Bón phân Đầu Trâu cho cây điều
Cây điều (Anacardium occidentale L, thuộc họ Anacardiaceae) được nhập nội và trồng ở nước ta từ lâu. Tuy nhiên, trước giải phóng miền Nam, điều chỉ được coi là cây phụ, trồng quanh vườn nhà theo lối quảng canh chỉ để ăn chơi.
Kể từ sau ngày đất nước được mở cửa, cây điều dần dần được coi là cây công nghiệp quan trọng. Việc buôn bán nhân hạt điều bắt đầu được quan tâm. Tuy nhiên chưa có mối liên kết vững chắc giữa nhà buôn với người SX, giá cả lại bấp bênh.
Các cơ sở nghiên cứu về cây điều rất non yếu, đầu tư nhỏ giọt, trong lúc điều là cây lâu năm, nếu thực hiện công tác chọn giống theo phương pháp cổ truyền phải mất từ 20 - 40 năm mới có thể chọn được một giống điều tốt.
Vì vậy nông dân vẫn phải sử dụng giống điều thực sinh, lại không được chú ý đầu tư kỹ thuật và chế độ sử dụng phân bón đúng mức nên năng suất điều vẫn đạt mức thấp.
Bình quân năng suất điều trên diện tích 270.000 ha vào năm 2013 chỉ được 910 kg/ha. Điều tra kỹ thuật ở các vùng trồng điều chính cho thấy nguyên nhân năng suất điều thấp một mặt do chưa có giống tốt, nhưng mặt khác do nông dân chưa tin tưởng để đầu tư phân bón và kỹ thuật chăm sóc đúng mức.
Nhiều vùng nông dân trồng điều chỉ để giữ đất. Phần lớn diện tích trồng điều bị dồn về vùng đất dốc, đất xấu, không có điều kiện tưới tiêu lại rất ít bón phân do bị các cây cao su, tiêu cạnh tranh mãnh liệt.
Trong những năm gần đây, do giá sắn được cải thiện nên sắn cũng trở thành cây có năng lực cạnh tranh mạnh với cây điều. Dù vậy khi nghiên cứu thực tế vẫn có những vùng trồng điều ở Bình Phước, bà con đã đạt được năng suất điều nhân khá cao. Mô hình đạt 2,5 - 3 tấn điều nhân/ha không hiếm.
Trong chương trình nghiên cứu cây điều do Trung tâm Điều của Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam thực hiện, đến nay đã có những giống điều ghép rất có triển vọng đang làm thủ tục xin Bộ NN-PTNT cho phép SX thử như giống điều AB29, AB05-08.
Bên cạnh những giống này còn có một tập đoàn, trong đó nhiều dòng có chứa đựng những đặc điểm quý đã và đang được thử thách trong SX, đó là nguồn tài liệu có giá trị để chọn tạo các giống điều đạt tiêu chuẩn cho SX đang đòi hỏi.
Trong lúc chờ đợi có các giống điều tốt cho SX thì việc tập trung thâm canh cho các vườn điều hiện hữu là việc làm rất có ý nghĩa. Sức vóc của cây ở giai đoạn kiến thiết cơ bản sẽ là tiềm lực quyết định khả năng cho năng suất cao về sau. Vì vậy thời gian này bà con cố gắng chăm sóc cho cây điều con có cành, lá sum xuê, bộ tán đẹp, cân đối.
Muốn vậy bà con cần bón phân đầy đủ, chú trọng nhiều phân đạm và phân lân, kết hợp mọi loại chất hữu cơ bón lót. Lượng chất hữu cơ càng nhiều càng tốt vì nền đất trồng điều thường là đất xấu, lại hay bị khô hạn.
Nếu có nhiều chất hữu cơ sẽ giúp giữ ẩm cho đất ở vùng rễ được lâu dài, đồng thời giữ được phân khoáng không bị thất thoát nhanh.
Ở thời kỳ kinh doanh, ngoài việc phòng chống bọ xít muỗi, sâu đục trái và bệnh thán thư cũng như một số sâu bệnh khác thì việc bón phân cho điều là biện pháp làm nâng cao năng suất rất rõ rệt. Hằng năm ở cây điều vẫn có 2 giai đoạn: Giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng sinh thực.
Giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng là giai đoạn tạo cho cây có thân thể, vóc dáng cường tráng, tích lũy đủ chất cho giai đoạn sinh trưởng sinh thực, tức là hình thành nụ, ra hoa và kết trái.
Giai đoạn này được kể từ sau khi thu hoạch vụ trước, ta tỉa cành, tạo tán rồi chăm sóc cho điều tiếp tục ra lá non, đâm cành mới, tạo thế để chuẩn bị cho thời kỳ ra hoa.
Về phân bón, ngoài việc xới rãnh quanh tán cây, cho các loại cỏ, rác, lá cây khô, thân cành cây xuống, lấp đất lại (chủ yếu là cung cấp chất hữu cơ cho cây) thì kết hợp bón 2 - 3 kg vôi bột, 2 - 3 kg phân lân cho 1 gốc cây là rất cần thiết.
Sau khoảng 1 tuần, ta bón khoảng 500 - 600 gr phân NPK 16-16-8-6S+TE/gốc, tưới đủ nước, trước khi kết thúc mùa mưa ta lại bón một đợt phân Đầu Trâu như vậy để cây có điều kiện phân hoá hoa trong mùa khô.
Hai đợt bón phân này là tạo sức vóc và đảm bảo đủ chất để cây phân hoá hoa trong mùa khô. Khi điều ra hoa đều và đậu quả, ta bón cho cây một đợt phân nuôi quả. Lúc này ta bón loại phân có tỷ lệ kali cao hơn và có chứa đủ trung và vi lượng sẽ rất tốt cho chất lượng trái điều.
Nếu có loại Đầu Trâu 16-16-16+TE thì bón mỗi gốc 500 - 700 gr. Nếu không có ta có thể sử dụng một trong các loại phân sau để bón cũng đều rất tốt: Đầu Trâu AT3 (14-10-17), Đầu Trâu cao su kinh doanh: 16-6-18+TE, Đầu Trâu cây điều 16-8-16, Đầu Trâu hồ tiêu kinh doanh NPK 19-9-19+TE.
Các loại phân này liều bón tương đương với loại NPK 16-16-16+TE. Ta chỉ chờ điều chín, thu hái rồi lại làm tiếp công việc cho năm khác.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ