Bò Lai Ba Máu Đột Phá Mới Về Con Giống Trong Nuôi Bò Thịt Ở Hưng Yên
Nếu như giai đoạn 2005-2010, tỉnh Hưng Yên đã rất thành công với chương trình “sind hoá” đàn bò, góp phần đưa tỉ trọng đàn bò lai sind trong toàn tỉnh đến nay đạt trên 95% tổng đàn, nâng tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên trên 45% trong tổng cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.
Việc sử dụng bò cái lai sind làm nền thụ tinh nhân tạo với các giống bò Brahman, Drought master để tạo ra thế hệ bò lai ba máu chất lượng cao từ năm 2012 đến nay đang trở thành điểm nhấn, tạo bước đột phá về con giống trong nuôi bò thịt ở Hưng Yên.
Đây là một trong những giải pháp để tỉnh hướng tới mục tiêu đến năm 2015 tốc độ tăng tổng đàn bò bình quân 2,5%/năm, trong đó bò lai sind chiếm 98%, bò thịt chất lượng cao chiếm 20-25% tổng đàn. Và đây cũng chính là một phần của “Dự án phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc an toàn sinh học theo hướng Vietgahp và chăn nuôi bò thịt cao sản giai đoạn 2012 – 2015” của tỉnh Hưng Yên.
Với chương trình phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, tỉnh Hưng Yên có cơ chế hỗ trợ mua giống bò thịt chất lượng cao 3 máu (Laisind x Brahman), (Laisind x Drought master), hỗ trợ công tác thú y, tập huấn kĩ thuật cho hộ chăn nuôi, giám định, bình tuyển, thụ tinh nhân tạo...
Dự án được triển khai thực hiện từ cuối năm 2012, đến nay đã đưa được 1.385 con bò giống đạt tiêu chuẩn vào sản xuất, tập trung nhiều tại các huyện Văn Giang, Kim Động, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Bò lai 3 máu có đặc điểm dễ nuôi, phù hợp điều kiện tự nhiên của nước ta, sức đề kháng tốt, tăng trọng nhanh hơn bò lai sind, tỉ lệ thịt xẻ, chất lượng thịt cao... Đặc biệt là con giống có thể được sản xuất tại chỗ thông qua sử dụng bò cái lai sind làm nền phối với tinh các giống bò Brahman, Drought master.
Tham gia “Dự án phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc an toàn sinh học theo hướng Vietgahp và chăn nuôi bò thịt cao sản giai đoạn 2012 – 2015” trong hợp phần chăn nuôi bò thịt cao sản, nông hộ không những được hỗ trợ tiền mua bò giống đạt tiêu chuẩn với mức 1 triệu đồng/con/lần mà quan trọng hơn, hộ chăn nuôi được tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc, làm công tác vệ sinh, thú y cho đàn bò nhằm giảm thiểu phát sinh dịch bệnh, tăng sức đề kháng, thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi, điều này người nuôi bò rất cần.
Huyện Văn Giang triển khai đưa đàn bò giống thuộc Dự án vào chăn nuôi nhiều nhất tỉnh. Trong hai năm qua đã có gần 500 con bò được đưa về chăn nuôi tại huyện, chiếm gần 1/3 tổng đàn bò thuộc Dự án của toàn tỉnh. Với kinh nghiệm chăn nuôi, điều kiện kinh tế, trồng cỏ thuận lợi, việc chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ba máu như thêm “cú hích” để chăn nuôi bò thịt tại địa phương phát triển tốt hơn.
Tham gia Dự án từ năm 2012 đến nay, gia đình anh Nguyễn Văn Vui, xã Tân Tiến (Văn Giang) thấy được hiệu quả chăn nuôi bò thịt chất lượng cao hơn hẳn so với một số vật nuôi khác. Anh Vui phấn khởi cho biết: “Năm 2012 – năm đầu tiên gia đình tôi nuôi bò đã thu kết quả tốt.
Con bò dễ nuôi, rủi ro thấp, bản thân mình được tập huấn, cán bộ chuyên môn cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát để có tư vấn, hướng dẫn kịp thời về công tác chăm sóc, phòng bệnh nên gia đình tôi càng yên tâm. Sau 14 tháng nuôi loạt bò 10 con thuộc Dự án của năm 2012, gia đình tôi lấy công làm lãi mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Thấy hiệu quả tốt, năm 2013 gia đình tôi đăng kí nuôi 12 con. Nay đàn bò đang phát triển khỏe mạnh”.
Để việc chăn nuôi của nông dân phát triển tốt, cùng với tập huấn thường xuyên cho người chăn nuôi, công tác giám sát, kiểm tra của cán bộ chuyên môn được tăng cường. Nhất là trong những đợt thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ xuống quá thấp, giá rét, sương muối hay trong những ngày nắng nóng, chủ hộ chăn nuôi bò được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, tránh rét, tránh nắng nóng cho đàn bò.
Dẫn chúng tôi đi thăm đàn bò thịt chất lượng cao của những hộ dân tham gia Dự án, chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang luôn quan sát đàn bò, điều kiện chuồng nuôi, cách cho bò ăn uống cũng như tình hình vệ sinh chuồng nuôi, khu vực chuồng nuôi của từng hộ. Thấy điểm nào hộ chăn nuôi thực hiện chưa đúng, chưa đủ, chị nhắc nhở, hướng dẫn và thêm cả những lời giải thích để chủ hộ dễ dàng hiểu đúng vấn đề mà thực hiện cho tốt, nhất là cách bảo vệ đàn bò trong điều kiện nắng nóng hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Hiếu, một chủ hộ nuôi bò trong huyện kể: “Năm 2007, gia đình tôi nuôi ba con bò vàng. Lần đầu tiên nuôi bò không có kinh nghiệm, chỉ nuôi theo phương pháp truyền thống là cho bò ăn cỏ, rơm và uống nước, chỉ quan tâm chữa khi bò đã mắc bệnh, không chú ý công tác phòng bệnh.
Bởi vậy năm ấy cả ba con bò đều bị chết do bệnh tật. Đến năm 2013, thấy các hộ trong huyện nuôi bò chất lượng cao đạt kết quả tốt, gia đình tôi mới mạnh dạn đăng kí nuôi ba con bò. Nhờ thực hiện đúng kĩ thuật đã được hướng dẫn và được cán bộ chuyên môn thường xuyên giám sát, nhắc nhở tình hình chăn nuôi nên đến nay, đàn bò của gia đình tôi phát triển tốt, vài tháng nữa sẽ xuất bán”.
Cũng như gia đình anh Vui, chị Hiếu và nhiều gia đình đã tham gia Dự án, anh Nguyễn Văn Tuynh, xã Vũ Xá (Kim Động) có được hiệu quả tốt rõ rệt từ nuôi 10 bò thịt chất lượng cao đang mong muốn Dự án năm 2014 sớm được triển khai để tiếp tục tạo thuận lợi cho người chăn nuôi.
Anh Tuynh bộc bạch: “Điều quan trọng nhất với chúng tôi không phải chỉ là Dự án hỗ trợ 1 triệu đồng để mua mỗi con bò giống mà là chọn được con giống tốt, có được những kĩ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng bệnh hiệu quả cho đàn bò. Tham gia Dự án, chúng tôi mới có kinh nghiệm rằng dù nuôi bò dễ hơn một số vật nuôi khác nhưng nếu hiểu, biết và thực hiện chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh phòng bệnh đúng cách, hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Qua theo dõi cho thấy đàn bò thịt lai 3 máu có tốc độ sinh trưởng phát triển vượt trội so với bò lai sind.
Với điều kiện chăn nuôi tương đồng, kể từ khi nhập bò về nuôi lúc 6 tháng tuổi, sau nuôi từ 12 -14 tháng, bò thịt được xuất bán, đạt trung bình khoảng 280 – 300 kg, cao hơn khối lượng của bò thịt lai sind cùng độ tuổi từ 12-15%, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Không những thế, với việc thực hiện đúng qui trình chăn nuôi, phòng bệnh, hiệu quả xã hội từ Dự án cũng chuyển biến rõ rệt.
Đó là cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và chính người chăn nuôi chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc; bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái nông nghiệp nông thôn; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông hộ, xây dựng nông thôn mới...
Từ những kinh nghiệm chăn nuôi có được khi tham gia Dự án đem lại, không ít nông hộ đã mở rộng chăn nuôi bò thịt giống lai 3 máu mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh để có được hiệu quả kinh tế cao hơn giống bò lai sind vốn đã cho hiệu quả cao hơn giống bò vàng truyền thống trước đây.
Hiệu ứng xã hội này góp phần nâng tỉ trọng đàn bò thịt chất lượng cao của toàn tỉnh được lên cao hơn, nhanh hơn, đến nay đã đạt khoảng 20% so với mục tiêu đến năm 2015 đạt 20 – 25% tổng đàn bò.
Có thể thấy, sau ”sind hóa” đàn bò thì việc đưa bò lai 3 máu vào sản xuất đang là đột phá mới về con giống trong chăn nuôi bò ở tỉnh Hưng Yên. Tin rằng với sự đầu tư đúng mức của tỉnh, sự tham gia Dự án có trách nhiệm của người chăn nuôi, đến năm 2015 tỉnh sẽ thực hiện vượt được mục tiêu đề ra về chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2012 – 2015.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ