Tin thủy sản Bảo quản cá khi vận chuyển bằng cách gây mê

Bảo quản cá khi vận chuyển bằng cách gây mê

Tác giả Phúc Tần, ngày đăng 19/10/2019

Bảo quản cá khi vận chuyển bằng cách gây mê

Theo Hội nghề cá Việt Nam, gây mê là một trong những biện pháp làm hạn chế thương tổn lại giữ cá đẹp, không bị bong tróc vảy hay trầy xước, đặc biệt là an toàn trong quá trình vận chuyển.

Kỹ thuật gây mê

Gây mê giúp nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình vận chuyển, tiêm thuốc, vuốt trứng. Khi gây mê, chú ý đến các yếu tố như: độ an toàn cho người thao tác và cho người sử dụng cá; tỷ lệ sống, tình trạng sức khỏe sau vận chuyển; khả năng thay đổi màu sắc, mùi vị cơ thịt cá bị chết trong quá trình vận chuyển.

Khi thực hiện gây mê, người nuôi cần mang găng tay sạch và thấm ướt, rửa sạch bột từ găng tay nếu có. Lưu ý, cá cần được giữ ướt. Không cho cá ăn trong 12 - 24 giờ trước khi gây mê để bảo đảm dạ dày hoàn toàn trống. Khi bắt cá, giữ tay luôn ướt và thao tác nhẹ nhàng sao cho không làm trầy xước da cá.

Kiểm tra và duy trì các thông số môi trường (nhiệt độ, pH, độ mặn, oxy hòa tan…) ở bể (xô, chậu), đồng thời, xử lý nước giống với môi trường nước nuôi để tránh gây sốc cho cá. Nhiệt độ không được chênh lệch quá 20C. Vệ sinh bể sạch sẽ, loại bỏ các chất cặn bẩn.

Một lưu ý khác là phần lớn chất gây mê có tính acid làm giảm pH của môi trường, trong trường hợp này, người nuôi có thể sử dụng muối đệm như sodium bicarbonat (NaHCO3) để điều chỉnh pH đến mức phù hợp. Bố trí sục khí liên tục nhằm duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong môi trường nước.

Thuốc gây mê lý tưởng để sử dụng trong nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu như không độc với thủy sản và người sử dụng, an toàn với môi trường, tác dụng gây mê nhanh. Chất gây mê phải chuyển hóa hoặc bài tiết nhanh, thời gian phân hủy ngắn, không để lại tồn dư hoặc tồn dư không đáng kể trong các mô của cơ thể.

Loại thuốc gây mê được sử dụng nhiều nhất hiện nay là Tricaine methanesulphonate (còn có các tên gọi khác như Metacaine, Tricaine, MS 222, Finquel, TMS) có độ an toàn cao cho cá.

Gây mê và theo dõi

Phương pháp gây mê được thực hiện khá đơn giản: hòa tan thuốc gây mê vào nước, sau đó thả cá vào. Chất gây mê sẽ xâm nhập qua tơ mang cá trong hô hấp, hòa vào máu và chuyển lên não, tác dụng làm cho cá chuyển trạng thái mê. Khi đó, cá sẽ hoạt động chậm lại, sau đó mất cân bằng và không phản ứng khi bị bắt giữ, đụng chạm.

Tùy loài cá mà sử dụng liều gây mê thích hợp. Liều sử dụng cho cá bố mẹ thấp hơn so với cá con, bởi cá bố mẹ có độ béo cao sẽ giữ lại chất gây mê lâu hơn, từ đó phân hủy chậm và gây tác dụng dài.

Lưu ý, khi vận chuyển trong thời gian dài, chỉ nên sử dụng liều thấp. Ngoài ra, để đảm bảo quản lý được tác dụng của chất gây mê, không nên gây mê khi tổng khối lượng cá vượt quá 80 g/lít (80 kg/m3). Trong quá trình thao tác, cần quan sát kỹ trạng thái của cá để xử lý kịp thời nếu có sự cố.

Xử lý cá sau gây mê

Hầu hết cá được phục hồi hoàn toàn trong vòng 5 phút sau khi đặt trong nước ngọt, còn nếu thời gian hồi sức kéo dài quá 10 phút đồng nghĩa với việc gây mê quá mức, hoặc bị tổn hại. Khi cá được đưa vào môi trường nước sạch mới, thuốc mê bị bài thải hết, cá sẽ dần trở lại trạng thái bình thường. Do đó, ngay sau khi hoàn thành các thao tác cần chuyển cá sang bể nước sạch để hồi sức càng nhanh càng tốt. Bể hồi sức cần có nước sạch và đảm bảo thông số môi trường như bể gây mê, duy trì sục khí liên tục. Sau khi hồi sức, chuyển cá về ao nuôi.


Bổ sung chất phụ gia cho tôm Bổ sung chất phụ gia cho tôm Nuôi tôm nước lợ - Nên thả giống theo thời vụ Nuôi tôm nước lợ - Nên thả giống…