Tin thủy sản Cà Mau dồn sức gỡ khó cho ngành thủy sản

Cà Mau dồn sức gỡ khó cho ngành thủy sản

Tác giả PHÚ HỮU, ngày đăng 30/06/2016

Cà Mau dồn sức gỡ khó cho ngành thủy sản

Cái khó “bó” con tôm

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh giảm mạnh. Cụ thể, chỉ đạt 250.000 tấn, giảm hơn 7% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng nuôi trồng 144.000 tấn, sản lượng khai thác hơn 100.000 tấn.

Nguyên nhân được nhận định là do tập quán cũng như ý thức khai thác theo kiểu tận diệt của một bộ phận ngư dân làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; một phần do thời tiết nắng nóng kéo dài, gây ảnh hưởng đến diện tích nuôi, nhất là loại hình nuôi tôm công nghiệp.

Hiện tại, mặc dù đã bước vào vụ nuôi mới nhưng người nuôi tôm trong tỉnh không dám mạnh dạn thả nuôi, vẫn trong tư thế “ thủ”, bởi lẽ giá tôm giảm mạnh, thời tiết còn diễn biến khá phức tạp. Ngành chức năng dự báo, tới đây sản lượng nuôi trồng thủy sản vẫn tiếp tục sụt giảm.

Nuôi trồng gặp khó, kéo theo bức tranh về xuất khẩu cũng chẳng mấy sáng sủa. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi khó khăn khiến nông dân bất an, nhiều hộ giảm diện tích nuôi hoặc chưa dám thả nuôi, nên sản lượng tôm thiếu hụt.


Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thủy sản giảm mạnh, giảm hơn 7% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, những khó khăn do hội nhập đem lại như: Các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch, dư lượng kháng sinh, hóa chất, giá thành sản xuất cao… vẫn luôn là thách thức lớn đối với ngành hàng này. Cái khó nữa là tình trạng tôm nhiễm tạp chất. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 5 vụ bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, thẩm tra loại bỏ tạp chất và xử lý phạt tiền gần 150 triệu đồng.

Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết số vụ việc bị phát hiện rất ít so với thực tế vi phạm. Hầu hết các vụ bị phát hiện, xử lý chủ yếu là đang trên đường vận chuyển, một số ít tại cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu nhỏ lẻ; chưa phát hiện và xử lý tận gốc các tụ điểm bơm chích tạp chất tại địa phương…

Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), ông Ngô Thành Lĩnh cho biết, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang ảnh hưởng đến uy tín và sự cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Để phòng chống có hiệu quả vấn nạn này, cần có sự phối hợp của các ngành, các địa phương và trên cả nước, đồng thời có những chế tài xử lý mạnh các vi phạm.


Ngư dân cần nâng cao ý thức khai thác đi đôi bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Một cái khó nữa trong công tác phòng, chống bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu là sự phối hợp kiểm tra, ngăn chặn xử lý… chưa đồng bộ giữa các tỉnh, các địa phương giáp ranh và giữa các cơ quan quản lý.

Do đó, khi ngăn chặn ở tỉnh này, các đối tượng lại di chuyển sang tỉnh khác, làm tình hình thêm phức tạp; có trường hợp, khi bắt giữ hàng bơm chích tạp chất thì không ai đứng ra nhận. Kinh phí cho hoạt động ngăn chặn bơm chích tạp chất cũng rất hạn chế. Lực lượng tiến hành mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc nên thực hiện không được liên tục, chặt chẽ.

Chú trọng mô hình năng suất - chất lượng cao

Hiện nay, giá tôm trên đà tăng trở lại, người nuôi có lãi, nhưng sản lượng tôm nguyên liệu để phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang thiếu hụt. Trước tình hình đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi sớm lấp đầy diện tích nuôi tôm công nghiệp hiện có.

Kiểm soát chặt chẽ giá cả vật tư đầu vào, chuyển giao, nhân rộng mô hình nuôi tôm hiệu quả, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Về phía các doanh nghiệp nên lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể, hiệu quả và cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiết kiệm, trả nợ đúng hạn.

Ngành chuyên môn cần tập trung hướng dẫn cho người dân thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản có năng suất, chất lượng cao nhưng giảm giá thành sản xuất, nhằm thích ứng với diễn biến giá tôm trên thị trường, chú trọng xây dựng các mô hình tổ chức liên kết chuỗi sản xuất ngành hàng tôm.

Bên cạnh đó còn xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng giống, thức ăn, vật tư có chất lượng với các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ nuôi để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm.

Có thể nhận thấy nỗ lực của ngành Nông nghiệp cũng như tỉnh trong việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” và tiến tới liên kết “ 5 nhà” trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mà ở đây kinh tế mũi nhọn là thủy sản có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong cơ cấu ngành.

Những giải pháp phát triển bền vững kinh tế thủy sản cho năm 2016 cũng như gỡ khó cho ngành đã và đang được triển khai thực hiện với quyết tâm cao. Hy vọng ngành thủy sản Cà Mau vượt qua khó khăn, đạt thành tích tốt nhất trong năm nay, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới.

“Điều kiện nuôi tôm năm nay khó khăn nên sản lượng sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu. Dự báo các nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau chỉ có thể hoạt động khoảng 50 - 60% công suất. Chỉ tiêu xuất khẩu tôm năm 2016 mà tỉnh đưa ra hơn 1,2 tỷ USD, nhưng dự kiến chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD”, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), ông Ngô Thanh Lĩnh cho biết.


Nông dân vùng kênh Đông chưa mặn mà nuôi cá, tôm Nông dân vùng kênh Đông chưa mặn mà… Nông dân vùng kênh Đông chưa mặn mà nuôi cá, tôm Nông dân vùng kênh Đông chưa mặn mà…