Mô hình kinh tế 10 Mặt Hàng Nông Sản Xuất Khẩu Tỷ Đô

10 Mặt Hàng Nông Sản Xuất Khẩu Tỷ Đô

Ngày đăng 30/12/2014

10 Mặt Hàng Nông Sản Xuất Khẩu Tỷ Đô

Năm 2014, trong tổng số 30,86 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có 10 mặt hàng đóng góp kim ngạch trên 1 tỷ USD, đó là: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản.

Tôm

Năm nay tôm là mặt hàng đặc biệt được giá, đem lại siêu lợi nhuận và là nguồn thu kim ngạch đáng kể (gần 4,0 tỷ USD).

Tính đến trung tuần tháng 11/2014 mặt hàng tôm vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2013 với mức tăng chung tới 32,9%, đạt giá trị 3,51 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến nửa đầu tháng 11 năm 2014.

Riêng tăng trưởng xuất khẩu tôm chân trắng vẫn đạt mức cao, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,05 tỷ USD đến ngày 15/11, trong khi đó xuất khẩu tôm sú duy trì mức tăng nhẹ (6,4%), đạt giá trị trên 1,2 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng mạnh của mặt hàng tôm đã góp phần quan trọng để duy trì nhịp độ tăng trưởng khá trong xuất khẩu thủy sản của toàn ngành.

Cá tra

Tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng cá tra cả năm 2014 vào khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013. Cá tra hiện vẫn duy trì đứng ở vị trí thứ 2 sau tôm, chiếm 21,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất là EU và Mỹ đều lần lượt tăng 31,4% và giảm 7% so với nửa đầu tháng 11 năm 2013. Nếu nửa đầu tháng 11 năm 2013, riêng 2 thị trường này chiếm tới 39,3% tổng giá trị xuất khẩu thì nay giảm còn 35,5%.

Tính từ đầu năm đến 15/11/2014, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang ASEAN và Brazil lần lượt tăng trưởng 11,1% và 14,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Gạo

Ước năm nay nước ta xuất khẩu được 6,52 triệu tấn gạo với giá trị xuất khẩu là 3,04 tỷ USD, tương đương lượng xuất khẩu năm 2013 nhưng lại tăng 1,9% về giá trị so với năm 2013. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2014 đạt 463 USD/tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013.

Thị trường lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2014 là Trung Quốc với 31,1% thị phần. Đáng chú ý nhất là thị trường Philippin có sự tăng trưởng đột biến trong 11 tháng đầu năm với mức tăng gấp 3,68 lần về khối lượng và gấp 3,74 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Với mức tăng trưởng này, Philippin vươn lên vị trí đứng thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 21,38%, tiếp đến là Malaysia, Gana và Indonesia, chiếm thị phần lần lượt là 7,38%; 5,9% và 5,13%.

Cà phê

Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2014 ước đạt 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng 33,2% về giá trị so với năm 2013. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm đạt 2.096 USD/tấn, tương đương so với năm 2013.

Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 với thị phần lần lượt là 13,65% và 10,2%.

Thị trường Bỉ có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp 2,57 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Cao su

Cả năm 2014 xuất khẩu cao su ước đạt 1,07 triệu tấn với giá trị đạt 1,8 tỷ USD, tăng 0,2% về khối lượng nhưng lại giảm 27,7% về giá trị so với năm 2013.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2014 đạt 1.695 USD/tấn, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014, nhưng lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2013, cụ thể: Trung Quốc giảm 5% về khối lượng và giảm 30% về giá trị; Malaysia giảm 7% về khối lượng và giảm 37% về giá trị.

Điều

Năm nay ngành điều xuất khẩu khoảng 306 nghìn tấn với 2 tỷ USD kim ngạch, tăng 17,4% về khối lượng và tăng 21,9% về giá trị so với năm 2013.

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2014 đạt 6.553 USD/tấn, tăng 3,81% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 32,5%, 15% và 11,23% tổng giá trị xuất khẩu.

Tiêu

Khối lượng xuất khẩu tiêu cả năm 2014 vào khoảng 158.000 tấn với giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 35,9% về giá trị so với năm 2013.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2014 đạt 7.679 USD/tấn, tăng 14,76% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Hà Lan - 5 thị trường lớn nhất nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 chiếm 50% tổng xuất khẩu của mặt hàng này.

Thị trường Hoa Kỳ tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,8% về giá trị; Singapore tăng 47% về khối lượng và 84,3% về giá trị, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 33% về khối lượng và tăng 56,5% về giá trị. Thị trường Ấn Độ tăng 88% về khối lượng và 2,19 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Sắn

Năm nay mặt hàng sắn xuất khẩu ước đạt 3,3 triệu tấn với giá trị đạt 1,12 tỷ USD, tăng 5,4% về khối lượng và 2,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc và Đài Loan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam với 84,27% thị phần.

Rau quả

Với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay (tăng 34,9%), xuất khẩu rau quả có thể mang về cho Việt Nam khoảng 1,47 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Tính đến hết quý III năm 2014, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là ba thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam.

Về tăng trưởng kim ngạch, có 2 thị trường có sự tăng trưởng đột biến là Hong Kong và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Việc hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng dương, cho thấy mặt hàng rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Đáng lưu ý, thị trường phía Mỹ đã mở cho ta xuất khẩu thanh long, chôm chôm, nhãn và vải thiều.

Lâm sản

Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2014 ước đạt 6,54 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013.

11 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 13,35%; Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 12,47% và 17,06% so với cùng kỳ năm 2013.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 - chiếm 66,21% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.


Bàn Giao NM Chế Biến Gạo Chất Lượng Cao Thái Bình Bàn Giao NM Chế Biến Gạo Chất Lượng… Ngành Điều Ngành Điều "Để Mắt" Tới Thị Trường Nội…