Trồng sắn Bệnh khảm lá sắn và đề xuất biện pháp quản lý

Bệnh khảm lá sắn và đề xuất biện pháp quản lý

Tác giả Nguyễn Hữu Hỷ, Phạm Thị Nhạn, Bùi Chí Hữu, ngày đăng 25/09/2018

Bệnh khảm lá sắn và đề xuất biện pháp quản lý

Hiện nay, tình hình sâu bệnh hại sắn trở nên rất phức tạp tại vùng thâm canh và có nguy cơ lan rộng sang vùng khác. 

Bệnh khảm lá sắn hoành hành dữ dội tại Tây Ninh

Cây sắn (Manihot esculenta Crantz) - cây trồng lấy củ, là cây lương thực quan trọng trên toàn thế giới, đặc biệt ở châu Phi. Ở Việt Nam, cây sắn đã và đang trở thành cây công nghiệp mang tính hàng hóa cao như công nghiệp chế biến tinh bột, công nghiệp thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất nhiên liệu sinh học (biofuel)...

Sắn là một trong rất ít cây trồng được ưu tiên phát triển theo tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT. Tổng sản lượng kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm của cây sắn Việt Nam từ năm 2011 - 2016 đã vượt trên 1 tỷ USD/năm. Diện tích trồng sắn gần đây cũng tăng đáng kể: Năm 2016 đạt 569,9 ngàn ha, năng suất củ tươi bình quân 19,2 tấn/ha, cho sản lượng 10,9 triệu tấn/năm.

Hiện nay, tình hình sâu bệnh hại sắn trở nên rất phức tạp tại vùng thâm canh và có nguy cơ lan rộng sang vùng khác. Đáng kể là rệp sáp bột hồng, bệnh chổi rồng, bệnh thối củ; đặc biệt là bệnh khảm lá sắn (CMD). Bệnh xuất hiện và lan truyền rất nhanh chóng, trở thành dịch hại rất nguy hiểm của các vùng trồng sắn phía Nam.

Tính đến ngày 20/8/2018, diện tích bệnh khảm lá sắn gây hại trên 10 tỉnh trồng sắn của Việt Nam là 36.136ha, tăng hơn 30.283ha so với năm 2017. Diện tích phải tiến hành tiêu hủy là 242,1ha do thiệt hại quá nặng. Tại Việt Nam, ngày 20/7/2017, Tây Ninh lần đầu tiên đã công bố dịch khảm virus trên cây sắn.

Bệnh khảm lá sắn có tên quốc tế là “Cassava mosaic virus” viết tắt CMD. Bệnh do virus thuộc chi Begomovirus gây ra. Chúng xuất hiện tại châu Phi và châu Á; được phát hiện vào năm 1984 tại châu Phi; 1993 tại Ấn Độ; 2002 tại Sri Lanka; 2015 tại Cambodia; 2017 tại Việt Nam.

Như vậy, đây là bệnh vừa cũ tại châu Phi, nhưng vừa mới tại Đông Nam Á. Nguồn bệnh lại không hoàn toàn giống nhau. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta phải có cách nhìn nhận toàn diện, mang tính tổng hợp để quản lý dịch bệnh hiệu quả.

Bệnh virus khảm lá sắn tại Việt Nam được xác định là do chủng Sri Lankan Mosaic Virus gây ra (Viện BVTV). Có hai phương thức truyền bệnh: (1) bệnh truyền qua hom giống từ cây mẹ bị bệnh, bệnh sẽ xuất hiện ngay ở giai đoạn cây con của vụ sau; (2) bệnh truyền qua môi giới là con bọ phấn (Bemisia tabaci), bọ phấn chích hút vào cây bệnh sẽ mang virus truyền đi cho cây khác. Quần thể của bọ phấn càng lớn, sự lan truyền của virus càng trở nên nghiêm trọng cho sản xuất, gây sự bùng phát dịch hại.

Nếu cây sắn bị nhiễm bệnh ở giai đoạn mới trồng (dưới 1 tháng tuổi) thì thiệt hại sẽ rất nặng về năng suất. Bệnh này do một chi hoặc tập họp nhiều chi Geminiviruses gây triệu chứng khảm (theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Ghana năm 2012). Các chủng của virus có mức độ tương đồng cao về chuỗi trình tự DNA, với trên 900 mẫu phân lập thu thập từ các nước trồng sắn ở châu Phi và châu Á.

Mấu chốt của vấn đề là côn trùng có tên là bọ phấn - đóng vai trò vec tơ truyền bệnh. Bọ phấn có tên quốc tế là “Whitefly”, tên khoa học Bemisia tabaci (Genn.), thuộc loài côn trùng bộ cánh nửa (Hemiptera), họ Aleyrodidea. Thời gian cần thiết tối thiểu để truyền được bệnh là 6 giờ sau khi bọ phấn chính hút cây sắn bệnh.

Ngoài việc truyền bệnh, bọ phấn còn gây hại trực tiếp do việc chích hút làm khô kiệt cây. Có giống kháng bọ phấn Bemisia tabaci hay không? Nghiên cứu cho thấy giống sắn của Nam Phi có tên là Mecu 72 và giống sắn của Uganda là Ofumba Chai, Nabwire 1, Mercury là nguồn kháng với B. tabaci (Njoroge và ctv. 2017).

Bọ phấn rất khó quản lý trên đồng ruộng bởi vì nó có quá nhiều ký chủ. Bọ phấn tấn công trên 600 loài thực vật khác nhau, cho thấy phổ ký chủ của nó rất rộng, trên giống cây trồng và loài hoang dại, trên cây hàng niên và trên cây đa niên (Martin và ctv. 2000; Naranjo và ctv. 2009).

Bọ phấn có nhiều loài thiên địch và ký sinh được tìm thấy trên cây ngô, đậu phụng; do vậy kỹ thuật xen canh cũng cần được xem xét trong quản lý dịch hại này. Cách thức truyền bệnh siêu vi, tập tính đẻ trứng và khả năng giao phối được nghiên cứu bởi Habibu và ctv. 2012.

Bọ phấn truyền siêu vi “Begomovirus” theo hình thức “persistent” (Horn và ctv. 2011) có nghĩa là thuộc loại hình bền vững. Hơn nữa, cây sắn được nhân giống vô tính bằng hom thân, do đó, nó rất dễ dàng hình thành và lan truyền nhanh chóng bệnh khảm virus gây thiệt hại nặng nề ở rễ và lá (Carvajal-Yepes và ctv. 2014).

Kinh nghiệm tại Tanzania (châu Phi): Virus gây bệnh khảm này không đơn độc mà xuất hiện cùng với các loài virus khác. Loài virus chủ chốt có tên tiếng Anh là “East African cassava mosaic virus-Uganda” và bọ phấn là vec tơ truyền bệnh thuộc kiểu gen “Bemisia tabaci sub - Saharan Africa 1 - subgroup 1” (Ojiambo và ctv. 2017). Trung bình mỗi năm, bệnh lan rộng với chỉ số “CMD incidence” rất cao (phát triển thêm 22,9km ở Tây Nam) và bọ phấn phát triển với mật số mở rộng thêm 46,6km. Ước tính thiệt hại từ 4,3 triệu USD đến 12,2 triệu USD (Ojiambo và ctv. 2017).


Phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì Phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì Trồng sắn trên đất lúa thiếu nước Trồng sắn trên đất lúa thiếu nước