Mô hình kinh tế Bò Tót Lai Ninh Thuận

Bò Tót Lai Ninh Thuận

Ngày đăng 14/10/2013

Bò Tót Lai Ninh Thuận

Ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình (QGPB) cho biết: “Bò tót là nguồn gen quí dự trữ trong thiên nhiên, để có thể lai tạo với các giống bò khác. Giá trị kinh tế mỗi con có thể cung cấp 500-600kg thịt, 400kg xương, 2 - 3m2 da và cặp sừng đẹp. Bò tót lai thụ tinh nhân tạo thì trên thế giới có nhiều, còn đối với những con bò tót lai Phước Bình, theo thông tin khoa học tôi được biết thì đây là đàn bò tót lai tự nhiên đầu tiên trên thế giới”.

Lộc của rừng xanh:

Bốn năm về trước, không riêng gì tôi mà nhiều đồng nghiệp ở các báo Trung ương, ngành đổ về thôn Bạc Rây, xã Phước Bình (huyện Bác Ái) để xem hình dáng, chân cẳng con Bò tót (tên khoa học Bos gaurus còn người dân địa phương gọi là con Min) xuất hiện ở vùng đệm Vườn QGPB. Chuyện về “đại ca” rừng xanh này đã khiến cho chính quyền, Vườn QGPB, người dân địa phương và cả cánh báo chí phải mệt bở hơi tai!

Nào phá mùa màng, húc đổ chòi canh đến tấn công cả người dân đi làm rẫy… Chuyện càng ly kỳ, thú vị hơn nữa, ỷ lại thể hình to lớn (nặng ước gần 1 tấn) cùng với sức mạnh hoang dã, nó tấn công tất cả các các chú bò đực của người dân nuôi thả quanh khu vực đó để độc chiếm, "sở hữu" đàn bò cái. Dân kiến nghị lên Vườn Quốc gia, chính quyền; Vườn kiến nghị lên tỉnh; tỉnh kiến nghị Trung ương. Bao nhiêu là chuyện về con Bò tót…

Bốn năm sau trở lại Phước Bình, gặp lại một số bà con nơi đây, dạo này mặt cứ tươi cười hớn hở như bắt được vàng-mà quả là vàng thật! Có người “trúng lộc” cả hàng trăm triệu đồng từ con Bò tót đem lại, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Chuẩn ở thôn Bạc Rây.

Nhà ông Chuẩn có 20 con bò chăn thả ở vùng đệm Vườn QGPB đều trở thành “nạn nhân” của con bò tót hung hãn này. Bò đực thì bị húc bể đầu, gãy chân, bò cái bất đắc dĩ trở thành “vợ” của nó cả. Chỉ tội chú bò cái nào “lỡ đi” với bò tót thì về nằm ba, bốn ngày. Ngày đó, suốt ngày ông Chuẩn vác đơn kiến nghị lên Vườn, chính quyền các cấp về chuyện con bò gây ra đối với gia đình ông, có những lúc tiêu cực ông Chuẩn còn tính ăn thua đủ với con bò tót này!

Vậy mà, ai ngờ! Chuyện con Bò tót “đi” với bò cái nhà lai cho nhiều niềm vui đến vậy. Ông Chuẩn cho biết: sau những lần “đi” với bò tót, bò cái nhà ông sau đó đẻ những bê con, giống y hệt Bò tót. Sau này mấy ông nhà khoa học bảo là bò tót lai F1 gì đó. Nhà ông có 9 con bò tót lai, hiện đã bán cho Vườn QGPB 6 con, thu về tổng cộng 225 triệu đồng. Hiện còn 3 con bò tót lai, nhưng chưa bán vì “nửa muốn giữ lại làm giống, nửa vì chưa được giá”. Trong đó, có con cán bộ Vườn đã trả giá lên 50 triệu đồng nhưng ông vẫn chưa chịu bán. Mới đây, một con bò cái trong đàn lại sinh hạ một chú bê mà theo ông Chuẩn là lai bò tót.

Không được nhiều như ông Chuẩn nhưng ông Chammale Hóa cũng có được hai con bò tót lai, bán được hơn 40 triệu đồng, trong khi với "lứa tuổi" đó nếu là bò nhà thì chỉ bán được 10 triệu đồng/con. Ông Hóa tâm sự: “Cán bộ cần bò để nghiên cứu mình mới bán chứ nếu để lại giờ được nhiều tiền hơn rồi. Hy vọng sắp tới, mấy con bò cái nhà mình lại đẻ ra mấy con bê lai nữa”. Cũng theo ông Chuẩn, ông Hoá, con Bò tót vẫn thường xuyên về sinh sống với bò nhà, giờ nó đã hiền hơn, quen hơi người không còn phá nương, phá rẫy, húc người... nhưng vẫn luôn tấn công các con bò đục để độc chiếm đàn bó cái!.

Niềm vui giữa đại ngàn:

Trong những năm 2009, 2010 và 2011 con bò tót đực thường xuyên xuất hiện, nhập vào đàn bò nhà của nông dân và kiếm ăn chung trên cánh đồng cỏ ven rừng thuộc vùng đệm Vườn QGPB. Thực tế đã có ghi nhận của người dân về hiện tượng cạnh tranh giữa bò tót và bò đực nhà để giành quyền giao phối với những bò cái nhà trong thời gian qua. Một số bò cái của nông dân tại đó đã sinh được khoảng 10 con bê dự đoán lai giữa bò cái nhà (Bos taurus) và bò tót đực (Bos gaurus), hiện còn có một số bò cái đang mang thai, nghi cũng là do phối giống với con bò tót đó.

PGS-TS Lê Huy Hàm (Viện Di truyền Nông nghiệp): “Đây là món quà của thiên nhiên ban tặng, nên tổ chức các đề tài nghiên cứu tìm hiểu để lưu giữ nguồn gen này. Cho đến nay, tuy vẫn chưa có bất cứ một công trình nghiên cứu nào về sự lai tạo giữa bò tót với bò nhà nhưng điều này hoàn toàn có thể được. Bởi tất cả các loại cùng loài đều có thể lai tạo, nhân giống được với nhau. Bò tót có con lai là điều có thể xảy ra, vì chúng cùng loài với nhau”.

Sau khi nghe được thông tin này, nhiều nhà khoa học lĩnh vực nông lâm đã về tỉnh ta nghiên cứu; Sở Khoa học công nghệ tỉnh phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ Lâm Đồng và Vườn QGPB để thực hiện đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng rừng giáp ranh giữa Ninh Thuận và Lâm Đồng” với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn QGPB cho biết, dự án phê duyệt mua 10 con bò tót lai về nghiên cứu với kinh phí 200 triệu đồng, tuy nhiên mới mua có 8 con mà đã hết gần 300 triệu đồng. Nguyên nhân do người dân biết Vườn cần bò nên “hét” giá trên trời. Cán bộ Vườn phải làm công tác “dân vận” mới mua được bò tót lai từ người dân.

Sau khi mua được bê con, qua thời gian nuôi và quan sát, những bê lai mau lớn hơn các bê nhà cùng độ tuổi; về ngoại hình, bê không có u vai và yếm rốn; đầu hơi nhỏ, trán rộng và lõm; mặt hình chữ V; sừng nhọn và phát triển sớm. Khi mới sinh, bê lai có lông màu nâu vàng- xám nâu, khác khá rõ với bê bò nhà; sau 3-4 tháng tuổi, lông chuyển dần sang màu nâu đen ở toàn thân, ngoại trừ 4 chân từ khuỷu chân trở xuống móng có màu trắng. Ngoại hình và màu lông các bê lai F1 tương tự bò tót (Bos gaurus). Hiện 8 chú bò tót lai đang nuôi dưỡng có độ tuổi từ 2-3 năm, trọng lượng 2,5-3 tạ, gần gấp đôi so với bò nhà ở cùng độ tuổi.

Nếu như ngoại hình đem lại niềm vui một, thì kết quả khoa học đem lại niềm vui gấp vạn lần. Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Ninh Thuận, hồ hởi cho biết: “Qua giám định ADN, bước đầu chúng tôi xác định đây chính xác là bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà”.

Cũng theo ông Lâm đây là trường hợp hy hữu, vô cùng hiếm gặp, có lẽ là duy nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, khó có thể gặp lại, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn trong chăn nuôi gia súc. Cần phải có kế hoạch nghiên cứu sâu, kịp thời, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quí hiếm, đặc biệt kết hợp đưa vào các tổ hợp lai ưu thế mới, tạo ra các dòng, giống bò thịt vượt trội”.

Ông Hoàng Văn Tiệu, Viện trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn) cho biết, những loài động vật có cùng số nhiễm sắc thể thì hoàn toàn có thể lai tạo giống. Trường hợp của con bò tót và bò nhà ở Vườn quốc gia Phước Bình, là một ví dụ. Viện Chăn nuôi cũng đã từng nhập về hai con bò tót lai của Thái Lan để thử phối giống với bò nhà và thành công, đến nay bò con phát triển tốt.

Thương hiệu Bò tót lai:

Theo ông Nguyễn Công Vân, do có 50% máu bò tót (một cách ước tính tương đối), nên đàn bê F1 đã thể hiện khả năng tăng trọng nhanh, chịu đựng tốt các điều kiện nuôi dưỡng kham khổ của chăn nuôi quảng canh và có thể có khả năng đề kháng tốt với một số bệnh thông thường hay xảy ra trên đàn bò nhập nội và bò nhà. Hiện nay, nhóm nhà khoa học Ninh Thuận-Lâm Đồng đang đẩy nhanh triển khai đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng rừng giáp ranh giữa Ninh Thuận và Lâm Đồng”.

Với kết quả xét nghệm ADN, đây là Bò tót lai F1, sắp tới nhóm khoa học này sẽ dùng bò Đực lai bò tót F1 cho nhảy trực tiếp với đàn bò nền (Zê bu hoặc lai Zê bu) để tạo ra đàn bò lai bò tót F2; Sử dụng tinh đông khô của các giống bò thịt Brahman, DroughtMaster, Red Angus để thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái lai F1 để tạo ra đàn bò lai bò tót F2; Dùng bò đực lai F1 cho phối giống trực tiếp với bò cái lai F1 để tìm các cá thể bò F2 mang tính trội của bò tót. Nếu tạo ra được bò lai bò tót F2; điều này chứng minh rằng đàn bò lai bò tót F1 có khả năng sinh sản.

Sử dụng bò lai bò tót F1 để tạo ra đàn bò lai F2, có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa nguồn gen quý từ động vật hoang dã vào vật nuôi nhằm cải thiện năng suất, chất lượng, khả năng chống chọi với bệnh tật và đáp ứng với điều kiện chăn nuôi quảng canh, kém thuận lợi. Hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng sẽ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về giống bò lai bò tót (F1. F2) ; tiếp tục xây dựng dự án nhân rộng kết quả đề tài, tạo ra các bò lai F2 làm bò giống thương phẩm và thương mại hóa sản phẩm trên thị trường.

Giữa đại ngàn Phước Bình, tôi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt tươi vui, tràn đầy hi vọng. Với những nhà khoa học như ông Lâm, ông Vân… họ đang vui vì phát hiện, bảo vệ thêm loài gen quý về động vật hoang dã. Họ yên tâm hơn khi một ngày không xa nữa những cánh rừng đại ngàn, xa hơn nữa là đồng bằng sẽ xuất hiện những đàn bò tót lai thế hệ F1, F2. Đối với những người dân như ông Chuẩn, ông Hoá… họ càng vui và hi vọng hơn một ngày không xa nữa những đàn bò nhà của họ sẽ trở thành những chú bò lai thương phẩm F2, F3 đem lại giá trị kinh tế cao. Hy vọng là thế.


Hiệu Quả Từ Mô Hình Quản Lý Và Giám Sát Dịch Bệnh Cúm Trong Chăn Nuôi Thủy Cầm Hiệu Quả Từ Mô Hình Quản Lý Và… Sử Dụng Lá Bạch Đàn Phòng Ngừa Bệnh Heo Tai Xanh Sử Dụng Lá Bạch Đàn Phòng Ngừa Bệnh…