Tin thủy sản Bệnh mềm vỏ trên tôm và biện pháp phòng trị

Bệnh mềm vỏ trên tôm và biện pháp phòng trị

Tác giả Lê Loan, ngày đăng 26/08/2021

Bệnh mềm vỏ trên tôm và biện pháp phòng trị

Mềm vỏ là một trong những bệnh phổ biến và thường xuất hiện trong các ao nuôi tôm thương phẩm tại Việt Nam. Bệnh không gây thiệt hại nặng nhưng có thể khiến tôm chết rải rác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị thương phẩm của tôm.

Nguyên nhân

Tùy vào môi trường nuôi, nguồn nước và chế độ dinh dưỡng mà các nguyên nhân gây bệnh mềm vỏ trên TTCT là khác nhau. Tuy nhiên, có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu như:

– Tôm thiếu dinh dưỡng: Hiện tượng này xảy ra khi nguồn thức ăn không đảm bảo chất lượng, tôm ăn thiếu vitamin và khoáng chất, đặc biệt thiếu hàm lượng canxi và phốt pho. Khi tôm lột xác để tạo lớp vỏ mới thông thường lớp vỏ mới sẽ cứng trở lại trong vòng 24 giờ, tuy nhiên nếu không cung cấp đủ các khoáng chất cần thiết để tôm tạo vỏ thì vỏ tôm sẽ bị mềm, mỏng…

– Do môi trường ao nuôi: Ao nuôi chứa độc tố từ tảo hoặc độc tố từ chất thải công nghiệp, nông nghiệp nhiễm từ nguồn nước, gây ảnh hưởng lớn đến chu kỳ lột xác của tôm.

– Độ mặn và độ kiềm: Độ mặn và độ kiềm thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến ao nuôi thiếu khoáng chất, không đáp ứng được yêu cầu hình thành vỏ mới, vì thế sau khi lột vỏ tôm không có được lớp vỏ mới cứng như ban đầu.

Ngoài ra, nuôi tôm với mật độ cao, dày đặc, môi trường nuôi thường xuyên biến động cũng có thể làm tôm dễ nhiễm bệnh.

Dấu hiệu

Tôm mắc bệnh thường có vỏ mỏng, nhăn nheo, gợn sóng và tình trạng mềm vỏ kéo dài trong vài tuần, tôm bệnh, dễ bị sinh vật bám ký sinh và mầm bệnh tấn công. Tôm yếu, chậm lớn, dần dần kiệt sức và chết. Ngoài ra, một số con nếu sống sót cũng còi cọc, phân đàn.

Điều trị

Khi phát hiện tôm bị mềm vỏ trong ao nuôi thì phải nhanh chóng can thiệp ngay bằng cách tăng cường cung cấp oxygen, đồng thời tạt vôi và Dolomite để tăng độ kiềm, đưa pH ổn định ở mức 8,3 – 8,5.

Bổ sung chế phẩm sinh học xử lý nước nhằm mục đích cải thiện chất lượng nước, giảm khí độc trong ao, tạo môi trường thông thoáng.

Người nuôi cũng cần kiểm tra lại thức ăn cho tôm hằng ngày có đủ dinh dưỡng hay không, kết hợp trộn thêm khoáng cho ăn và men tiêu hóa giúp tôm bổ sung vitamin, tăng hấp thụ các chất dinh dưỡng giúp cho quá trình tạo vỏ.

Phòng bệnh

Trước mỗi vụ nuôi, cần thực hiện đúng quy trình cải tạo theo 3 bước: cải tạo bằng cơ học, hóa học và sinh học.

Cần có ao lắng để dự trữ và xử lý nước, bảo đảm khi cho nước cấp vào ao nuôi tôm được ổn định, an toàn, ngăn ngừa được các loại dịch bệnh nguy hiểm. Diện tích của ao lắng chiếm từ 20 – 30% trong tổng diện tích ao nuôi.

Chọn tôm giống sạch bệnh, đã qua kiểm dịch.

Thả giống với mật độ vừa phải, không nuôi mật độ quá cao hoặc quá thấp.

Lựa chọn những loại thức ăn đủ chất dinh dưỡng bởi các nhà sản xuất uy tín.

Trong quá trình nuôi hạn chế tôm bị stress, ao bị mất tảo….

Thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường 2 lần/ngày ở thời gian cố định (sáng, chiều), để có thể can thiệp nhanh khi môi trường biến động. Trong quá trình nuôi, phải đảm bảo độ kiềm 80 – 120 mg/l (tôm sú) và 120 – 160 mg/l (TTCT); pH 7,5 – 8,5.

Đảm bảo nước ao nuôi luôn được sạch. Tránh các nguồn nước độc hại như nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt chảy vào ao nuôi, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu để tẩy ao.

Thường xuyên bổ sung các chất dinh dưỡng cho tôm, nhất là giai đoạn tôm lột xác. Bổ sung các loại sản phẩm dinh dưỡng cho tôm như hỗn hợp của phốt pho hữu cơ, cung cấp đủ các loại vitamin và acid amin thiết yếu, để tăng cường quá trình trao đổi chất và hấp thu dưỡng chất, giúp tôm khỏe mạnh, đề kháng bệnh tật, mau lớn.


Xử lý nhớt bạt ao nuôi Xử lý nhớt bạt ao nuôi Thức ăn ép đùn kết hợp công nghệ cho ăn bằng âm thanh Thức ăn ép đùn kết hợp công nghệ…