Mô hình kinh tế Xuất Khẩu Thuỷ Sản Đối Mặt Nhiều Thách Thức
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Xuất Khẩu Thuỷ Sản Đối Mặt Nhiều Thách Thức

Ngày đăng 30/09/2014

Xuất Khẩu Thuỷ Sản Đối Mặt Nhiều Thách Thức

Trong nhiều năm qua, thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này liên tục năm sau cao hơn năm trước. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD và trở thành một trong bốn quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới.

Cùng với hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản, chế biến thuỷ sản của Việt Nam là ngành công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh và khá ổn định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng liên tục qua các năm với mức tăng trưởng khoảng 15 - 20%/năm. 10 năm qua, thuỷ sản Việt Nam liên tục tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 lên 6,1 tỷ USD vào năm 2011.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 6,7 tỷ USD, vượt qua chỉ tiêu 6,5 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này cũng đã đạt 5,7 tỷ USD.

Đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam hướng tới con số 10 tỷ USD vào năm 2020 theo mục tiêu chiến lược phát triển xuất khẩu thuỷ sản giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Mới đây nhất, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có phán quyết cuối cùng giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ theo quyết định sơ bộ giai đoạn rà soát lần thứ 8.

Theo đó, giai đoạn rà soát lần thứ 8 diễn ra từ ngày 1/2/2012 đến ngày 31/1/2013 có 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá, với mức thuế bình quân là 6,37%, trong đó, Công ty Thủy sản Sóc Trăng chịu mức thuế cao nhất, ở mức 9,75%. Dự kiến quyết định sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 9 năm 2014.

Có thể thấy, đây là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thuỷ sản. Trong thành công của xuất khẩu thuỷ sản năm 2013 đạt trên 6,7 tỷ USD (vượt xa mục tiêu đạt 6,5 tỷ USD), có sự đóng góp lớn của ngành tôm với doanh số trên 3 tỷ USD, chiếm 46% tổng xuất khẩu. Bước sang năm 2014, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/8/2014, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh, trong đó xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt trên 694,5 triệu USD, tăng 80,3% so với cùng kỳ năm 2013. Do vậy, việc 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế chống bán phá giá vào cuối tháng 9 này đang làm nảy sinh vấn đề liệu xuất khẩu thủy sản năm 2014 có thể sẽ vượt được kết quả của năm 2013 không.

Năm 2014, Việt Nam đã nỗ lực tìm thêm những thị trường xuất khẩu thuỷ sản tiềm năng như Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Australia… Tuy nhiên, càng ngày các thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam càng yêu cầu thêm nhiều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, việc đảm bảo kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm toàn chuỗi sản xuất của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng như các bên tham gia chuỗi nhằm đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và năng lực cạnh tranh cao đang là thách thức lớn.

Mặc dù thuỷ sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng những biến động kinh tế thế giới khó lường có thể ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng thuỷ sản. Bên cạnh đó, trước sức ép suy giảm kinh tế toàn cầu, các nước gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước, đưa ra ngày càng nhiều các rào cản thương mại.

Do vậy, việc tiếp tục củng cố và gia tăng thị phần tại các thị trường cũng đang là thách thức lớn cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Để vượt qua thách thức, đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2014 vượt mốc 6,7 tỷ USD của năm 2013, trước hết cần đảm bảo đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu theo hướng nâng cao sản lượng và mức độ chế biến trong nước và kiểm soát tốt hơn nhập khẩu nguyên liệu. Cần tiếp tục quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản gắn với bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Đồng bộ hoá về chất lượng các khâu con giống, thức ăn, thuốc thú y... trong hoạt động nuôi trồng thuỷ sản nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất và chất lượng, giảm tỷ trọng trong giá thành nguyên liệu, phát triển nhanh tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng thuỷ sản. Cần kiện toàn và thiết lập hệ thống kiểm soát chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ của các tiêu chuẩn, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu, thu gom, vận chuyển, chế biến đến xuất khẩu.

Giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí kiểm tra bắt buộc lô hàng xuất khẩu do cơ quan chức năng thực hiện. Tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần hạ giá thành sản xuất, ổn định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nguyên liệu thuỷ sản.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu thuỷ sản. Cần đầu tư hơn nữa và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá thuỷ sản Việt Nam ra nước ngoài thông qua nhiều hình thức, như hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu thông tin về hệ thống khai thác, nuôi trồng, chế biến được kiểm soát tốt bằng các hoạt động tiếp thị chuyên nghiệp.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường giúp đỡ các doanh nghiệp chủ động vượt qua các rào cản thương mại, tìm kiếm mọi cơ hội hợp tác nhằm hạn chế những tác động của các vụ kiện. Phối hợp cùng các nhà nhập khẩu trong công tác truyền thông để phản bác những thông tin sai lệch về thuỷ sản Việt Nam. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản nhằm nâng cao uy tín, sức cạnh tranh và giá trị của thuỷ sản Việt Nam…


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Yên Bái Khắc Phục Tình Trạng Thiếu Bãi Chăn Thả Gia Súc Yên Bái Khắc Phục Tình… Bình Định Xây Dựng Đội Tàu Khai Thác Cá Ngừ Theo Chuỗi Bình Định Xây Dựng Đội…