Cái giá của tự lực cánh sinh
Chính sách với nông nghiệp thời gian qua là lựa chọn tốt nhất trong điều kiện hạn hẹp.
Nhà nước nghèo, nông dân nghèo nhưng lại phải ưu tiên cho những lĩnh vực khác nên đành áp dụng chính sách “cởi trói” cho nông nghiệp mà ta hay gọi là “tự lực cánh sinh”.
Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong thời gian gần đây đang là mối quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và cả các cơ quan hữu trách.
Tuy vậy, đến thời điểm này mới có sự quan tâm như vậy phải chăng là… muộn, hay không muốn nói là quá muộn, thưa ông?
- Trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì ở mức tăng trưởng vào khoảng trung bình 3,5%/năm. Như vậy là thuộc loại rất cao ở châu Á và đặc biệt ở Đông Nam Á.
Vấn đề an ninh lương thực cũng được giải quyết rất tốt.
Việt Nam không những đủ cung cấp lương thực, thực phẩm cho 80-90 triệu dân, mà còn trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về một loạt nông sản. 7-8 loại nông sản có mức xuất khẩu trung bình hơn 1 tỷ USD/năm.
Ngoài ra, nông nghiệp phát triển đã tạo ra một nông thôn mới với bộ mặt hoàn toàn toàn thay đổi về điện, đường, trường, trạm, giao thông, nhà cửa… cho nên xã hội ổn định và môi trường được bảo vệ khá tốt.
Đối với toàn thể đất nước, lương thực, thực phẩm rẻ đã tạo ra giá lao động rẻ ở mức độ cạnh tranh cao nhất trên thế giới.
Lao động Việt Nam cần cù, sáng tạo và rẻ, cho nên dù nhiều điều kiện khác của nước ta thấp hơn so với các nước trong vùng, nhưng vẫn trở thành một trong những nước thu hút đầu tư nước ngoài vào mạnh nhất ở trong khu vực.
Tuy nhiên, động lực cho tăng trưởng này đến từ đâu? Nó chủ yếu đến từ việc khai thác rất mạnh mẽ các tài nguyên tự nhiên.
Toàn bộ tài nguyên được khai thác góp phần tạo ra tăng trưởng, cộng với lực lượng lao động dồi dào, trẻ, khỏe của Việt Nam.
Tuy nhiên, các nguồn động lực đó đến nay đã đến mức giới hạn. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại cung cách tăng trưởng, cơ cấu phát triển để có thể đảm bảo cho quá trình xây dựng công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước trong giai đoạn tới vững bền, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, với chính sách quản lý ngành nông nghiệp như hiện nay rất khó có thể tạo ra bứt phá, thưa ông?
- Theo tôi, chính sách với nông nghiệp thời gian qua như thế có thể coi là lựa chọn tốt nhất trong điều kiện hạn hẹp. Nhà nước nghèo, nông dân nghèo nhưng lại phải ưu tiên cho những lĩnh vực khác nên đành áp dụng chính sách “cởi trói” cho nông nghiệp mà ta hay gọi là “tự lực cánh sinh”.
Tôi cho rằng, chính là nhờ những chính sách như thế này mà nền nông nghiệp nước ta phát triển trong 30 năm qua với tốc độ 3,5%/năm là rất thần kỳ, đáng phục.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng với kiểu chính sách “tự lực cánh sinh” như hiện nay không thể đưa nông nghiệp nước ta phát triển đi xa hơn!
Cái “được” của nông nghiệp vô cùng to lớn. Nhưng cái giá mà nông nghiệp phải “trả” cũng không hề nhỏ nếu không nói là rất đáng lo ngại, đáng quan tâm.
Ông có thể nói rõ hơn cái giá mà nông nghiệp phải “trả”?
- 5 năm gần đây tăng trưởng nông nghiệp giảm dần. Vốn đầu tư cho nông nghiệp dù tăng về giá trị tuyệt đối nhưng vẫn giảm về giá trị tương đối và còn rất ít so với đóng góp to lớn của nông nghiệp.
Vì thế, cơ sở hạ tầng ngày càng kém. Phần lớn đầu tư của nhà nước tập trung vào công nghiệp, đô thị, dịch vụ ở 2 vùng kinh tế trọng điểm là xung quanh TP Hà Nội và TP HCM…
Tức là nội lực của đất nước dồn vào những chỗ đó. Phần lớn địa bàn nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp vẫn tự xoay sở.
Những vùng sản xuất trọng điểm chủ lực cực kỳ quan trọng của nông nghiệp như ĐBSCL, Tây Nguyên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những vùng này làm gì có đường sắt, đường cao tốc, thiếu cảng biển. Bao nhiêu viện nghiên cứu, trường đại học tập trung ở Hà Nội, TP HCM.
Những tri thức, kiến thức cần thiết cho nông nghiệp tập trung ở Hà Nội, TP HCM chứ không ở nông thôn. Vậy làm gì có nghiên cứu thị trường, phát triển thị trường? Làm gì có kho tàng, làm gì có chế biến?
Vì thế, nông nghiệp phát triển không có giá trị gia tăng, hiệu quả thấp. Dễ hiểu vì sao tăng trưởng nông nghiệp ngày càng giảm, năng suất lao động thấp, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm kém, dịch bệnh tăng… Nhưng việc này vượt ra khỏi năng lực quản lý của ngành nông nghiệp.
Vậy là chúng ta cần phải thay đổi những gì, thưa ông?
- Chính phủ đã ban hành đề án tái cơ cấu nền kinh tế và sau đó Bộ NN-PTNT cũng ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong 63 tỉnh, thành thì mới có hơn 20 tỉnh, thành có đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang được chuẩn bị. Và đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng không thể nào thực hiện thành công nếu các ngành khác, cũng như toàn nền kinh tế chưa đi vào tái cơ cấu một cách triệt để.
Vì thế, những thành tích trong thời gian qua là tín hiệu cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng.
Một phần năm nay mưa thuận gió hòa, bệnh dịch năm nay được kiềm chế tốt; thị trường trên thế giới ở nhiều lĩnh vực bắt đầu cải thiện trở lại… chính vì thế, tăng trưởng trong nông nghiệp bước đầu là khá tốt.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã thấy những chuyển biến mới, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, kể cả ở phía địa phương trong việc bắt đầu tiến mạnh về tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là việc xác định các ngành hàng chủ lực.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu.
Động lực trong tương lai của chúng ta là phải chuyển hẳn từ tài nguyên sang trí tuệ, chuyển hẳn từ các vật tư, các tài sản sẵn có như đất, nước, rừng, biển… sang khai thác tài nguyên, quan trọng nhất là tài nguyên con người.
Như vậy, chúng ta phải tập trung phát triển rất mạnh về khoa học công nghệ, tập trung rất mạnh vào xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Đồng thời, làm rất tốt công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực; làm một bước thay đổi hết sức quan trọng trong việc cải tiến thể chế, bao gồm cả về tổ chức lẫn cơ chế, để tạo ra động lực mới cho cán bộ, cho nhân dân, cho doanh nhân.
Đây không phải là công việc trong vòng 1-2 năm, thậm chí không phải là công việc trong 3-5 năm, mà đây là cả một bước thay đổi phải tiến hành trong hàng chục năm, nhưng mà chúng ta đã đi những bước đầu tiên hết sức quan trọng.
Nhưng đó mới chỉ là những chính sách tổng thể, thưa ông?
- Chúng ta cũng phải hướng tới cả thị trường khó tính, chất lượng cao, giá cao… bởi đây chính là tiền đồ của nền nông nghiệp Việt Nam vào giai đoạn mới.
Vì hiện nay, kinh tế thế giới đang hồi phục và phát triển. Tương lai, loài người có hai thứ tăng mạnh cả dân số và thu nhập. Ở Việt Nam, mỗi năm có hàng triệu người bước vào giới trung lưu.
Trung Quốc có hàng chục triệu người. Nếu tính cả Ấn Độ, Đông Nam Á và cả châu Á là vùng phát triển kinh tế năng động nhất thế giới thì mỗi năm, tại châu Á - Thái Bình dương, có hàng trăm triệu người gia nhập giới trung lưu.
Trên thế giới, dân số đô thị đã vượt quá 50%. Xu hướng dân số đô thị ngày càng tăng, dân số nông thôn ngày càng giảm.
Như vậy, thị trường đang chuyển qua thị trường của thị dân, thị trường của người có tiền. Họ không ăn nhiều gạo, ngô mà chuyển qua ăn thịt, cá. Cá thì họ chuyển sang ăn đồ biển nhiều hơn.
Thịt thì chuyển sang ăn gia cầm, thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu và sữa. Trong đồ dùng thì họ bớt dùng đồ sắt, plastic mà chuyển qua dùng đồ gỗ, đồ da, giấy… Nghĩa là, nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp cao cấp hơn.
Như vậy, kết cấu của nông nghiệp đòi hỏi phải chuyển hướng khác hoàn toàn về chủng loại và chất lượng, có giá trị gia tăng cao hơn.
Nghĩa là, nếu 1 ha trồng lúa thu nhập được 1 thì chuyển qua trồng rau thu nhập được 3-4; 1 ha cây ăn quả thu nhập được 4-5 chuyển qua trồng thuốc, hoa, năng lượng sinh học được gấp hàng chục lần.
Đây là nền nông nghiệp khác biệt hẳn nền nông nghiệp hiện tại và cũng là thách thức rất lớn để có được thay đổi như thế.
Xin cảm ơn ông !
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ