Cây bắp lai ngự trị trên đất lúa kém hiệu quả
Khóm 4 thị trấn Cầu Quan có một phần diện tích đất sản xuất lúa và trồng cây ăn trái nằm cặp tuyến sông Hậu khoảng 150ha, với 206 hộ dân. Trước năm 2011 sản xuất của bà con ở đây còn gặp nhiều khó khăn do đối mặt với thời tiết, thiên tai, triều cường từ sông Hậu luôn đe dọa đến sản xuất.
Nhiều hộ dân ở đây phải điêu đứng trong những lúc triều cường dâng cao. Năm 2011, huyện Tiểu Cần đã chỉ đạo đắp đê ngăn triều cường bảo vệ mùa màng cho nhân dân. Với hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng tuyến đê bao kiên cố có tổng chiều dài hơn 7.600m, trong đó người dân hiến hơn 70.000m2 đất để cùng với nhà nước thực hiện công trình.
Từ khi có tuyến đê bao đã cơ bản ngăn được triều cường, sản xuất của bà con được ổn định và vùng đất này dần phát huy được tác dụng.
Vụ đông xuân 2014 – 2015, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Phòng NN – PTNT huyện Tiểu Cần và thị trấn Cầu Quan đã thực hiện dự án xây dựng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây bắp lai nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất.
Tham gia dự án có 34 hộ dân đăng ký trồng giống bắp lai NK66 trên diện tích 25,54ha. Giống bắp này có thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày. Anh Nguyễn Văn Nhân, nông dân tham gia mô hình so sánh, những năm qua gia đình tôi sản xuất luân canh 02 vụ bắp – 01 vụ lúa cho thấy lúa lợi nhuận không cao bằng bắp.
Cây lúa bón phân ít hơn cây bắp, nhưng sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn. Đối với vùng đất này lúa cho năng suất trung bình khoảng 40 giạ/công, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/công, còn cây bắp cho thu nhập khoảng 6 triệu/công. Tiến sĩ Lê Quí Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận xét, mô hình chuyển đổi trồng bắp trên đất lúa của huyện Tiểu Cần cho năng suất khá cao, khoảng từ 13 - 14 tấn bắp tươi/ha.
Tuy nhiên nếu như bà con ứng dụng máy móc vào trong quá trình sản xuất thay cho lao động chân tay như hiện nay thì sẽ giảm được chi phí, hạ giá thành và tăng thêm lợi nhuận từ 20 – 30%.
Dự án trên được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đầu tư cho nông dân 100% hạt giống, 30% vật tư như phân bón, thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ và 50% tiền mua máy xới phục vụ cho khâu làm đất trong mô hình. Ngoài ra nông dân trong mô hình còn được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc bắp.
Mục tiêu của dự án nhằm giúp nông dân ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT về trồng trọt, xử lý sau thu hoạch và tạo mô hình liên kết sản xuất trong chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi 200.000ha đất lúa kém hiệu quả.
Nhưng để sản xuất có hiệu quả, Tiến sĩ Lê Quí Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam khuyến cáo thêm, cây lúa và cây bắp cùng một họ thực vật, họ hòa thảo nên cùng nhiễm một loại bệnh khô vằn, bệnh thối thân. Vì vậy khi canh tác lúa với bắp liên tục nhiều vụ bà con cần chú ý đến việc xử lý tồn dư của vụ trước để cắt đứt mầm bệnh, nếu không mầm bệnh sẽ rất dễ phát sinh và lây lan làm ảnh hưởng đến năng suất bắp.
Đây là mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp hoặc trồng các loại cây màu khác đã phát huy tác dụng, là tiền đề để nhân rộng ở những xã còn lại của huyện Tiểu Cần, nhằm phát huy tốt tiềm năng đất đai, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo mà nghị quyết Huyện ủy Tiểu Cần đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ