Tin nông nghiệp Biến mái nhà thành vườn rau

Biến mái nhà thành vườn rau

Tác giả Phước Anh (Theo The Guardian), ngày đăng 10/05/2019

Biến mái nhà thành vườn rau

Người dân Kampala, thủ đô của Uganda đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại quốc gia này. Một trong những thách thức đó là tình trạng thiếu đất, để làm vườn cho những người dân thành thị. Và dường như họ đang tìm được nhiều giải pháp sáng tạo để tự cung cấp thực phẩm cho gia đình, một trong số đó là trồng rau ngay trên mái nhà.

Các vườn rau trong đô thị ở Kampala, Uganda, tận dụng được hầu hết các không gian chật hẹp trong thành phố (Ảnh Nils Adler)

Khi Martin Agaba nhận thấy vườn rau của mình đã hết không gian, anh quyết định thực hiện một giải pháp rất độc đáo, đó là mở rộng khu vườn của mình … theo chiều dọc, chứ không phải là theo chiều ngang. 

“Chúng tôi thấy mình phải tận dụng không gian trên mái nhà để trồng rau”, anh nói. Trong số tất cả các sáng tạo đang được người dân Kampala, thủ đô Uganda thực hiện để tự túc nguồn thực phẩm cho mình, các vườn rau dạng hộp thẳng đứng này vẫn là sáng tạo yêu thích nhất của anh.

Vườn trong đô thị khuyến khích người trẻ đam mê nghề nông

Trong khi đó, khu vườn Kwagala, nằm trên một diện tích khoảng nửa mẫu Anh (0,2 hecta), l ý tưởng của Diana Nambatya, một giáo sư chuyên về y tế cộng đồng. Cô đã bắt đầu trồng rau trên khu vườn của mình để tiết kiệm tiền mua thực phẩm vào năm 2010.

Một đứa trẻ đang mang một khay đựng các cây non được ươm trong vỏ trứng (Ảnh Nils Adler).

Sau lễ cưới, được bố mẹ cho 2 con bò làm của hồi môn, Diana quyết định sử dụng phân của hai chú bò này để tạo ra khí biogas để đun nấu cho gia đình. Mô hình trang trại mini trong đô thị của cô đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của những người hàng xóm, và đến năm 2012, cô bắt đầu dạy cho những người phụ nữ cách làm vườn tạo một trung tâm hỗ trợ cộng đồng nhỏ.

Mô hình vườn trong đô thị này chỉ là một trong rất nhiều mô hình đang được thực hiện ở trong và quanh Kampala, một thành phố với hơn 1,5 triệu dân, khi người dân thành phố đang tìm kiếm các giải pháp mới để đối phó với các vấn đề mà đô thị hóa đặt ra. 

Từ năm 2002 đến 2010, số dân thành thị của Uganda đã tăng lên 5,6%. Anh Martin Agaba cho rằng quá trình đô thị hóa sẽ kéo theo hệ lụy là rất nhiều người trẻ không còn hứng thú với lĩnh vực nông nghiệp. Đây là ngành có số lượng lao động lên tới 69% dân số. 

Agaba cũng dạy những đứa trẻ ở quanh khu vườn Kwagala cách thức trồng dâu tây, khoai lang và hành: “Chúng tôi đang tạo ra động lực cho bọn trẻ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp và công việc mang tính sáng tạo mỗi ngày để đảm bảo cuộc sống cho mình, chứ không phải chỉ là dựa vào những công việc bấp bênh như là chạy xe ôm hay xem ti vi một cách vô ích”.

Brian Ndyaguma, một tiểu thương và là chủ một nhà hàng cho biết “Bằng cách này hay cách khác, thế hệ trẻ hiện nay đang từ bỏ nhiều thứ mà thế hệ cha ông chúng tôi từng làm, như là làm nông nghiệp chẳng hạn, vì thế, nếu muốn thuyết phục người trẻ đam mê với nghề nông, thì chắc chắn bạn phải có cách thức gì đó làm cho nghề nông hấp dẫn – thu hút được sự quan tâm của họ”.

Trồng rau, cây trên các sản phẩm tái chế

Tại khu vườn Kwagala, đầu tiên Agaba tái chế một cách sáng tạo các lốp xe cũ để trồng rau, điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Sau đó, khi họ bắt đầu thử nghiệm sử dụng các loại vật liệu khác như là ống nước phế thải và thùng đựng sữa, thì những đứa trẻ quanh đó cũng bắt đầu tự sáng tạo nên các thiết kế của chúng. “Hiện nay, bọn trẻ không chỉ bắt chước những gì chúng tôi làm nữa, mà chúng đã biết cách sáng tạo riêng cho mình”, Agaba nói. 

Khu vườn của Harriet Nakabaale tại quận Kawaala, Kampala là một địa chỉ quen thuộc cho những người địa phương muốn đến tham quan, học hỏi cách thức trồng rau củ tại các không gian đô thị (Ảnh Nils Adler).

Harriet Nakabaale là chủ một trang trại nhỏ có tên là Camp Green ở Kawaala, Kampala. Cô đã thu lượm những vỏ chai nhựa do những người hàng xóm thải loại ra, sau đó cắt lại và biến thành những chậu trồng cây cảnh; đục lỗ và gắn lại thành những dụng cụ tưới cây. Gần như chẳng có thứ gì bị bỏ phí. Thậm chí, những vỏ trứng do đàn gà của cô đẻ ra cũng được sử dụng để trồng cải.

Khu trang trại Kwagala có 3 chú bò được nuôi bằng vỏ cây chuối và ngô, những cây làm thức ăn cho bò này được trồng bằng phương pháp trồng cây không cần đất mà chỉ cần dùng nước. Agaba và đồng nghiệp của mình đi thu lượm phân bò, sau đó họ sử dụng nguồn phân này làm phân bón cho cây.

Tuy có rất nhiều tiềm năng để biến thành một ngành kinh doanh kiếm tiền, nhưng hiện chưa ai có một kế hoạch mở rộng các trang trại này. 

“Chúng tôi không cần nhiều hơn 3 con bò. Chúng tôi đang hướng dẫn người dân nên duy trì ở mức dưới 3 con bò để chăm sóc tốt và tận dụng được nhiều hơn ở chúng. Một chương trình tập huấn tại trang tại này đã hướng dẫn cho hơn 700 phụ nữ và người trẻ ở thành thị cách làm nông nghiệp trong đô thị, cách sản xuất phân bón sinh học và khí đốt sinh học”, Agaba cho biết.

Anh Brian Ndyaguma lại tận dụng được khu trang trại trong thành phố của mình ở Kampala, để đáp ứng một phần rất lớn nhu cầu về rau xanh, củ và quả cho nhà hàng của mình. Anh đang nhận thấy một cơ hội kinh doanh không chỉ cho những người dân thành thị mà cả những người nông dân ở các vùng nông thôn. 

Anh chia sẻ, “Uganda có lợi thế rất lớn về nông nghiệp bởi chúng tôi có đất đai màu mỡ, vì thế nguồn lương thực thực phẩm rất dồi dào. Khó khăn ở đây là sự phân phối”.

Tình trạng tắc đường, thiếu các loại xe tải đông lạnh và điều kiện thời tiết có nhiều ngày nắng nóng kéo dài làm cho nguồn rau củ được trồng ở các khu vực nông thôn rất khó giữ được độ tươi ngon khi vận chuyển đến các thành thị.

 “Việc làm nông nghiệp ngay ở thành thị tạo điều kiện cho những người nông dân ở các vùng nông thôn có nhiều không gian hơn để tập trung chuyên canh vào các loại cây theo mùa vụ, như là ngô hay ngũ cốc”, anh nói.

Là một kỹ sư, Agaba làm việc chuyên môn của mình hàng ngày, và cũng giống như hầu hết những người đang làm việc trên trang trại của mình, anh chỉ làm việc trên trang trại vào thời gian rảnh rỗi. Mặc dù hầu như không bán những gì mình nuôi trồng ra, nhưng anh vẫn nhận thấy được những lợi ích to lớn mà sở thích của mình mang lại.

 “Tự nuôi trồng lấy nguồn thực phẩm cho mình, không chỉ được sử dụng nguồn rau củ quả sạch, mà nó còn giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền mua thực phẩm”, anh nói.


Cà rốt có thể thay thế xi măng Cà rốt có thể thay thế xi măng Quản lý vườn cây ăn trái vào mùa khô Quản lý vườn cây ăn trái vào mùa…