Mô hình kinh tế Cam Bù Hương Sơn

Cam Bù Hương Sơn

Ngày đăng 23/06/2013

Cam Bù Hương Sơn

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người Hương Sơn lại thi nhau ra vườn hái chọn lấy những quả cam bù đẹp nhất trong vườn đưa vào đặt lên bàn thờ cúng Tổ tiên bằng cả tấm lòng qua một năm gặt hái. Bởi vào dịp tết cổ truyền dân tộc là cam bù Hương Sơn lại vào mùa thu hoạch.

Ngoài việc kinh doanh mua bán hái ra bạc tỷ giá trị từ cam bù, người dân ở Hà Tĩnh đi đâu, đến đâu trong túi họ cũng có dăm bảy quả cam bù để làm quà biếu bạn bè ba ngày tết, họ xem cam bù như một loài cây thiêng liêng không thể thiếu được.

Những ngày áp tết, chúng tôi trở lại huyện Hương Sơn, quê hương nổi tiếng về loài cây ăn quả đặc sản cam bù; qua huyện Đức Thọ, qua cầu Kềnh Tàng là ta đã đặt chân ngay vào bản địa Hương Sơn. Đi dọc theo đường 8A, phóng tầm mắt lên các ngọn đồi hai bên đường là những vườn cam chín mọng vàng ruộm như những chuổi ngọc khoe mình dưới ánh nắng xuân.

Qua lời giới thiệu của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Duy Trinh chúng tôi tiếp cận ngay “thủ phủ” cam bù xã Sơn Trường. Sơn Trường là một trong những xã đứng hàng đầu về diện tích cây cam bù, ông Lê Xuân Cúc Chủ tịch UBND xã vui vẻ cho biết: “Toàn xã hiện có trên 110 ha cam bù, chủ yếu tập trung ở các xóm 3,5,6,7,8,9…

Ngoài phát triển ở các trang trại ra, nông dân Sơn Trường còn trồng cam ở vườn nhà để tăng thêm thu nhập, cũng theo Chủ tịch xã; hầu hết 100% nông dân Sơn Trường chúng tôi ai cũng trồng cây cam bù. Đây là cây ăn quả đặc sản, đưa lại giá trị kinh tế rất lớn, bình quân 1 ha cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng, vườn cây nào được chăm sóc tốt thu nhập đạt hàng tỷ đồng/ha/năm.”

Ghé thăm nhà cụ Nguyễn Thị Phúc 90 tuổi, ở xóm 6 cụ Phúc một trong những người sống chết với cây cam bù. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng thỉnh thoảng cụ vẫn chống gậy ra vườn, đếm từng gốc cam như nâng niu trò chuyện với từng cây một, bởi tuổi của cụ Phúc đã gần ngót nghét thế kỷ, vã lại trong vườn nhà cụ cũng có những gốc cam ngang hàng tuổi của cụ.

Qua tìm hiểu chúng tôi càng hiểu về giá trị của cây cam bù. Cam bù được xuất hiện trên đất Hương Sơn như một loài cây bản địa, mọc tự nhiên khắp nơi, vào những năm 60 sau khi phát hiện ra cây ăn quả có giá trị, nông dân Hương Sơn mới đua nhau ồ ạt trồng cam bù để làm giàu. Một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cây ăn quả có múi nhận xét về cam bù Hương Sơn: Giá trị của cam bù thì khỏi phải bàn, bởi cam bù Hương Sơn hình thức bên ngoài tạo hoá hình bầu tròn trỉnh, lúc chín cam bù có màu sắc vàng ruộm, nhìn bên ngoài đã muốn thưởng thức rồi, khi bóc quả cam ăn, du khách không cần phải dùng bất kỳ một loại vật cứng hợp kim nào mà chỉ dùng ngón tay trỏ là bóc được cả quả cam nguyên vỏ, nguyên ruột. Những quả cam chín mọng, múi thường căng đầy mật, khi bóc phải hết sức nhẹ nhàng không để múi cam bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến hương vị tinh khiết của loài quả đặc sản này.

Thưởng thức múi cam bù hương vị dịu ngọt trong đó như chứa chất hàm lượng của thiên nhiên tạo hoá ban tặng. Người Hương Sơn họ cho rằng; loài cây cam bù này như “vị cứu tinh” những lúc nông dân khốn khó, nhưng cây cam bù khá khó tính bởi loài cây này chỉ chấp nhận bón phân hữu cơ (phân chuồng) thôi, còn nếu ai đó sử dụng các loại phân hoá học để bón là cây trở chứng ngay.

Vì thế người Hương Sơn xem cây cam bù như cây bản địa tự nhiên nên hương vị, giá trị của cam bù không những thưởng thức ngọt lịm mà còn là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể…Nhà nông ở Hương Sơn mỗi khi trời nắng đi làm đồng về mệt lã, bóc quả cam bù ra ăn chỉ sau vài phút là khoẻ lại ngay. Ngày tết ai đó có vui bạn bè uống hơi quá chén chỉ cần vắt ít nước cam bù cho uống là hết say ngay.

Chủ tịch xã dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình trang trại trồng cam của gia đình Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Hợi, đứng giữa trại cam đang vào độ chín rã, anh Hợi cho biết: “ HTX chúng tôi có 15 thành viên, sản xuất trên 6 ha cam với trên 2.500 gốc, riêng gia đình tôi trồng hơn 400 gốc, 5 năm lại nay trừ hết các chi phí, gia đình tôi còn lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm, cũng nhờ cây cam mà nay nhà tôi đã thoát nghèo có cuộc sống sung túc hơn”.

Ngoài gia đình anh Hợi còn có nhiều hộ dân như gia đình anh Tuất, ông Mạnh, ông Chân…nhờ trồng cam mà nay trở thành triệu phú, tỷ phú. Cũng theo anh Hợi cho biết, cây cam bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiểu quả kinh tế hàng đầu trên đất Hương Sơn gấp 10-20 lần so với các cây trồng khác. Đặc biệt, trong ngày tết cam bù là sản phẩm phù hợp làm quà dâng hiến tổ tiên, làm quà biếu anh em, bạn bè gần xa; phong tục ngày tết của người Hà Tĩnh, thiếu gì thì thiếu chứ đĩa cam bù đặt lên bàn thờ là không thể thiếu được. Chưa có quả cam bù đặt lên bàn thờ thì chưa gọi là tết”.

Rời “thủ phủ” cam bù Sơn Trường, chúng tôi đến thăm trang trại cam bù gia đình anh Nguyễn Xuân Linh ở xã Sơn Mai, một trong những trang trại cây ăn quả lớn nhất nhì huyện Hương Sơn. Năm 2003 gia đình anh vay vốn ngân hàng đầu tư vào 10 ha cây ăn quả gồm cam, chanh…sau 3 năm, bỏ công chăm sóc vườn cây ăn quả nhà anh bắt đầu cho thu nhập dần đi vào ổn định. Riêng sản phẩm cam bù mỗi năm cho thu nhập từ 20-23 tấn/ha, với giá bán hiện nay 100 ngàn đồng/kg, gia đình anh cũng lãi ròng trên 2 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2009, cam được mùa lại được giá nên 10 ha cây ăn quả đã mang về cho gia đình anh trên 4 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Duy Trinh phấn khởi nói : “Hương Sơn chúng tôi có đến 72% diện tích là đất đồi núi, các cây trồng khác dù sống được trên chất đất này nhưng không cho năng suất, duy chỉ có cây cam bù là phù hợp với cả chất đất, điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng.

Toàn huyện hiện còn 124 ha trồng tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thuỷ…Cam bù là giống cây ăn quả đặc sản nên giá trị kinh tế của nó cũng rất lớn, trở thành cây trồng giúp người dân Hương Sơn thoát nghèo vươn lên làm giàu”. Cũng theo ông Trinh, do kỹ thuật thâm canh của người dân còn hạn chế, sâu bệnh hoành hành cộng với việc bà con thiếu vốn đầu tư nên mấy năm gần đây cam bù ở Hương Sơn đang giảm dần về diện tích từ trên 300 ha nay xuống xòn 124 ha.

Vì vậy để bảo tồn và phát triển giống cam bù đặc sản này, năm 2011 Bộ KHCN phối hợp với Viện rau quả Trung ương sẽ tổ chức chương trình tuyển chọn giống cây đầu dòng để cung ứng cho bà con; tỉnh và huyện sẽ xây dựng các chuyên đề phát triển cây ăn quả truyền thống trong đó có cây cam bù gồm: xây dựng nhà kính, nhà lưới để tuyển chọn giống; hỗ trợ dân vay vốn; tuyên truyền người dân phát triển cây cam bù; hỗ trợ tập huấn KHKT; đồng thời, cùng với người dân xây dựng thương hiệu cam bù thành sản phẩm hàng hoá phấn đấu đưa cam bù thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế của tỉnh.

Tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, trên mỗi bàn thờ tổ tiên của người dân nơi đây dù giàu hay nghèo cũng không thể thiếu quả cam bù với cặp bánh chưng xanh. Mặc dù người dân Hương Sơn vừa mới trải qua cơn lũ kép tàn khốc, nhưng cuộc sống nơi đây đang được hồi sinh dần bởi họ luôn được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và của cộng đồng. Ngoài những tình cảm quan tâm trên, với người dân Hương Sơn họ vẫn xem cây cam bù vừa là cây XĐGN vừa là một nét văn hoá riêng không nơi nào có được.


Thoát Nghèo Và Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Biết Kết Hợp Sản Xuất Thoát Nghèo Và Vươn Lên Làm Giàu Nhờ… Làm Nông Nghiệp Thu 1 Tỷ Đồng/năm Làm Nông Nghiệp Thu 1 Tỷ Đồng/năm