Mô hình kinh tế Bẫy Ghẹ Khơi Xa

Bẫy Ghẹ Khơi Xa

Ngày đăng 02/10/2013

Bẫy Ghẹ Khơi Xa

Cũng như nhiều ngư dân khác của huyện Hải Hà (Quảng Ninh), anh Lê Quý Trọng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tiến Tới đang tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, trời yên biển lặng để ra khơi. Là ngư dân hoạt động kiêm nghề, trong những chuyến khai thác đầu tiên của vụ cá Bắc năm nay, tàu của anh chủ yếu là khai thác bằng nghề lồng bẫy. Đối tượng khai thác chính của nghề lồng bẫy là ghẹ, cua, ốc hương, mực, tôm, bạch tuộc...

Ra khơi

Sau nhiều ngày cập cảng Cái Rồng (Vân Đồn) tránh bão số 9, khi mặt trời chưa lên, thuyền trưởng tàu QN - 90166 TS Lê Quý Trọng đã hạ lệnh cho các thuyền viên nhổ neo, nhằm hướng đảo Trần (Cô Tô) thẳng tiến. Chuyến đi biển này, mục đích của anh cùng các thuyền viên trên tàu là khai thác được thật nhiều ghẹ, nhiều ốc hương.

Vì theo anh, khu vực lòng Trần có nhiều bãi mềm, đáy bùn pha cát và nhất là sau những ngày biển động là lúc đàn ghẹ đi kiếm ăn đông. Đây là thời điểm thích hợp nhất cho nghề bẫy ghẹ. Giữa mênh mông sóng nước, thuyền trưởng cũng như các thuyền viên trên tàu rôm rả với câu chuyện về những chuyến bẫy ghẹ bội thu mà phần lớn ghẹ khai thác được đều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sau gần 8 giờ, đến ngư trường đảo Trần, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề lồng bẫy, thuyền trưởng Trọng định vị được khu vực thích hợp để thả lồng. Chiều muộn, trời bắt đầu tối và se lạnh. Thuyền trưởng lệnh cho các thuỷ thủ hạ neo. Mỗi người một việc, người thì chuẩn bị bữa cơm tối, người thì chuẩn bị thả lồng. Tất cả mọi công việc từ muối mặn mồi, đóng mồi vào ca mồi, cài mồi vào lồng, sắp xếp vàng lồng, chuẩn bị dây giường, dây triên... được các thuyền viên chuẩn bị chu đáo. Thuyền trưởng Trọng cho biết: “Trong nghề lồng bẫy, bên cạnh việc định vị khu vực thả lồng thì công đoạn chuẩn bị mồi là vô cùng quan trọng. Cá mồi phải được lựa chọn kỹ lưỡng và phải được muối mặn trước khi thả lồng”.

Cơm nước xong xuôi, thuyền trưởng chỉ đạo cho 4 thuyền viên trên tàu mỗi người một việc. Sau hơn 1 giờ đóng vàng (mỗi vàng lồng gồm 1 dây giường dài 30m và 1 lồng bẫy), toàn bộ 800 lồng bẫy đã sẵn sàng nằm “phục kích” dưới đáy biển. Chuyến bẫy ghẹ đêm bắt đầu.

Điều khiển cho tàu chạy thật chậm, trong ca bin, thuyền trưởng Trọng liên tục tính toán, xác định vị trí thích hợp nhất trên máy định vị để thả lồng bẫy đầu tiên. Chỉ ít phút sau, khi đã xác định được vị trí thích hợp, bên máy tời, thuyền viên Lê Văn Cao đã mở tời, phao hiệu, lồng bẫy đầu tiên đã được thả xuống biển, tại khu vực bãi mềm mà theo thuyền trưởng Trọng là vị trí “đẹp”, thích hợp nhất. Cứ thế, người thả tời, người móc lồng vào dây triên, thả lồng xuống biển. Qua bàn tay thoăn thoắt và thuần thục của các thuyền viên, cứ 30m lại có 1 lồng bẫy được thả xuống biển.

Sau hơn 2 giờ, toàn bộ 800 lồng bẫy đã được thả xuống biển với chiều dài hơn 20km đang chờ những chú ghẹ, cua, tôm, ốc hương qua hom. Thả xong là thời gian ngâm lồng. Lúc này, cả thuyền trưởng và thuyền viên hối hả cho việc chuẩn bị dụng cụ, thiết bị để thu hoạch chiến lợi phẩm. Dây buộc ghẹ chờ sẵn, hầm bảo quản đã sẵn sàng. Theo dự đoán của người thuyền trưởng giàu kinh nghiệm với nghề lồng bẫy thì thời gian và vị trí thả lồng hôm nay dự kiến sẽ cho sản lượng khá cao.

Sau hơn 5 giờ ngâm lồng và những chuyến thăm lồng nhiều hồi hộp, thuyền trưởng đã quyết định cho các thuyền viên thu lồng. Những vòng tời được quay, lồng bẫy đầu tiên kéo lên khỏi mặt nước đã có 3 con ghẹ và một vài con tôm háu ăn mắc bẫy. Cửa hom mở ra, thuyền viên Lê Trung Sơn đã nhanh nhẹn các thao tác buộc hai càng ghẹ áp sát vào mình, đảm bảo độ chắc chắn không để càng ghẹ có khả năng kẹp những con khác khi cho vào trong hầm chứa. Theo anh Sơn, công đoạn thu ghẹ và bảo quản ghẹ là cực kỳ quan trọng đối với nghề lồng bẫy.

Vì sản phẩm của nghề này là hàng tươi sống, nên mỗi khi lồng được kéo lên, có ghẹ là phải trói ngay, thả vào văng nuôi sống và phải có hầm bảo quản. Ghẹ tươi sống bán được giá cao. Bảo quản ghẹ sau khai thác phải đảm bảo giữ cho ghẹ sống và nguyên vẹn, không bị dập vỏ hay gãy càng.

Cũng theo anh Sơn, hầm bảo quản ghẹ không cần sử dụng phương thức cách nhiệt như hầm bảo quản thuỷ sản thông thường mà phải có van thông nước biển, nước biển có thể vào, ra khỏi hầm tự nhiên. Sau khi đã cho sản phẩm vào thùng hoặc hầm bảo quản chuyên dụng, cần thường xuyên kiểm tra, nếu con nào chết hoặc không có khả năng sống, cần bắt ra và cho vào hầm đá. Vì khi một con nào đó bị chết, nó sẽ làm môi trường nước bị ô nhiễm và sẽ làm các con khác bị chết theo.

Cứ như vậy, công đoạn thu lồng cũng mỗi người một việc, người quay tời, người nhấc lồng, mở hom, người buộc ghẹ cho vào văng nuôi sống, hầm chứa, người xếp lồng vào vị trí gọn gàng, thu dây... Sau 3 giờ, toàn bộ 800 lồng đã được thu lên. Quả đúng như dự đoán của thuyền trưởng Trọng, chuyến thả lồng bẫy hôm nay đã cho sản lượng khá cao.

Chỉ tính riêng ghẹ đã được hơn 60kg, ngoài ra là gần chục kg tôm và một ít ốc hương, cá tạp khác là thành quả của một đêm khai thác. Thuyền trưởng cho hạ neo, tắt máy. Các thuỷ thủ người thì tiếp tục phân loại sản phẩm, người thì chuẩn bị bữa ăn sáng, người khác vệ sinh tàu và chỉnh sửa lồng, dây giường, dây triên chuẩn bị cho đêm thả lồng hôm sau.

Trăn trở với nghề

Chờ đêm thả lồng thứ 2, trong bữa cơm chiều, thuyền trưởng Lê Quý Trọng tâm sự: “Là Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tiến Tới, nhưng tôi luôn hoạt động kiêm nghề. Mùa nào, nghề nấy, tuỳ theo ngư trường, con nước và đặc biệt là nhu cầu của thị trường”.

Anh Trọng cũng không khỏi băn khoăn với nghề lồng bẫy hiện nay. Anh cho biết, tàu của anh và 1 tàu khác trong nghiệp đoàn là 2 tàu đầu tiên áp dụng công nghệ khai thác bằng lồng bẫy cải tiến trên địa bàn huyện Hải Hà và trong tỉnh hiện nay, còn lại, phần lớn bà con ngư dân khai thác bằng nghề lồng bẫy đều đang sử dụng loại lồng bẫy truyền thống theo công nghệ của Trung Quốc (bà con ngư dân vẫn quen gọi là lồng bát quái). Áp dụng công nghệ khai thác bằng lồng bát quái, bà con ngư dân khai thác tất cả các loại hải sản tầng đáy theo hình thức tận thu. Loại ngư cụ này mang tính huỷ diệt rất cao đối với nguồn lợi thuỷ sản.

Còn công nghệ khai thác bằng lồng bẫy cải tiến được áp dụng tại Nghiệp đoàn nghề cá Tiến Tới, được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phối hợp với Viện Khoa học công nghệ Trường Đại học Nha Trang chuyển giao thành công tại Nghiệp đoàn nghề cá Tiến Tới từ năm 2012, có nhiều ưu điểm nổi bật và cho sản lượng khai thác khá cao.

Anh Trọng cho hay: “Việc sử dụng lồng bẫy cải tiến, bên cạnh việc góp phần bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn cho sản lượng, thu nhập khá cao. Hiện nay, tàu của tôi công suất 110CV, mỗi ngày khai thác chi phí tiền dầu hết 1 triệu đồng, tiền mồi 1 triệu đồng và gần 1 triệu đồng chi phí khác, bình quân mỗi chuyến bẫy được từ 40-60kg ghẹ và một ít hải sản khác.

Vì là hàng tươi sống, nên toàn bộ ghẹ bẫy được đều bán cho các thương lái thu mua ngay tại ngư trường, với giá bán bình quân từ 150.000-200.000 đồng/kg, không phân loại. Nếu như vào khoảng thời gian tháng 4, tháng 5, ghẹ chắc hơn có giá bán từ 300.000-500.000 đồng/kg”.

Tuy nhiên, cũng theo anh Trọng, mặc dù nghề lồng bẫy có sản phẩm tươi sống, giá bán cao, nhưng hiện nay sản lượng khai thác đang ngày một giảm. Trong số 15 phương tiện khai thác của Nghiệp đoàn nghề cá Tiến Tới, thì chỉ có một số tàu làm nghề lồng bẫy, số khác cũng hoạt động kiêm nghề, nhưng ít làm nghề này phần lớn do tàu khai thác công suất nhỏ, cộng với nghề lồng bẫy chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các nghề khai thác khác, nhất là các nghề lưới rê, giã ván... nên bà con cũng chưa mạnh dạn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp.

Trao đổi với ông Đỗ Đình Minh, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, ông cho biết, trong những năm qua, nghề lồng bát quái hay lờ dây đã du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, hoạt động khai thác hải sản này diễn ra khá phổ biến ở Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên và Cô Tô…

Đây là dạng bẫy liên hoàn với nhiều lồng bẫy riêng lẻ liên kết thành một tay lờ có chiều dài từ 8-10m. Loại lồng bẫy này chủ yếu đánh bắt tại các vùng ven bờ, đối tượng khai thác bao gồm tất cả các loại hải sản, do vậy làm tăng nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, gây cản trở giao thông đường thuỷ...

Hiện nay, theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trên địa bàn tỉnh có 400 tàu, thuyền hoạt động nghề lồng bẫy truyền thống và 1.000 tàu kiêm nghề tập trung tại các huyện Hải Hà, Cô Tô, Vân Đồn, Quảng Yên, Đầm Hà… Đối tượng khai thác của công nghệ này là tất cả các loại hải sản tầng đáy, vì thế mang tính huỷ diệt rất cao.

Trong điều kiện nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên ngày một suy giảm, thì việc chuyển đổi nghề nghiệp sang khai thác thuỷ sản xa bờ và nuôi trồng thuỷ sản là định hướng chiến lược lâu dài của ngành Thuỷ sản. Tuy nhiên, muốn thực hiện chiến lược phải có những chính sách hợp lý để khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nghề cá ven bờ, chuyển một bộ phận ngư dân sang nuôi trồng thuỷ sản hoặc hoạt động kinh tế khác, duy trì cường lực khai thác ven bờ một cách hợp lý mới bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ lồng bẫy cải tiến trong hoạt động khai thác thuỷ sản.


13 Năm Với Ước Vọng Đổi Đời 13 Năm Với Ước Vọng Đổi Đời Nuôi Tôm Rạ, Tôm Cỏ Ăn Chắc Nuôi Tôm Rạ, Tôm Cỏ Ăn Chắc