giá trị đạt 319 triệu USD, tăng 20,51% so cùng kỳ năm 2016. 

Sự tăng trưởng mạnh trở lại ở thị trường Nhật Bản cũng đem lại niềm hy vọng cho con tôm Việt. Yếu tố quan trọng nhất giúp cho xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trở lại ở thị trường này là tỷ giá của đồng Yên đang giúp cho việc nhập khẩu hàng hóa nói chung có lợi hơn cho các thương gia Nhật Bản.

Châu Âu (EU)

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU trong 6 tháng qua đạt hơn 587 triệu USD, tăng 16,27%. Thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian bị giảm sút bởi ảnh hưởng của tỷ giá đồng Euro, truyền thông bôi nhọ… Với sản phẩm cá tra, các nhà nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng ở EU đang có sự quan tâm trở lại với cá tra Việt Nam, giúp cho giá trị xuất khẩu sang khu vực này sẽ không còn bị suy giảm nữa. EU cũng rất chú trọng đến những sản phẩm có chất lượng, điều này cũng giúp các doanh nghiệp cá tra Việt Nam quan tâm hơn tới việc phải chế biến, đưa những sản phẩm cá tra có chất lượng sang EU bền vững hơn, có giá trị tốt hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt để tận dụng những cơ hội thuận lợi cho thủy sản Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn. Hiện, các nhà nhập khẩu từ EU đã có những sự khởi động để đón đầu những điều kiện thuận lợi từ EVFTA.

Trung Quốc

Là thị trường có sự tăng trưởng vượt bậc trong 6 tháng qua, nhất là việc nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam qua đường chính ngạch, với giá trị kim ngạch đạt 155 triệu USD, tăng 18,25% so cùng kỳ; đây là tín hiệu tốt để cá tra Việt Nam lấy lại được phong độ của mình.

Theo đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Trung Quốc là thị trường có tiềm năng rất lớn và đang tăng trưởng rất tốt. Do đó, ổn định thị trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu chứ không phải là đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá. Vì vậy, cần phải đánh giá đúng nhu cầu để cung cấp cho họ những sản phẩm phù hợp và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm là thiên tai, bởi hiện nay cả nước mới bắt đầu bước vào mùa mưa bão; Thứ hai là vấn đề thị trường, từ 1/9, Mỹ chính thức áp dụng luật Farm Bill sẽ khó khăn cho mặt hàng cá da trơn của Việt Nam. Bên cạnh đó, EU cũng đã có cảnh báo liên quan tới một số nguy cơ về an toàn thực phẩm của hàng thủy sản Việt Nam. Vì vậy, nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để ổn định, mở rộng thị trường mới thì nguy cơ đối với xuất khẩu thủy sản sẽ rất cam go.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam Hoa Kỳ dỡ bỏ một… Peru: Xuất khẩu thủy sản tăng 61,5% trong nửa đầu năm Peru: Xuất khẩu thủy sản…