Nhãn Bọ xít phát sinh gây hại vải, nhãn

Bọ xít phát sinh gây hại vải, nhãn

Tác giả Nguyễn Minh Thảo, ngày đăng 11/04/2018

Bọ xít phát sinh gây hại vải, nhãn

Cuối năm 2017, đầu năm 2018 khí hậu vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) có sự biến động khác thường, phức tạp.

Bọ xít trưởng thành hại vải, nhãn

Tháng 10, 11, 12/2017 trời rét đậm, rét hại nhiều đợt kéo dài, do đó vải, nhãn ức chế phân hóa mầm hoa. Đến tháng 2, 3/2018 khí hậu nóng và ẩm xen kẽ có trận mưa rào, nhiệt độ cao, độ ẩm cao, biến động từ 18 - 30 độ C, độ ẩm từ 80 - 85%, từ đó bọ xít (Tessaratoma papillosa) trưởng thành xuất hiện phát dục đẻ trứng trên các chùm hoa vải, nhãn.

Qua các đợt khảo sát vùng Phủ Quỳ ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu và thị xã Thái Hòa, năm nay cây ăn quả nở hoa bạt ngàn, đặc biệt là vải, nhãn.

Anh Hồ Sĩ Điều ở xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa cho biết, anh có vườn trồng giống vải Phú Hộ đã hơn 15 tuổi, nhiều năm không ra hoa, năm được năm mất nhưng năm nay hoa nở rợp trời. Cây cành phát triển dài, cao, ngại nhất bọ xít gây hại.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành nói, xã có 800 đàn ong đang tấp nập đưa phấn, mật về tổ, dự báo bội thu. Còn quả vải, nhãn được hay không phụ thuộc vào bọ xít. Vấn đề bà con băn khoăn là bọ xít gây hại, cần nắm chắc đặc tính sinh học của chúng, từ đó đề ra một số biện pháp phòng trừ.

Bọ xít trưởng thành qua đông ở các bờ lô rậm rạp và mang tính bầy đàn, phát dục đẻ trứng. Năm nào vụ xuân nhiệt độ cao, độ ẩm cao, có mưa rào đến sớm, bọ xít trưởng thành phát dục sớm. Bọ xít trưởng thành thân dài 20 - 30mm, hình bầu dục, màu nâu vàng, có phấn sáp màu trắng.

Bọ xít trưởng thành giao phối 1 - 2 ngày rồi đẻ trứng và đẻ rộ nhất tháng 3, 4, 5 đến tháng 6 thì đẻ rải rác. Mỗi con trưởng thành đẻ một lần 14 quả, có con đẻ ít nhất là 7 lần trong một vụ, con đẻ nhiều nhất 11 lần. Đa số trứng ở dưới mặt lá, đừng kính trứng từ 1,5 - 3mm, trứng mới đẻ màu sáng trong sau đó chuyển sang màu xám và màu vàng nâu rồi nở.

Bọ xít non lúc mới nở có màu đỏ tươi sau chuyển sang màu xanh lam rồi dần dần biến thành màu nâu sẫm. Bọ xít non cuối tháng 3 đến tháng 4 rất nguy hiểm, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ gây bùng phát thành dịch gây hại trên diện tích rộng.

Thời kỳ bọ xít gây hại kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Bà con cần triệt để áp dụng mấy biện pháp sau đây: Kiên quyết triệt để tiêu diệt bọ xít trưởng thành qua đông trong các bờ lô rậm rạp từ tháng 11, 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Khi nhiệt độ thấp, diệt bằng cách rung cây, bọ xít trưởng thành qua đông mới đẻ trứng, nằm bờ lô rậm rạp theo tính bầy đàn do đó tiêu diệt đạt hiệu quả rất cao.

Hạn chế vụ xuân bọ xít gây thành dịch, tháng 2, 3 kiểm tra trên đồng ruộng ngắt các ổ trứng và bắt bọ xít trưởng thành khi chúng xuất hiện. Đây là biện pháp hiệu quả cao, ít tốn kém, không ảnh hưởng môi trường, tiến hành làm nhiều đợt, lúc buổi sáng và chiều tối, thời gian này nhiệt độ thấp bọ xít rất ít bay.

Khi vải, nhãn nở hoa rộ bọ xít trưởng thành trên cây ta chỉ phòng trừ các biện pháp cơ học: bắt bằng tay, dùng vợt, bẫy dính, tuyệt đối không được phun thuốc hóa học. Nếu sử dụng thuốc hóa học thì cành non, nụ hoa và ong bị hủy diệt.

Vải, nhãn đậu quả non khoảng tháng 4, cần tiến hành phun các loại thuốc trừ sâu kịp thời. Khi đó bọ xít non còn nhỏ, từ tuổi 1 đến tuổi 3 chưa có cánh, sức đề kháng còn yếu, không thể phát tán rộng hoặc bay khi phun thuốc, sử dụng thuốc lúc này có hiệu quả. Có thể sử dụng một số thuốc trừ sâu như: Sapracid 25Ee nồng độ 0,1%, Samicdin nồng độ 0,1% hoặc Fastax 50Ee nồng độ 0,1%.


Chăm bón nhãn sau thu hoạch Chăm bón nhãn sau thu hoạch Nhãn tím Nhãn tím "độc nhất vô nhị" miền Tây:…