Mô hình kinh tế Bài toán chất lượng cao cho cây chè Lâm Đồng

Bài toán chất lượng cao cho cây chè Lâm Đồng

Ngày đăng 13/08/2015

Bài toán chất lượng cao cho cây chè Lâm Đồng

Bài 1: Giảm thuốc trên đồng chè

Lâm Đồng canh tác trên một vùng nguyên liệu 22.030ha chè các loại, đạt sản lượng chè búp tươi hàng năm hơn 223.000 tấn, tương đương với 30% tổng sản lượng chè của cả nước. Địa bàn sản xuất chè tập trung ở 10 xã, thị trấn trọng điểm của huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc; còn lại diện tích phân bổ trên 43 xã, thị trấn thuộc các huyện Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, cây chè Lâm Đồng sinh trưởng quanh năm tươi tốt, nhưng cũng đồng thời thường phát sinh những loài dịch hại như: bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ, rầy xanh, gây nên các bệnh thối búp, phồng lá, chấm xám... Để phòng trừ hiệu quả các loài dịch hại này, phần lớn người nông dân đã hình thành thói quen sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục. Tuy nhiên, vẫn còn không ít số hộ nông dân vì thấy giá rẻ đã mua về sử dụng các loại thuốc có độ độc cao như hoạt chất Fipronil, Hecxaconazole, Carbendazim... chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn, ngược lại về lâu dài lại tạo môi trường mới cho các loài dịch hại nhện đỏ, bọ xít muỗi cùng nhau gia tăng khả năng kháng lại nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác...

Đánh giá qua kết quả kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết: Ở vùng chè Bảo Lộc và Bảo Lâm vẫn còn có 2 đại lý nhận phân phối 8 tấn thuốc có hoạt chất Fipronil, trong đó số thuốc đã được bên bán hướng dẫn cho nông dân phối trộn để diệt trừ kiến trên cây cà phê chiếm gần 88%, còn lại 12% dùng để diệt trừ các bệnh sâu cuốn lá, bọ trĩ, rầy rệp, bọ xít muỗi trên cây chè.

Nếu không kể đến những hình thức chế tài đã được áp dụng thì việc sử dụng hoạt chất Fipronil trên cây chè vẫn chưa chấm dứt - dù còn một tỷ lệ nhỏ cũng rất cần được cảnh báo, khắc phục kịp thời. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện trong tỉnh Lâm Đồng, các đoàn cần chủ động, thường xuyên và quyết liệt hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong việc lưu thông “độc chất” này.

Trong quá trình sản xuất chè thương phẩm, mặc dù nhiều doanh nghiệp và nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, nhưng vẫn còn tình trạng không ghi chép sổ sách, chưa tuân thủ đầy đủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách). Trong khi đó, về việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có đến hơn 80% doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè oloong ở Lâm Đồng chỉ gửi mẫu phân tích khi có yêu cầu của khách hàng Đài Loan.

Nhiều trường hợp lấy mẫu ngẫu nhiên khi đưa ra kết luận chất lượng chung trên sản phẩm chè. Tương tự đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đen xuất khẩu vẫn còn sử dụng nguyên liệu từ các điểm thu mua không được theo dõi, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hệ quả như đã nói ở trên - nhiều lô hàng chè đen xuất khẩu bị phía Đài Loan trả về vì vượt ngưỡng dư lượng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật như: Fipronil, Hexaconazole, Acetamiprid, Imidacloprid…

Để sản phẩm chè Lâm Đồng đạt chất lượng ngày càng cao, giảm thiểu thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đề xuất những bài toán về kỹ thuật thâm canh chè an toàn theo chuỗi giá trị gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thuốc bảo vệ thực vật.

Cụ thể, 5 “bài giải” kỹ thuật gồm: Khuyến cáo dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc thấp để thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao; tổ chức hội thảo giới thiệu, hướng dẫn nông dân vùng chè sử dụng các loại thuốc sinh học với thời gian cách ly ngắn; tăng cường quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè; xây dựng các mô hình điểm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc chè; cơ giới hóa trong canh tác chè; hoàn thiện quy trình sản xuất chè búp tươi.

Và 6 giải pháp quản lý nhà nước là: Tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên vùng chè, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; không cho phép hội thảo những loại thuốc bảo vệ thực vật trên các cây trồng khác trong vùng sản xuất chè; xây dựng thí điểm các cửa hàng, tủ thuốc chuyên kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng trên cây chè Việt Nam; định kỳ và đột xuất thanh, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ chè; truy nguyên nguồn gốc các lô hàng bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn để xử lý theo quy định pháp luật; tiếp tục rà soát và xác định nguyên nhân có hay không dư lượng Dioxin trong sản xuất và chế biến chè trên địa bàn Lâm Đồng.


Chuyển đổi cây trồng ở Vạn Phú (Khánh Hòa) Chuyển đổi cây trồng ở Vạn Phú (Khánh… Trồng màu gắn với tiêu thụ bài toán cho vùng vùng Tôm - Lúa Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Trồng màu gắn với tiêu thụ bài toán…