Tin thủy sản Bột ốc - nguyên liệu thay thế bột cá bổ sung vào thức ăn tôm

Bột ốc - nguyên liệu thay thế bột cá bổ sung vào thức ăn tôm

Tác giả Huỳnh Như (Lược dịch), ngày đăng 23/03/2020

Bột ốc - nguyên liệu thay thế bột cá bổ sung vào thức ăn tôm

Mới đây các nhà khoa học Nhật bản đã cho thấy bột ốc có tiềm năng thay thế bột cá trong thức ăn thủy sản.

Thay thế bột ốc vào thức ăn tôm he Nhật Bản. Ảnh: Huỳnh Như

Tôm he (M. japonicus) là một trong những loài hải sản có giá trị kinh tế cao tại Nhật với chất lượng thịt ngon. Tại Nhật, tôm he được dùng trong các bữa tiệc sang trọng với giá thành rất cao. Nhu cầu đạm trong thức ăn của tôm he tương đối cao khoảng hơn 55%. Do đó, tại Nhật bột mực và bột nhuyễn thể được dùng trong công thức thức ăn của tôm he. Tuy nhiên, để đáp ứng với yêu cầu đa dạng nguồn protein trong thức ăn thủy sản, nhiều giải pháp được lựa chọn bao gồm: sử dụng nguồn đạm thực vật (đạm từ bột đậu nành, bột hoa cải, và bột bắp); đạm từ động vật, đạm từ côn trùng (trùng quế, ấu trùng ruồi lính đen). 

Ốc biển (B. striatissimum) với hàm lượng đạm khá cao cùng với hàm lượng phospholipid dồi dào, bột ốc được xem là một trong các giải pháp thay thế bột cá và bột mực trong thức ăn thủy sản. Tại một số nước sản lượng ốc nhiều mang lại giá trị kinh tế không cao do nhu cầu tiêu thụ thấp. Nghiên cứu trước đây cho thấy phospholipid chiết xuất từ ốc có khả năng sử dụng làm nguồn lipid trong thức ăn cho tôm he, kết quả cho thấy phospholipid chiết xuất từ bột ốc kích thích tăng trưởng và hệ miễn dịch của tôm. Do đó, trong nghiên cứu này tập trung vào thay thế nguồn đạm từ bột mực và bột nhuyễn thể bằng bột ốc với các hàm lượng thay thế khác nhau lên tăng trưởng và một số chỉ tiêu miễn dịch của tôm he. 

Tại Việt Nam, ốc bươu vàng hay một số loại ốc khác được dùng rộng rãi trong chăn nuôi, đặc biệt trong nuôi cá và chăn nuôi gia cầm. Một số loài ốc biển có giá trị khác được dùng làm thức ăn cho tôm bố mẹ trong sản xuất giống tôm sú, do nguồn đạm trong ốc rất cao. Trên cơ sở đó bột ốc được xem là nguồn đạm tiềm năng thay thế bột cá trong tương lai; tuy nhiên, hiện tại chưa có nghiên cứu nào về việc sử dụng ốc nói chung và bột ốc nói riêng trong thức ăn thủy sản.

Nghiên cứu sử dụng bột ốc trong thức ăn tôm

Thí nghiệm được tiến hành trong 60 ngày nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc thay thế bột mực và bột nhuyễn thể bằng bột ốc biển (B. striatissimum) lên tăng trưởng và miễn dịch của tôm he. Thí nghiệm bao gồm 5 nghiệm thức với 3 lần lặp lại được trình bày trong Bảng. Tôm he với trọng lượng trung bình 0,27g được bố trí trong bể PCV 15-20 L, với mật độ 10 tôm/bể. Tôm được cho ăn 2 lần/ngày với lượng thức ăn từ 5-7% trọng lượng. Thí nghiệm được bố trí với hệ thống nước chảy tràn đảm bảo nước được thay đổi 100%/ngày. Các chỉ tiêu nhiệt độ, pH và độ mặn được theo dõi trong suốt quá trình thí nghiệm, đảm bảo dao động không quá lớn: nhiệt độ (23±0,7 oC), pH (7,7±0,5), và độ mặn (34±0,06 ppt). Tôm được bố trí với lớp cát làm nền đáy và sụt khí đáy. Thức ăn thừa và phân tôm được xiphong mỗi ngày. Lớp cát đáy định kỳ rửa sau 10 ngày thí nghiệm. Tăng trưởng của tôm được theo dõi sau 10 ngày thí nghiệm nhằm điều chỉnh nguồn thức ăn cho phù hợp.

Bảng: Thành phần thức ăn và hàm lượng bột ốc thay thế được dùng trong thí nghiệm

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sống của tôm không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức (P>0,05). Các chỉ tiêu tăng trưởng của tôm bao gồm: tổng chiều dài (TL), lượng thức ăn ăn vào (FI), tăng trưởng đặc biệt ngày (SGR) tăng ở nghiệm thức D4 (75%) và D5 (100%). Hàm lượng lipid của tôm ở nghiệm thức D1 và D3 cao hơn các nghiệm thức còn lại (P<0,05). Tôm ở nghiệm thức D4 và D5 có hàm lượng cholesterol thấp và polyunsaturated fatty acid cao hơn tôm ở các nghiệm thức còn lại (P<0,05). Thí nghiệm khả năng chống chịu stress của tôm ở độ mặn thấp cho thấy tôm ở các nghiệm thức thay thế bột ốc từ 50 – 100% cho khả năng chống chịu cao hơn so với đối chứng và thay thế ở 25%.

Bột ốc (Buccinum striatissimum) có khả năng thay thế hoàn toàn bột mực và bột nhuyễn thể trong công thức thức ăn của tôm he. Hơn thế nữa, thức ăn với 100% bột ốc được thay thế kích thích tăng trưởng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng khả năng chống chịu stress, và giảm hàm lượng cholesterol của tôm he Nhật bản (M. japonicus). Từ kết quả nghiên cứu cho thấy bột ốc có khả năng sử dụng như một nguồn đạm có khả năng thay thế bột cá trong tương lai và có thể áp dụng trên các đối tượng nuôi khác như: tôm sú (Penaeus monodon), tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei), và một số loài cá nuôi có giá trị kinh tế khác như: cá bớp, cá mú, cá tra,…Thành công của nghiên cứu mở ra hướng mới cho việc phát triển các nguồn đạm khác dùng trong thức ăn thủy sản, hướng tới phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản.


Cơ chế và ứng dụng tập luyện cơ bắp cho cá Cơ chế và ứng dụng tập luyện cơ… Dòng xạ khuẩn mới có khả năng cải thiện chất lượng nước nuôi tôm Dòng xạ khuẩn mới có khả năng cải…