Cá kèo Cá kèo

Cá kèo

Ngày đăng 17/11/2015

Cá kèo

Đặc điểm sinh học

Cá bống kèo (tên khoa học là Pseudapocryptes elongatus), có đầu nhỏ, hình chóp.

Miệng tù hướng xuống, miệng trước hẹp, rạch miệng nằm ngang kéo dài đến bờ sau của ổ mắt.

Răng hàm trên có đỉnh tù, răng hàm dưới xiên thưa.

Mắt tròn, nhỏ nằm sát đỉnh đầu, khoảng cách giữa hai mắt hẹp bằng 1/2 đường kính mắt.

Lỗ mang hẹp, màng mang phát triển, phần dưới dính với eo mang.

Cá có thân hình trụ dài, dẹp dần về phía đuôi, có phủ vảy nhỏ, tròn, rất bé.

Hai vây lưng rời nhau.

Hai vây bụng dính nhau.

Vây ngực, vây bụng có khởi điểm trên một đường thẳng đứng.

Vây đuôi dài, nhọn.

Cá có màu xám vàng hay xám trắng, nửa thân trên lưng có 7 – 8 sọc đen hướng về phía trước.

Các sọc này rõ về phía đuôi.

Cá bống kèo dễ thích nghi với biến động môi trường, sống ở nhiệt độ 27 – 330C, pH: 6,5 – 8, hàm lượng ôxy hòa tan = 2 mg/lít.

Trên thế giới, chúng phân bố nhiều ở khu vực cửa sông, bãi triều và cửa đảo của Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonexia, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản.

Ở Việt Nam, cá phân bố chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau…

Tình hình nuôi

Cá bống kèo hiện được người dân một số tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… phát triển với hình thức nuôi thương phẩm trong ao đất; có thể sử dụng ao nuôi tôm sú để nuôi hoặc nuôi trong ruộng muối vào mùa mưa.

Cá có thể nuôi với mật độ cao 30 – 50 con/m2, tùy điều kiện chăm sóc.

Cá có tập tính ăn tạp, sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao cũng như thực vật phù du, sinh vật đáy, rong tảo, mùn bã hữu cơ, thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp, có tổng hàm lượng đạm khoảng 18 – 25%, khẩu phần ăn 4 – 6% trọng lượng thân.

Sau 5 – 6 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 30 – 50 con/kg, tỷ lệ sống 30 – 50%, năng suất trung bình đạt 3 – 5 tấn/ha, mang lại lợi nhuận khá cao cho người nuôi.

Hạn chế sinh sản nhân tạo

Khó khăn lớn nhất cho nghề nuôi cá bống kèo hiện nay là nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn vào mùa mưa.

Người nuôi chỉ khai thác được con giống từ tháng 4 đến tháng 9 trong năm.

Từ năm 2005, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã tiến hành nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá bống kèo trên nhiều mô hình thí nghiệm khác nhau.

Kết quả, buồng trứng phát triển cao nhất trong thí nghiệm này đến giai đoạn III.

Năm 2006 và 2007, đơn vị tiếp tục thu gom cá bống kèo bố mẹ từ tự nhiên, nuôi vỗ trong ao đất, nhưng buồng trứng ở các lô thí nghiệm chỉ phát triển đến giai đoạn II, rất ít ở giai đoạn III.

Năm 2008, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II tiếp tục nghiên cứu nuôi vỗ thành thục cá kèo trong hệ thống tuần hoàn airlift giá thể cát.

Sau 4 tháng nuôi, trong thí nghiệm sử dụng thức ăn là Artemia trưởng thành, đàn cá tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, khi kiểm tra mô học tuyến sinh dục, buồng trứng phát ở giai đoạn II.

Đầu năm 2009, đơn vị tiếp tục tiến hành thí nghiệm tiêm dẫn hocmone HCG kết hợp với não thùy cá chép cho 28 con cá bố mẹ.

Sau 13 ngày, tiến hành kiểm tra tuyến sinh dục có 12 con cá cái thành thục,16 con không thành thục.

Những con cá không thành thục, đều có tinh ở giai đoạn III.

Do bị khai thác quá mức, hiện nguồn giống cá bống kèo bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi thương phẩm.

Tính riêng trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, diện tích nuôi cá bống kèo năm 2013 đạt khoảng 150 ha, sang năm 2014 giảm còn khoảng 50 ha, từ đầu năm 2015 đến nay là khoảng 40 ha.


Nghiên cứu lại kỹ thuật để nuôi hiệu quả cá kèo - Phần 1 Nghiên cứu lại kỹ thuật để nuôi hiệu… Một số kỹ thuật trong nuôi cá kèo Một số kỹ thuật trong nuôi cá kèo