Cần tiếp sức người nuôi bò
Thực trạng
Cách đây hơn 10 năm, anh Trần Văn Thời (xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) được cha mẹ cho cặp bò cái để nuôi. Đến nay, đàn bò cũng chỉ dừng lại ở mức 8 con, muốn nuôi nhiều hơn thì không có đất trồng cỏ, xây dựng chuồng trại… Cuộc sống hiện tại của gia đình so với 10 năm trước cũng chẳng khác gì. “Nhà có 5 người, 2 vợ chồng và 3 đứa con, mọi chi phí chỉ trông chờ vào đàn bò này. Mỗi lần bán 1 con bò được vài chục triệu đồng nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Trong số tiền đó, vừa phải lo cho con ăn học, vừa dùng tiêu xài hàng ngày, rồi chi phí cho việc nuôi bò… Hơn 10 năm mà quy mô tổng đàn cũng bấy nhiêu, nghĩ thấy buồn” – anh Thời bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Châu (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) là một trong những nông hộ nuôi bò giỏi nhất tỉnh. Đàn bò cái của ông được nhiều người khen ngợi nhưng cuộc sống thì không tương xứng. Ông phân tích: “Tôi nuôi bò đến nay đã gần 20 năm. Tổng đàn lúc nhiều nhất lên tới 27 con, trung bình thì 10 con. Tôi tính, mỗi tháng thu nhập trên mỗi con bò là 1 triệu đồng. Với 10 con bò, tôi thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Nhà thì có 6 người, xài 10 triệu đồng/tháng chẳng đủ nên cuộc sống cứ đắp đổi qua ngày. Muốn nuôi quy mô lớn thì không có vốn”.
Hai hộ trên là điển hình cho hàng ngàn hộ nuôi bò trong tỉnh hiện nay. Nghề nuôi bò mới chỉ dừng lại ở mức “xóa đói, giảm nghèo”. Người nuôi bò hiện nay đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bởi mức thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng chẳng là bao.
Lối thoát
“Tôi thấy nghề chăn nuôi bò của nông dân trong tỉnh 10 năm trở lại đây phát triển mang tính chiều rộng hơn là chiều sâu. Có rất nhiều hộ nuôi bò nhưng quy mô nhỏ so với nông dân các nước có nền nông nghiệp phát triển như Úc, Mỹ, Canada. Để chăn nuôi bò phát triển, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, giống lẫn kỹ thuật. Nên thay đổi tư duy là nuôi bò để làm giàu, chứ không nên đề cập đến việc nuôi bò để xóa đói giảm nghèo” – ông Lưu Văn Hạnh (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn), nói.
Hơn 10 năm qua, do cách làm ăn riêng lẻ nên nghề chăn nuôi bò trong tỉnh chỉ dừng lại ở quy mô nông hộ, quy mô trang trại thì chỉ mới phát triển trong 2 năm trở lại đây. Đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi bò. Những hộ tham gia làm nghề này rất dễ bị thương lái “ép giá”. “Tôi thấy giá trị của con bò không thua cá tra. Nếu cá tra nuôi để xuất khẩu thì con bò nuôi để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tại sao cá tra thì Nhà nước cho thí điểm thực hiện chuỗi giá trị nhưng bò lại không? Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng chuỗi giá trị nuôi bò, tiến tới xây dựng thương hiệu bò Bảy Núi, Chợ Mới hay Tân Châu...” - ông Phan Văn Bính (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) đề nghị.
Để chăn nuôi bò thực sự là một nghề giúp nông dân trong tỉnh làm giàu, thoát được bẫy thu nhập trung bình, ngành Nông nghiệp cần nhanh chóng đưa kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật – tài chính – thị trường cho sản phẩm bò thịt năm 2015 – 2016 vào thực hiện. Ngành Công thương giúp nông dân cập nhật thông tin về thị trường và thị hiếu tiêu dùng để tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc một cách thực sự để đưa lãi suất vay ưu đãi nông nghiệp xuống mức trần quy định (7%/năm). Đây là một thực tế cần giải quyết càng sớm càng tốt để ngành chăn nuôi bò của tỉnh phát triển.
“Mình có lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò mà để các doanh nghiệp đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh nhập khẩu thịt bò thì thật xót xa. Thịt bò Úc được nhập về giết mổ theo quy trình hiện đại, trong khi thịt bò của nông dân An Giang rất ngon nhưng bị thương lái bơm nước bẩn vào thì thử hỏi người tiêu dùng trong nước có chấp nhận không và chọn loại thịt nào để ăn” - ông Nguyễn Minh Luân (xã Phú Thạnh, Phú Tân) bức xúc.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ