Tin nông nghiệp An Giang củng cố nội lực ngành chăn nuôi bò

An Giang củng cố nội lực ngành chăn nuôi bò

Tác giả MINH HIỂN, ngày đăng 27/05/2016

An Giang củng cố nội lực ngành chăn nuôi bò

Thua ngay trên “sân nhà”

“Tôi luôn ủng hộ quan điểm phải tái cấu trúc ngành chăn nuôi trong tỉnh để hội nhập. Thực tế cho thấy, kể từ khi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trong nước được nhập khẩu bò nguyên con từ các nước phát triển như Úc, Mỹ về xẻ thịt, giá bò hơi trong tỉnh rớt xuống thê thảm. Cụ thể, trước đây, nông dân (ND) còn bán được bò hơi với giá 67.000 đồng/kg, nay giá rớt xuống chỉ còn khoảng 55.000 đồng/kg. Điều này đã làm cho chăn nuôi không hiệu quả, nhiều hộ ND bán bò, dỡ chuồng để làm việc khác” - ông Nguyễn Văn Phương (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) bộc bạch.

Gia đình ông Phương là một trong những ND chăn nuôi bò giỏi của tỉnh. 5 năm trước đây, tổng đàn bò của gia đình ông luôn duy trì trên 30 con. Nay, giá bò thịt rớt xuống thấp, tổng đàn bò của ông cũng đã giảm xuống rất nhiều. Đồng vốn đầu tư vào chăn nuôi bò ngày nào, giờ đây ông phải tính toán rút dần ra để đầu tư cho chuyện làm ăn khác. “Nói ND nuôi bò trong tỉnh thua ngay trên “sân nhà” là không sai. Hình thức chăn nuôi của chúng ta vẫn nhỏ lẻ, giá thành luôn ở mức cao. Tỉnh đã xác định, chăn nuôi bò là thế mạnh của địa phương nhưng cơ chế hỗ trợ để người chăn nuôi sống được với nghề chưa đủ mạnh. Các yếu tố như thị trường, vốn, con giống, kỹ thuật… chưa được hỗ trợ đồng bộ, vai trò điều tiết sản xuất của Nhà nước chưa tốt, làm cho quá trình chăn nuôi của ND kém hiệu quả” – ông Lương Văn Cù (xã Nhơn Hội, An Phú) phân tích.

Minh chứng cho vấn đề trên, ông Cù nhớ lại, cách đây 3 năm, khi phong trào nuôi bò cọp mới nổi lên, lãnh đạo các huyện, thị xã trong tỉnh ùn ùn xuống tận xã Phú Lễ (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) xem mô hình để học tập. “ND thấy vậy, đua nhau nuôi bò cọp, góp phần đẩy giá con giống lên đến 220.000 đồng/kg, trong khi giá bán bò thịt chỉ có 55.000 đồng/kg. Thực trạng sốt con giống bò cọp, Nhà nước vẫn không đưa ra được khuyến cáo nào cho người ND. Trong quá trình nuôi bò, ND luôn cố gắng nuôi sao cho thịt con bò thơm, ngon nhưng khi mang đi giết mổ, Nhà nước không có cơ chế quản lý chặt chẽ, để thương lái bơm nước vào làm cho chất lượng thịt xấu đi. Thử hỏi, khi mua ăn, người tiêu dùng ủng hộ bò trong nước hay bò nhập khẩu từ Úc, Mỹ?” – ông Cù đặt vấn đề.

Đâu là giải pháp?

Báo cáo từ Chi cục Thú y tỉnh cho biết, bò hơi giảm giá nên nhiều ND đã chuyển sang hình thức đầu tư khác để kiếm sống, khiến tổng đàn bò của tỉnh giảm nhiều. Nếu như đầu tháng 1-2016, tổng đàn bò trong tỉnh đạt 101.707 con thì nay giảm xuống còn khoảng 99.000 con. Nhiều hộ mua đất đầu tư mở trang trại, làm được nửa chừng thì giá bò hơi bị rớt xuống nên đã sang đất, sang bò để “cắt lỗ”. Thực tế cho thấy, vốn đầu tư vào ngành chăn nuôi bò đang bị dịch chuyển, rút ra để đầu tư vào các kênh sinh lời khác như vàng, chứng khoán hiện nay. “Muốn phong trào chăn nuôi bò thịt phát triển trở lại thì phải có bước chuẩn bị lâu dài. Cụ thể, không thể mua giống con bò cọp với giá lên đến 220.000 đồng/kg để rồi sau 18 tháng nuôi, giá bán thịt chỉ có 55.000 đồng/kg. Thay vào đó, ND cần chọn bò cái tốt, sau đó gieo tinh nhân tạo giống bò cọp. Khi bê đẻ ra, chúng ta lấy bê đó để phát triển nuôi thịt. Với cách làm này thì giá thành nuôi bò sẽ giảm đi rất nhiều và cho dù giá thịt có rớt xuống còn 55.000 đồng/kg, ND vẫn không lỗ” – ông Lê Văn Mứt, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y tỉnh, chia sẻ.

Bên cạnh giải pháp về con giống thì giải pháp kỹ thuật cũng cần được chú trọng. Theo những ND có kinh nghiệm, ở thời điểm 2 tháng chuẩn bị thu hoạch, bò cần được nuôi thúc để lên thịt. Cùng với cỏ xanh, rơm thì bò cần được ăn các loại dinh dưỡng khác. Ngoài ra, giải pháp về thị trường đóng vai trò quyết định cho sản xuất. Sự kết hợp giữa ND và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong điều tiết cung – cầu. Thời gian qua, do thiếu sự phối hợp đã làm cho cung- cầu không gặp nhau, dẫn đến giá bò thịt biến động không ngừng, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Tóm lại, củng cố nội lực của ngành chăn nuôi phải bắt đầu từ thị trường, từ quy hoạch ngành và trên hết là phải tạo ra cơ chế để khuyến khích ngành này phát triển. Chăn nuôi trong nước không thể phát triển tốt khi con giống không tốt, điều kiện sản xuất tập trung vẫn còn hạn chế, vốn phục vụ sản xuất, lãi suất vẫn còn cao…

“Năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu lên đến 311.523 con bò Úc. Giá nhập dưới 3 AUD/kg (1 AUD = 16.600 đồng). Với giá nhập khẩu như vậy, thịt bò trong nước làm sao cạnh tranh nổi với thịt bò nhập khẩu. Khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam cho nhập bò từ các nước phát triển một cách thoải mái, chưa có hàng rào kỹ thuật nào được dựng lên nên người chăn nuôi bò trong nước lao đao là điều dễ hiểu” – TS. Trần Minh Hải, Khoa Kinh tế - Trường đại học An Giang, chia sẻ.


Ông trùm gà Đông Tảo ở đất Đồng Nai Ông trùm gà Đông Tảo ở đất Đồng… Tiền Giang triển vọng từ mô hình nuôi vịt biển Tiền Giang triển vọng từ mô hình nuôi…