Nuôi gà Bệnh đậu gà

Bệnh đậu gà

Tác giả NCN, ngày đăng 09/03/2016

Bệnh đậu gà

1. Nguyên nhân

Bệnh do virus thuộc giống Avipoxvirus gây ra, là một bệnh truyền nhiễm mạnh ở gà và các loài cầm hoang dã với các biểu hiện đặc trưng (xem phần triệu chứng và bệnh tích).

Avipoxvirus là một giống thuộc họ Poxviridae. Các virus trong họ Poxviridae là virus mang nhân ADN sợi đôi.

2. Dịch tễ bệnh đậu

Tính đặc trưng trên loài giống: Virus đậu có tính đặc hiệu cho mỗi loài thú và ngay cả mỗi chi trong cùng một loài.

Vì vậy, virus đậu gây bệnh trên người, bò, dê, cừu, hay gia cầm đều khác nhau và chúng không gây bệnh trên loài khác.

Đối với gia cầm, mỗi typ virus đậu chỉ gây bệnh cho 1 loại gia cầm, rất hiếm khi typ virus này gây bệnh cho loại gia cầm kia.

Đối tượng mẫn cảm: Thủy cầm không bị bệnh đậu. Các gia cầm khác cũng không lây bệnh đậu từ gà, bồ câu, gà tây.

Trong các loại gia cầm thì gà tây mẫn cảm nhất và dễ bị nhiễm bệnh nhất, sau đó là gà nhà.

Đường truyền lây: Virus đậu không truyền dọc (qua phôi) mà chỉ truyền ngang từ gà này sang gà khác qua đường miệng và hô hấp hoặc do côn trùng hút máu mang mầm bệnh đến.

Bệnh xảy ra nhiều ở các nước có khí hậu nhiệt đới hơn các nước vùng ôn đới và hàn đới.

Ở nước ta bệnh đậu gà xảy ra quanh năm, nhưng dễ phát và nặng nhất vào mùa đông xuân hoặc cuối xuân đầu hè khi thời tiết khô hanh.

Bệnh xảy ra ở gà mọi lứa tuổi nhưng nặng nhất và hay gặp nhất là ở gà con 1 - 3 tháng tuổi.

Bệnh sẽ nặng nề hơn nếu trong khẩn phần ăn thiếu Vitamin A, Vitamin D, hoặc khi chuồng trại quá kín, kém thông thoáng, nhiều khí độc và ẩm.

3. Cơ chế sinh bệnh

Virus lây lan qua đường miệng hoặc đường hô hấp hoặc các vết xước trên da, virus xâm nhập vào các tế bào biểu bì và sinh sản rất nhanh, kích thích sự tăng trưởng của tế bào biểu bì, từ đó tạo thành nốt đậu.

Sau một thời gian ngắn các tế bào biểu bì đã nhiễm virus sẽ thoái hóa, thối rữa, hoặc bong tróc sau khi đã hóa sừng tạo thành vảy màu nâu nhạt hoặc nâu đen.

Những tổn thương ở niêm mạc vùng miệng cũng thể hiện tương tự như ở trên da, chỉ khác là không tạo thành vẩy nâu.

Các vết loét vùng họng tạo thuận lợi cho các nhiễm trùng thứ phát gây viêm họng có màng làm cho bệnh nặng lên rất nhiều và gây chết gà.

4. Triệu chứng

- Thể ngoài da

Mụn đậu thường hình thành ngoài da tại những vùng da không lông như mào, tích, khoé mắt, khoé miệng, mặt trong cánh, quanh hậu môn và da chân.

Lúc đầu là những nốt sần nhỏ, có màu nâu xám hay xám đỏ, sau đó to dần như hạt đậu, sần sùi. Nốt đậu mọc ở mắt làm gà khó nhìn, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, nước mũi, làm gà khó thở.

Nếu bệnh nặng thì các nốt đậu mọc dày liền dính với nhau thành cục lớn, tảng nhăn nheo lớn gây mù mắt

Nốt đậu từ từ chuyển sang màu vàng, mềm, vỡ ra có chất mủ giống như kem. Mụn đậu khô đóng vảy, vảy màu nâu sẫm rồi dần dần tróc đi để lại nốt sẹo nhỏ màu vàng xám, mụn đậu lành nhanh chóng.

- Thể niêm mạc (yết hầu)

Thường xảy ra trên gà con.

Gà có biểu hiện khó thở, biếng ăn do niêm mạc hầu và họng bị đau.

Gà sốt, từ miệng chảy ra nước nhờn có lẫn mủ, màng giả.

Trong niêm mạc hầu họng, khoé miệng, thanh quản phủ lớp màng giả màu trắng.

Khi lớp màng giả tróc đi thấy lớp niêm mạc màu đỏ. Sau đó là quá trình viêm lan ra ở mũi và mắt.

- Thể hỗn hợp

Triệu chứng bệnh bao hàm cả thể ngoài da và yết hầu, thường xảy ra trên gà con. Thông thường thể đậu hỗn hợp này gây chết gà khá cao 5 – 10% trên tổng đàn, có khi bị bệnh kế phát tỷ lệ chết còn cao hơn nhiều 20 – 25%.

Ngoài ra, cũng xảy ra thể nhiễm trùng huyết.

Con vật không có bệnh tích ở da, chỉ sốt cao, bỏ ăn, tiêu chảy, thể trạng sa sút nghiêm trọng.

Bệnh diễn biến trong 3 - 4 tuần, phần đông gia cầm vẫn có thể lành bệnh.

Nhưng nếu vệ sinh không tốt thì có nguy cơ cao về viêm nhiễm kế phát của các vi trùng cơ hội làm bệnh sẽ nặng hơn, tỉ lệ chết có thể đến 50%.

Gà con mắc bệnh nặng hơn gà lớn, gà nuôi tập trung tỉ lệ chết cao hơn gà nuôi gia đình.

5. Bệnh tích

Gà ốm gầy, nổi mụn đậu trên da, viêm cata ở niêm mạc miệng, thanh quản. Các vết viêm này loang dần thành các nốt phồng, dày dần lên, cuối cùng tạo thành lớp màng giả dính chặt vào niêm mạc.

Niêm mạc ruột có thể tụ máu đỏ từng đám. Phổi tụ máu và tích nước. Khí quản chứa nhiều dịch xuất lẫn bọt.

6. Chẩn đoán phân biệt

Bệnh đậu thể ướt (bạch hầu) cần phân biệt với bệnh do thiếu Vitamin A, sổ mũi truyền nhiễm, viêm thanh khí quản truyền nhiễm.

- Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm khác với bệnh đậu thể bạch hầu ở chỗ không có loét, không có màng giả ở vùng họng.

- Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm khác với bệnh đậu gà là bệnh phát triển với qui mô lớn, lây lan nhanh, ho hen ngạt từng cơn và màng giả rất dễ bóc.

- Bệnh thiếu vitamin A:

Việc tích tụ các chất nhầy bị casein đã bịt kín lỗ nước dãi, tạo nên các mô tổ chức sần sùi như súp lơ bám vào niêm mạc cuống họng, thực quản, nhưng chúng dễ bóc tách, đôi khi trên khoang ngực và khoang bụng bị phủ một lớp vôi trắng của các muối tạo nên từ acid Uric.

7. Phòng bệnh

- Chủng ngừa cho gà con từ 7-10 ngày tuổi bằng vaccine đậu gà. Dùng kim đâm qua màng cánh, sau 5 ngày cần kiểm tra lại vết chủng, nếu thấy vết chủng không cương to như hạt tấm thì phải chủng lại lần hai.

+ Gà thịt chỉ chủng 1 lần lúc 7 – 15 ngày tuổi

+ Gà làm giống có thể chủng lại lần 2 trước khi lên đẻ.

+ Cách chủng đậu: 1 lọ vacxin 1000 liều pha với 5ml nước cất lắc đều lấy kim may khâu lỗ to hoặc ngòi bút mực nhúng ngập vacxin rồi đâm thủng da nách cánh là được.

Sau khi tiêm chủng vaccin 1-2 lần, gà được miễn dịch suốt đời.

- Áp dụng biện pháp quản lý cùng vào cùng ra

- Sau mỗi đợt nuôi phải vệ sinh, sát trùng chuồng trại triệt để

- Trong quá trình nuôi thì sát trùng chuồng trại định kỳ mỗi tuần 1 lần với các loại thuốc sát trùng có hiệu lực diệt virus

- Lúc thời tiết thay đổi hoặc khi gà phải trải qua những stress trong quá trình nuôi như tiêm vacxin, vận chuyển nên tăng cường sức đề kháng cho gà bằng hỗn hợp vitamin, vitamin C và chất điện giải.

8. Điều trị

- Không có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng hoặc dùng các loại kháng sinh để phòng bội nhiễm.

- Cung cấp vitamin A cho gà bệnh.

- Đối với mụn đậu ngoài da có thể bóc vảy, làm sạch các mụn đậu rồi bôi các chất sát trùng nhẹ như Glycerin 10%, CuSO4 5%, cồn Iod 1-2%, xanh Methylen hoặc Oxy già, nếu nốt đậu mọc thành bụi thì cắt bỏ và bôi thuốc sát trùng Iod hoặc xanh Methylen 1-2lần/ngày.

Thường thì bôi liên tục trong 3-4 ngày bệnh sẽ khỏi.

- Thể niêm mạc có thể lấy bông làm sạch màng giả ở miệng rồi bôi các chất sát trùng nhẹ hay kháng sinh. Nếu đau mắt có thể dùng thuốc nhỏ mắt.

Tài liệu tham khảo

1. Atlas of Avian Diseases. Cornell University. College of Veterinary Medicine.

2. Vegad J.L. 2007. A colour atlas of poultry diseases. International Book Distributing Co. ISBN 978-81-8189-130-3.

 


Hoạch toán kinh tế chăn nuôi gà thịt thả vườn Hoạch toán kinh tế chăn nuôi gà thịt… Phân biệt bệnh Gumboro với bệnh dịch tả ở gà Phân biệt bệnh Gumboro với bệnh dịch tả…