Cách lạ: Thay máu cho vườn nhãn già cỗi, anh Xôm rôm rả thu tiền
Thực hiện “trẻ hóa” vườn nhãn già cỗi bằng cách ghép cải tạo, mỗi khi mùa nhãn về, anh Lò Văn Xôm – Bí thư Chi bộ bản Kéo, xã Huổi Một (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) lại kiếm được bộn tiền từ bán quả tươi.
Vườn nhãn ghép của anh Xôm, cây nào cũng trĩu quả, bình quân đạt khoảng 100kg/cây.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn nhãn cạnh nhà, cây nào, cây nấy quả sai lúc lỉu, anh Xôm phấn khởi, cho biết: "Sau khi tôi thực hiện ghép cải tạo vườn nhãn, vụ nào cây cũng sai trĩu chịt, không còn hiện tượng cây không đậu quả hay lưa thưa vài chùm như trước".
Năm 2012, anh Xôm có ý tưởng “thay máu" cho vườn nhãn bên hông nhà. Ban đầu, anh nghĩ là sẽ phải chặt bỏ để trồng mới vì vườn nhãn đã trồng được tới hơn 10 năm. Nhưng khi đến bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong (huyện Sông Mã), tìm hiểu, anh được nhiều người trồng nhãn giỏi nơi đây cho biết, không cần phải chặt cây cũ mà vẫn có cách để “trẻ hóa” vườn nhãn bằng cách ghép cành. Cách này vừa có thể thu hoạch sớm mà năng suất, chất lượng quả cao hơn, cây lại khỏe hơn. “Được lời như cởi tấm lòng”, anh Xôm phấn khởi, quyết định làm theo chỉ dẫn của người dân nơi đây.
Thu hoạch xong vụ nhãn năm 2012, anh Xôm cưa, đốn cành của 60 cây nhãn trong vườn để thử nghiệm. Tháng 4/2013, vì chưa nắm bắt được kỹ thuật nên anh đã mua cành giống được cắt tỉa, chọn lọc từ những cây nhãn đầu dòng (giống nhãn lồng Hưng Yên), ở bản Hải Sơn và thuê người đến ghép. Nhờ chăm bón đúng kỹ thuật, vườn nhãn phát triển xanh tốt. Năm 2014, từ 60 gốc nhãn mới ghép, anh thu được hơn 4 tấn quả tươi, lãi hơn 50 triệu đồng, cao gần 10 lần so với năm 2012.
Anh Xôm cho biết, vụ nhãn vừa rồi, anh Thu gần 100 triệu từ vườn nhãn bên hông nhà.
Vui mừng và tin tưởng vào "phép mầu", anh Xôm tiếp tục ‘thay máu” cho hơn 300 gốc nhãn giống địa phương, trồng từ năm 2005 ở trên nương của gia đình. Lần này, anh tự ghép chứ không phải thuê như lần trước. Anh Xôm chia sẻ: "Thời kỳ ghép cành tốt nhất là tháng 4 hàng năm. Từ gốc cây sau khi cưa đốn, mỗi cây giữ lại 5 cành cấp 1 để ghép. Sau khi cành ghép bật mầm và phát triển thành thục thì bấm ngọn. Khi cành ghép mọc nhiều chồi mới thì tỉa định chồi để quyết định số cành cho quả".
Cũng theo anh Xôm, sở dĩ, vườn nhãn nhà anh ra quả đều và sai như vậy là do được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài việc cân đối giữa bón phân vi sinh và phân NPK đối với các thời điểm ra hoa, ra quả... anh còn thường xuyên tưới đủ ẩm vào các thời kỳ nhãn sinh trưởng lộc, chuẩn bị ra hoa, nở hoa và quả phát triển. Anh Xôm thông tin: "Làm sạch cỏ xung quanh gốc nhãn cũng rất quan trọng, vừa hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng vừa tránh được sâu bệnh gây hại, giúp cho cây nhãn sinh trưởng phát triển tốt. Bây giờ gần 400 gốc nhãn ghép của tôi, mỗi năm ít nhất cũng thu hơn 200 triệu đồng".
Theo anh Xôm, để nhãn phát triển tốt, qua sai, cần phải làm cỏ thường xuyên xung quanh gốc.
Có nguồn thu cao, ổn định nên ngoài gần 400 gốc nhãn của gia đình, vừa qua anh Xôm còn mua thêm hơn 2 ha nhãn của người dân trong bản với dự định sang năm sẽ ghép cải tạo hơn lại diện tích nhãn đó.
Nhờ trồng nhãn, cuộc sống gia đình anh Xôm đã bước sang trang mới. Cơ ngơi của anh bây giờ là một ngôi nhà 3 tầng mới xây, nằm sững sững ngay mặt đường nội bản. Trong nhà anh có đầy đủ tiện nghi như: ti vi, tủ lạnh...
Trên cương vị Bí thư Chi bộ bản Kéo, anh Xôm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh đến từng hộ vận động bà con thực hiện ghép cải tạo lại vườn nhãn của mình. Nhiều hộ tin tưởng làm theo và cũng bắt đầu khá lên nhờ có thu nhập cao hơn từ nhãn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ