Bệnh Nấm Trên Cây Mía Đang Bùng Phát
Hiện nay tại địa bàn xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các loại nấm bệnh trên cây mía đang bùng phát mạnh và có mức độ lây lan nhanh, khiến nông dân vô cùng lo lắng. Niên vụ mía 2013 - 2014, xã Sông Cầu có 395ha mía. Vì thế, việc xử lý các loại dịch bệnh là một yêu cầu bức thiết.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Thơm, thôn Đông, Sông Cầu canh tác mía đã gần 20 năm với trên 10ha, nhưng chưa bao giờ anh gặp phải loại bệnh trắng lá mía như hiện nay. Theo hướng dẫn của Hội Nông dân xã và Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện, anh phải nhổ bỏ và tiêu hủy số mía trên diện tích bị dịch bệnh. Anh Thơm nói, để bảo vệ phần mía còn lại, gia đình phải tiêu hủy số mía bị bệnh. Mong muốn của bà con là được Nhà nước hỗ trợ thuốc xử lý bệnh cho cây mía.
Ngoài loại bệnh đang rất phổ biến này, người dân cũng đang lo sợ trước một loại bệnh khác trên cây mía. Đó là bệnh sùng gây hại. Người dân tuy đã biết cách xử lý nhưng diễn biến bệnh và phạm vi lây lan khá nhanh nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các ngành chức năng. Anh Lê Khánh Vũ, một nông dân trồng mía cho biết: “Nhổ cây mía bị vàng lá nào lên cũng có 1 con sùng đục rễ, đó là nguyên nhân làm làm cây chết rất nhanh. Mía ở đội 1, đội 5, đội 3 đều có loại sùng này”.
Trước tình hình trên, nếu không có biện pháp xử lý quyết liệt để cứu cây mía, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân và họ đang đối mặt với nguy cơ mùa màng thất bát. Trong khi đó, đa số họ đều vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng mía. Hiện nay, Trạm BVTV huyện đã kiểm tra khảo sát, lấy mẫu để xét nghiệm và xác định bệnh đang gây hại trên cây mía của xã là bệnh trắng lá mía.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trạm trưởng Trạm BVTV Khánh Vĩnh cho biết: “Xã Sông Cầu có 395ha mía. Trong số 9ha mía giống Uthông và Supasburi, có 5ha phát hiện nhiễm bệnh và 20% bị bệnh. Bệnh do phytoplatsma gây ra, hiện chưa có thuốc đặc trị. Triệu chứng bệnh là lá mất diệp lục chuyển từ xanh sang trắng toàn thân và nhánh, phải nhổ bỏ tiêu hủy. Riêng bệnh vàng lá mía, nông dân cũng phải phun thuốc để diệt trừ, đào gốc rắc vôi bột để hạn chế lây lan”.
Ông Tùng cho biết thêm: “Đây là bệnh lây lan nhanh, diễn biến phức tạp chủ yếu trên các giống Supasburi và Uthông, xuất hiện ở thời kỳ nảy mầm vươn lóng. Biện pháp phòng trừ duy nhất là nhổ bỏ, tiêu hủy, rắc vôi vào gốc để ngăn lây lan; dùng các thuốc trừ rầy rệp để cắt đứt môi giới truyền bệnh. Đối với mía nhiễm bệnh nặng, phải nhổ bỏ tiêu hủy. Sau đó trồng luân canh cây khác từ 1 - 2 năm sau đó mới quay lại trồng mía. Đối với diện tích mía trồng mới, nên lựa chọn giống K99, K94200 vì những giống này chưa phát hiện dịch bệnh.
Tuyệt đối không sử dụng hom của những ruộng mía nhiễm bệnh để làm giống, trước khi sử dụng hom giống phải xử lý hom bằng cách ngâm với nước nóng hoặc dung dịch kháng sinh. Để phòng bệnh, bà con cần kiểm tra đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời, chăm sóc bón phân hợp lý”.
Hiện tại, yêu cầu đặt ra là các địa phương trồng mía cần thống kê lại diện tích trồng và diện tích bị nhiễm bệnh, báo cáo với Trạm BVTV huyện. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cho người trồng mía cách nhận biết bệnh dịch, tác hại và cách xử lý để bà con chủ động phòng trừ không để bệnh có cơ hội lây lan.
Không riêng xã Sông Cầu, cây mía ở Khánh Vĩnh những năm qua được xem là cây trồng chủ lực mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho người dân. Vì vậy, với tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp như hiện nay, rất cần các cơ quan chức năng ở huyện và tỉnh nhanh chóng hỗ trợ nông dân có biện pháp xử lý dứt điểm để bà con yên tâm sản xuất và giữ ổn định diện tích mía trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ