Mô hình kinh tế Bẫy Mực Dưới Đáy Biển

Bẫy Mực Dưới Đáy Biển

Ngày đăng 18/09/2014

Bẫy Mực Dưới Đáy Biển

Chỉ với những chiếc lừ giản đơn nhấn chìm dưới đáy biển để “bẫy” mực lá, ngư dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có thể thu được từ hàng trăm nghìn đến vài triệu đồng mỗi ngày mà chẳng tốn nhiều công sức…

“Nhà bẫy mực” dưới đáy biển

Nhiều lần đến với xã biển bãi ngang Vĩnh Thái, nơi tiếp giáp với địa phận tỉnh Quảng Bình về phía Bắc để tác nghiệp, chúng tôi đã biết được một số nghề đánh bắt hải sản mang tính thủ công ở đây như: Lặn biển bắt tôm hùm, bắn cá dưới đáy biển… Nhưng có một nghề cũng độc đáo không kém, đó là kiểu làm “nhà bẫy mực” dưới đáy biển!

Những ngày nắng đẹp, sóng êm đầu tháng 8, chúng tôi có dịp lênh đênh trên vùng biển bãi ngang Vĩnh Thái cùng anh Nguyễn Hữu Trường- một ngư dân thiện nghệ năm nay 40 tuổi nhưng đã có thâm niên nghề biển trên 20 năm- để tìm hiểu về nghề này. Theo lời nhắn từ trước, tôi đã có mặt từ sáng sớm tại thôn Đông Luật để cùng anh Trường ra biển. Mới tầm 5 giờ sáng nhưng đã có hàng chục thuyền của thôn Đông Luật nổ máy trực chỉ hướng biển.

“Trước khi ra “nhà bẫy mực” tôi đã đi được một chuyến biển từ hôm trước. Thật ra nghề bẫy mực chỉ là phụ thôi nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên hiện nay có đến 90% ngư dân của thôn Đông Luật và Tân Mạch theo nghề”, anh Trường vừa nổ máy, quay mũi thuyền ra biển mở đầu câu chuyện.

Vừa tập trung lái thuyền anh Trường vừa kể, nghề lừ mực hay gọi là làm “nhà bẫy mực” dưới đáy biển thật ra có từ những năm 1997- 1998. Khoảng thời gian đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Trị có về tổ chức tập huấn nghề lừ mực cho ngư dân Vĩnh Thái.

Tuy nhiên, do những chiếc lừ lúc ấy khá cồng kềnh lại không xếp lại được nên mỗi thuyền chỉ có thể mang được 5 cái lừ là chật và hiệu quả “bẫy” cũng thấp. Nghề lừ vì vậy cũng dần rơi vào lãng quên. Tuy nhiên, khoảng 10 năm sau, khi những ngư dân tỉnh Quảng Bình và Quảng Ngãi đến neo thuyền rồi dựng “nhà bẫy mực” ở vùng biển Vĩnh Thái rất hiệu quả đã khiến ngư dân nơi đây tò mò tìm hiểu.

“Ngư dân chúng tôi không ngờ người ta lại thu được hàng chục cân mực lá mỗi ngày mỗi thuyền với cách đơn giản như vậy ngay trong vùng biển của địa phương mình trong khi mình thì chịu. Mà giá mực lá rất cao nên lợi nhuận rất lớn. Thế là chúng tôi lén ra dỡ “bẫy” của họ để xem và học cách làm”.

Sau một thời gian, nhiều ngư dân xã Vĩnh Thái đã có thể tự làm được cho mình những chiếc lừ như ngư dân tỉnh bạn. Đó đơn giản chỉ là những chiếc lồng có khung làm bằng tre luồng, vây lưới xung quanh, lợp bằng dây tua nhựa có bề ngang 1,2 m, chuông vuông cỡ 60 cm. Lừ này bung xếp một cách linh động nên sử dụng rất thuận tiện. Bình quân mỗi ngư dân hành nghề có từ 40-60 chiếc lừ.

Và mỗi “nhà bẫy mực” sẽ có khoảng từ 15-20 lừ, được gắn chung dọc theo một sợi dây dài khoảng từ 700- 1.000 m, cứ 50-60 m sẽ kết 1 chiếc lừ. Bình quân mỗi hộ ngư dân hành nghề có từ 3-4 “nhà bẫy mực”. Những “nhà bẫy mực” này sẽ được thả dưới đáy biển, cố định hai đầu sợi dây bằng mỏ neo.

Câu chuyện đang giữa chừng thì chúng tôi ra đến “nhà bẫy mực” của anh Trường. Trên mặt biển bao la tịnh không thấy một vật làm dấu nhưng anh Trường vẫn thuần thục đến đúng “nhà” của mình.

Thấy tôi thắc mắc, anh vội giải thích: “”Nhà bẫy mực” nằm dưới đáy biển sâu cỡ 20m nên không thấy được đâu. Để tôi bắt mực cho chú xem”. Vừa nói anh Trường vừa dùng chiếc sào gắn với chùm sắt 6 uốn cong rà xuống mặt nước. Trong chốc lát anh đã túm được sợi dây và bắt đầu kéo lừ lên.

Ngay chiếc lừ đầu tiên đã có một con mực to bằng cổ tay và vài chục con mực lá nhỏ như đầu ngón chân cái nằm gọn trong “nhà” vẫn còn óng ánh búng nhảy. Sau khoảng 1 giờ kiểm tra “nhà bẫy mực” của mình, anh Trường thu được gần 5 kg mực lá các loại.

“Như hôm nay là ít chứ bình thường khá hơn nhiều. Với giá bán tại chỗ mỗi cân mực lá là 170.000 đồng thì hôm ni tui cũng kiếm được cỡ 700.000 đồng sau khi trừ chi phí từ bẫy mực lá. Nếu cộng với nguồn hải sản đi biển nữa thì bình quân mỗi ngày đêm gia đình tôi có thu từ 1- 1,5 triệu đồng” .

Nghề “làm chơi ăn thật”

Theo anh Trường, để bẫy mực thì phải có mồi. Mồi “dụ” mực vào “nhà” phải là trứng do mực sinh ra. “Trước đây do không kiếm được trứng mực nên anh em tui lấy bông y tế (có màu trắng gần giống với trứng mực) buộc lại thành từng chùm rồi thả vào lừ để dụ mực lá.

Cách này cũng dụ được mực nhưng hiệu quả không cao bằng dùng trứng mực thật. Muốn kiếm được trứng mực thì chúng tôi phải nhờ những người làm nghề thợ lặn bắt tôm hùm ở bên thôn Tân Mạch”, anh Trường kể.

Theo giới thiệu của anh Trường, chúng tôi gặp các anh Nguyễn Văn Hinh và Nguyễn Hữu Luật, là những ngư dân hành nghề lặn bắt tôm hùm có tiếng ở Vĩnh Thái để tìm hiểu. Ngoài nghề lặn, anh Hinh và anh Luật hiện cũng đã hành nghề làm “nhà bẫy mực” vì nhận thấy hiệu quả kinh tế cao.

“Cứ từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch là mùa mực lá sinh sản. Thường xuyên hành nghề lặn nên chúng tôi biết rõ trứng mực lá. Mực lá thường chọn sinh sản ở các rạn san hô đỏ, các rạn đá. Đến mùa sinh sản là trứng mực nhiều vô kể, có những vị trí trứng mực phân bố dày cả bãi trắng phau.

Trước đây khi chưa làm nghề bẫy mực chúng tôi cũng không lấy làm gì nhưng từ ngày nghề bẫy mực làm ăn được thì chúng tôi lấy về để làm mồi và chia sẻ cho các ngư dân khác. Từ chỗ chỉ làm nghề lặn khá nguy hiểm thì hiện nay đã có khoảng 15 hộ ngư dân thôn Tân Mạch chúng tôi chuyển sang làm nghề lừ bẫy mực lá”, anh Luật và anh Hinh cho hay.

Trứng mực có màu trắng trong suốt, có hình dạng và kích thước giống trái me chua. Cứ mỗi khoang của trứng có chứa một con mực lá con. Mỗi “quả trứng” mực đầy đủ là tập hợp của những trứng đơn lẻ, được xếp gắn xung quanh một trục (giống như các múi mít xếp quanh cùi mít vậy).

Và kể từ ngày lừ được hoàn thiện, cải tiến cộng thêm nguồn trứng mực làm mồi dồi dào, ngư dân thôn Tân Mạch và Đông Luật đã có thể sống khỏe với nghề bẫy mực lá.

Lúc chúng tôi có mặt trên biển, cạnh nơi thả lừ của anh Trường, hai anh em anh Nguyễn Đình Cận và Trần Văn Năm cũng đang hối hả lần những chiếc lừ cuối cùng để trở về bờ.

Vừa cầm một con mực lá to tầm cổ tay mới dính bẫy, anh Năm phấn khởi cho hay: “Mực lá cứ thấy trứng trong lừ là chui vào sinh sản rồi ở lỳ trong đó, chúng tôi chỉ việc kéo lên và bắt! Nghề bẫy mực lá là nghề nhẹ nhàng nhất trong số các nghề đi biển bởi không tốn chi phí nhiều mà lại thu lợi được cao.

Như anh em tôi đây, từ tháng 3 âm lịch đến nay mỗi người cũng đã đút túi được 30-40 triệu đồng từ mực lá khỏe re chỉ từ khoảng 50 cái lừ giản đơn”.

Ở Vĩnh Thái, những năm gần đây, nhiều ngư dân đã thu được hàng chục triệu đồng chỉ trong vòng khoảng 5 tháng từ nghề bẫy mực lá.

Anh Trường góp chuyện: “Ngoài những nghề chủ lực như vây cá ngừ, cá bạc má, trích, cá sòng, giả ruốc, vây mực nang... thì nghề bẫy mực lá là nghề biển “phụ” cho thu nhập cao lại ít tốn chi phí và công sức nhất. Gia đình tôi chỉ có khoảng 40 lừ bỏ dưới biển rứa chứ mấy tháng qua cũng đã thu không dưới 30 triệu đồng.

Ở Đông Luật có hộ thu tới trên 60 triệu đồng như hộ ông Trần Văn Nuôi, còn sàn sàn thu nhập từ bẫy mực lá là khoảng 30-50 triệu đồng. Ở vùng biển bãi ngang mà có thu nhập như vậy thì ngư dân chúng tôi sống khỏe. Làm nghề này nếu ai chịu khó, chăm chỉ thì có thể có nguồn thu nhập cao hơn nhiều”.

Cuối tháng 8 âm lịch, khi những đợt gió mùa đông bắc tràn về, ngư dân sẽ đưa “nhà bẫy mực” lên bờ, nghề bẫy mực lá sẽ tạm nghỉ một thời gian. Đến tháng 11 âm lịch, ngư dân Vĩnh Thái sẽ tiếp tục dong thuyền ra biển đánh bắt mực nang, cá thu, ngừ, làm nghề giả ruốc… để chờ đến ra hết tháng giêng, khi mùa biển dồi dào quay trở lại.

Lúc chúng tôi có mặt trên biển, cạnh nơi thả lừ của anh Trường, hai anh em anh Nguyễn Đình Cận và Trần Văn Năm cũng đang hối hả lần những chiếc lừ cuối cùng để trở về bờ. Vừa cầm một con mực lá to tầm cổ tay mới dính bẫy, anh Năm phấn khởi cho hay: “Mực lá cứ thấy trứng trong lừ là chui vào sinh sản rồi ở lỳ trong đó, chúng tôi chỉ việc kéo lên và bắt!

Nghề bẫy mực lá là nghề nhẹ nhàng nhất trong số các nghề đi biển bởi không tốn chi phí nhiều mà lại thu lợi được cao. Như anh em tôi đây, từ tháng 3 âm lịch đến nay mỗi người cũng đã đút túi được 30-40 triệu đồng từ mực lá khỏe re chỉ từ khoảng 50 cái lừ giản đơn”.


Phú Hòa (An Giang) Hội Thảo Mô Hình Nuôi Cá Sặc Rằn Trong Ao Đất Phú Hòa (An Giang) Hội Thảo Mô Hình… Bình Định Củng Cố Và Phát Triển Mô Hình Đánh Bắt Cá Ngừ Đại Dương Xuất Khẩu Qua Nhật Bản Bình Định Củng Cố Và Phát Triển Mô…