Tôm thẻ chân trắng 6 yếu tố trong cải tạo ao nuôi tôm

6 yếu tố trong cải tạo ao nuôi tôm

Tác giả Hoàng Yến, ngày đăng 25/12/2018

6 yếu tố trong cải tạo ao nuôi tôm

Trước mỗi vụ nuôi cần chuẩn bị ao theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh các thiệt hại không đáng có xảy ra.

Xới, ủi cải tạo đáy ao nuôi tôm. Ảnh: PTC

Phơi đáy ao

Phơi đáy ao là một trong những bước quan trọng và không thể thiếu trong kỹ thuật cải tạo ao nuôi. Môi trường đáy ao phải được cải tạo kỹ lưỡng và quản lý tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển và tăng trưởng. Sau mỗi vụ nuôi, đáy ao thường được phơi khô cho đến khi nền đất đáy nứt nẻ. Phơi ao giúp ôxy hóa các chất hữu cơ, giảm H2S và mầm bệnh. Và đặc biệt người nuôi có thể tận dụng tia cực tím của ánh nắng mặt trời diệt những vi khuẩn và mầm bệnh gây hại. Phơi khô đáy ao trong 2 - 3 tuần.

Xới đất đáy ao

Phương pháp phổ biến áp dụng là cải tạo khô kết hợp ủi lại ao nhằm thúc đẩy quá trình ôxy hóa giúp phân hủy chất hữu cơ và hạn chế mầm bệnh. Đất đáy ao được xới, ủi lại sẽ làm cho đất thoáng khí hơn bởi có những khu vực bị yếm khí do tích tụ nhiều chất hữu cơ và khí độc H2S, trừ trường hợp ngoại lệ không nên cày xới và phải ngăn chặn sự xói mòn khi nền đất đáy ao có tính axít do chứa quặng sắt, vì sẽ làm pH có thể bị giảm nghiêm trọng.

Bón vôi

Theo các chuyên gia, bón vôi xuống ao - đầm có nhiều tác dụng: Làm cho bùn ao có kết cấu tơi xốp, cải tạo điều kiện không khí ở đáy, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ trong ao, giải phóng N, P, K ngậm trong bùn, làm tăng độ dinh dưỡng; giữ ổn định độ pH. Tiến hành xới đất đáy ao với độ sâu khoảng từ 5 - 10 cm, sau đó tiến hành rải vôi CaO theo liều khoảng từ 5 - 10 kg/100 m2 để ổn định pH nền đáy ao, tiêu diệt mầm bệnh từ vụ nuôi trước và phân hủy hết các khí độc (tùy thuộc vào độ pH và axít của đất). Để việc phơi đáy ao và bón vôi đạt hiệu quả cần thực hành các bước sau:

• Khi tháo cạn ao, cần lấy ngay một mẫu đất hỗn hợp bằng cách trộn các mẫu đất lấy từ lớp đất phía trên dày 5 cm từ 8 - 12 chỗ. Phơi khô và tán nghiền mẫu đất hỗn hợp này để đo pH;

• Loại bỏ trầm tích đáy từ các chỗ quá sâu để phơi khô đúng cách;

• Nếu đất có tính axít, rải đều vôi trên toàn bộ đáy khi đất vẫn còn ẩm;

• Cày xới đất, đặc biệt là đất không dễ khô;

• Nếu có những chỗ ẩm ướt không khô được nên sử dụng lượng lớn vôi sống hoặc vôi tôi.

Bón phân

Ao nuôi cần được bón phân gây màu nước để động, thực vật phù du phát triển là nguồn thức ăn tự nhiên của tôm, đồng thời hạn chế sự phát triển của các loại tảo đáy, tạo ôxy, hấp thụ các chất độc sinh ra từ thức ăn dư thừa, chất thải của tôm trong quá trình nuôi. Phân bón được hòa tan với nước trước khi tạt khắp ao để tránh lắng ở đáy làm đất giàu dinh dưỡng kích thích tảo đáy phát triển. Lượng phân bón vào ao phụ thuộc vào diện tích ao và liều lượng bón của từng loại phân. Các loại phân dùng để gây màu:

• Phân hữu cơ: phân chuồng, gà, trâu, bò, khi bón phân phải được ủ mục.

• Phân vô cơ: NPK 0,2 kg/100 m2 + urê 0,2 kg/100 m2. Nên bón phân vào 9 - 10 giờ sáng. Lượng phân bón trên có thể chia ra 2 - 3 ngày bón. Sau khi bón phân 2 - 3 ngày, sinh vật phù du phát triển, độ trong đạt 40 - 50 cm nước có màu xanh nõn chuối hoặc vàng nâu là tốt nhất cho việc thả tôm.

Xử lý nước

Nguồn nước phải chủ động, không bị ô nhiễm, nước cần đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan nên ở mức > 4 mg/lít; pH: 7 - 8,5. Sử dụng các chất diệt khuẩn như: Chlorine, BKC, thuốc tím... đánh quanh ao để loại bỏ hoàn toàn các loại vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, sử dụng chế phẩm vi sinh để ổn định màu nước và tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển. Nên kiểm tra các yếu tố như pH, độ kiềm, độ mặn... trước khi thả giống. Tiến hành cấp nước vào ao  2 lần: Lần 1, cấp nước vào ao với mực nước 30 - 50 cm, sau đó bón phân gây màu và ngâm ao 3 - 5 ngày. Lần 2: Cấp đủ mực nước theo yêu cầu. Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc gắn vào cửa cống hoặc đầu ra của máy bơm, để tránh cá tạp, cá dữ xâm nhập vào ao.

Khi nguồn nước đã được xử lý kỹ trong ao lắng và bắt đầu bơm sang ao nuôi, tiến hành xử lý vi sinh để tạo hệ vi sinh vật có lợi cho ao nuôi, tăng cường khả năng hoạt động của ao, tạo môi trường thuận lợi cho tôm.

Trang bị hệ thống quạt nước

Số lượng máy quạt nước sử dụng trong ao phụ thuộc vào mật độ, diện tích ao và khả năng đầu tư. Tùy vào điều kiện cụ thể mà người nuôi cần lựa chọn số lượng máy quạt nước lắp đặt cho phù hợp. Thường 1 cánh quạt sẽ cung cấp đủ ôxy cho 2.800 con tôm từ lúc mới thả đến khi thu hoạch. Đối với nuôi tôm sú mật độ > 30 con/m2 và TTCT > 40 con/m2 có sử dụng thức ăn viên thì bắt buộc phải bật quạt nước lúc mặt trời lặn và thời gian từ 3 - 6h là bắt buộc, thì sau khi kiểm tra vó thức ăn cũng nên bật để làm sạch khu vực cho tôm ăn. Vận tốc guồng quay phải đạt từ 80 - 85 vòng/phút. Nên chạy quạt nước liên tục trong suốt quá trình nuôi. Đối với giai đoạn tôm còn nhỏ hoặc thả với mật độ thưa thì cũng nên dùng quạt nước nhưng vận hành với số lượng, thời lượng và vận tốc nhỏ hơn.


Nuôi tôm hai giai đoạn Nuôi tôm hai giai đoạn Phòng trị bệnh do Vibrio trên tôm Phòng trị bệnh do Vibrio trên tôm