Cần Trồng Vành Đai Bảo Vệ Vườn Cao Su
Bão số 10 quét qua tỉnh Quảng Trị đã gây thiệt hại hơn 2.100 tỷ đồng về tài sản, trong đó đáng kể nhất là thiệt hại về vườn cây cao su. Bão số 10 làm gãy đổ 10.000 ha cây cao su tập trung ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn đặt ra cho chính quyền các địa phương, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và người dân sự lựa chọn loại cây trồng và phương thức canh tác nào phù hợp trên vùng đất thiên tai thường xuyên rình rập này.
Huyện Vĩnh Linh có diện tích trồng cao su gần biển nên khi có gió bão lớn quét vào từ hướng biển thì vườn cao su rất khó chống chọi với gió bão. Thiệt hại chỉ tính riêng cây cao su gãy đổ do bão số 10 gây ra ước tính hơn 1.500 tỷ đồng. Cao su là cây công nghiệp dài ngày, thời gian đầu tư chăm sóc kiến thiết cơ bản lâu hơn nhiều loại cây trồng khác nên tốn nhiều vốn đầu tư và công chăm sóc.
Vòng đời từ khi trồng cho đến lúc kết thúc khai thác mủ của cây cao su khoảng 30 năm. Do vậy, trồng cao su trên vùng đất miền Trung thường xuyên bị thiên tai là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ nông dân trắng tay là rất lớn nếu không biết cách canh tác bền vững.
Trong hơn 20 năm qua, nhiều gia đình ở các địa phương có trồng cao su nhờ vào cây cao su đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, cuộc sống được thay đổi căn bản, nhưng bão số 10 vừa qua đã cuốn trôi thành quả lao động của người dân chỉ trong chốc lát… Cây cao su là loại cây có thân giòn không chịu được sức gió mạnh từ cấp 10 trở lên. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có biện pháp bảo vệ vườn cây cao su trong mùa mưa bão.
Thực tế trong hàng chục năm qua, mặc dù trồng cao su trên vùng đất có nguy cơ bão lớn thường xuyên đe dọa nhưng người dân chưa chú trọng đến việc trồng vành đai chắn gió. Một số người (trong đó có không ít cán bộ kỹ thuật) cho rằng diện tích trồng cây vành đai nên phát triển luôn cây cao su vì có thể lấy cây cao su bảo vệ cây cao su.
Quan niệm này hoàn toàn sai lầm và thực tế đã trả giá trong cơn bão số 10 vừa qua. Nếu lấy cây cao su làm vành đai bảo vệ cây cao su thì khi có gió lớn, cây cao su vốn thân giòn dễ gãy, vành đai cao su bị gãy thì không thể bảo vệ được vườn cao su phía trong.
Thực tế canh tác cao su tại Quảng Trị là người dân không chỉ không trồng cây tạo vành đai bảo vệ mà còn kiến thiết vườn cây với mật độ quá dày (quy định kỹ thuật bình quân khoảng 450 cây nhưng phần lớn nông dân trồng từ 550 cây/ha trở lên) vừa làm cho cây cạnh tranh về dinh dưỡng sức chống chịu kém, vừa tạo nên sức cản gió lớn làm cho vườn cây gãy đổ nhanh chóng khi bão lớn tràn qua.
Kinh nghiệm rút ra sau cơn bão số 10 là ngành nông nghiệp phát triển nông thôn và chính quyền địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng cao su và đảm bảo tính kỹ thuật khi thiết kế vườn cây cao su. Không nhất thiết phải trồng cao su trên tất cả các vùng đất đỏ ba zan của tỉnh mà chỉ ưu tiên phát triển cao su tại các vùng xa biển, kín gió, phù hợp với đất đai và thời tiết mới đảm bảo có hiệu quả và vững chắc hơn.
Đặc biệt cần thực hiện đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế tất cả các biện pháp kỹ thuật từ thiết kế vườn cây, chọn giống, mật độ trồng, kỹ thuật trồng, chế độ chăm sóc… Yêu cầu bắt buộc là phải trồng vành đai chắn gió. Cây trồng làm vành đai là các loại cây lâm nghiệp, nên chọn các loài có thân dẻo, sức chịu gió tốt như phi lao, tre… Vành đai chắn gió phải đủ rộng để tạo sức chắn gió cho vườn cây cao su.
Về kỹ thuật trồng nên trồng thành hàng dọc theo hướng gió bão từ biển thổi vào để các hàng cây cao su không trở thành vật cản gió mà có khoảng trống cho gió lùa, cây sẽ tránh được gãy đổ. Mật độ trồng chỉ nên trồng từ 450 - 500 cây/ha và nên chọn những giống cao su có sức chịu đựng gió tốt, năng suất mủ cao. Khi đưa vườn cây vào kinh doanh, không nên khai thác quá sức để dưỡng sức cho cây, tạo cho cây cao su có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện ngoại cảnh.
Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác và chọn đúng vùng trồng cao su phù hợp là biện pháp canh tác bền vững để cây cao su đứng vững trên vùng đất thường xuyên chịu tác động bất lợi của thiên tai bão lũ. Những vùng mặc dù có chất đất phù hợp trồng cao su nhưng gần biển thì chính quyền địa phương cần khuyến cáo nông dân không nên trồng cao su mà chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp khác để đảm bảo sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất giá trị thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ