Cây Cà Phê, Hướng Thoát Nghèo Cho Đồng Bào Dân Tộc Ở Hướng Hóa
Ngày đăng 20/04/2012
Nằm về phía tây tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa đến nay vẫn là huyện biên giới miền núi nghèo. Để tìm lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo, huyện Hướng Hóa đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo bền vững ở những xã đặc biệt khó khăn.
Đồng bào Pa Kô, Vân Kiều huyện miền núi Hướng Hóa thu hoạch cà phê.
Ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết: Dẫu còn nhiều khó khăn do địa hình đồi núi, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn khó khăn, nhưng nhân dân các dân tộc Kinh, Pa Kô, Vân Kiều đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn những cây, con mũi nhọn, có lợi thế vào trồng trọt để phát triển kinh tế, trong đó có cây cà phê. Hiện nay, cây cà phê đã được xác định là một trong những loại cây chủ lực của huyện, với tổng diện tích cây cà phê chè catimo hiện có khoảng 4.000 ha, diện tích thu hoạch trên 3.200 ha, sản lượng hàng năm đạt từ 5.000 - 6.000 tấn cà phê nhân. Bên cạnh việc đầu tư, chăm sóc, mở rộng diện tích, Hướng Hóa còn chú trọng đến việc thu hút đầu tư để xây dựng và phát triển các nhà máy chế biến cà phê, nhằm thu mua nguyên liệu và tăng thu nhập cho các hộ dân, góp phần thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện.
Xã Hướng Phùng được xem là “thủ phủ” cà phê trong huyện, diện tích cà phê ở đây chiếm tới 1/3 diện tích toàn huyện. Được trồng thí điểm từ năm 1995, đến nay diện tích cà phê của xã đã không ngừng được mở rộng. Nhờ cây cà phê mà nhiều hộ dân đồng bào dân tộc nơi đây đã thoát khỏi đói nghèo và đang vươn lên làm giàu. Ông Hồ Văn Khưn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng, cho biết: Nếu như những năm trước, cả xã có gần 40% số hộ phải đi làm thuê kiếm sống, thì nay rất nhiều hộ đã làm giàu nhờ cây cà phê, trong đó gia đình anh Hoàng Văn Thanh là một điển hình. Năm 1995, vợ chồng anh Thanh rời huyện Hải Lăng lên xây dựng vùng kinh tế mới tại xã. Được sự hỗ trợ của chính quyền và bà con dân bản, gia đình anh đã khai hoang trồng rừng, trồng cà phê. Mỗi năm mở rộng thêm diện tích và đến nay gia đình anh đã trồng được hơn 4 ha cà phê. Từ thu nhập của cà phê, anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các phương tiện đắt tiền, con cái học hành đàng hoàng. Còn gia đình ông Hồ Trung Xanh, ở thôn Cheng, lại là một trong những hộ đồng bào dân tộc trong xã đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, khai hoang hơn 4 ha trồng cây cà phê. Sau nhiều năm chăm bón, vụ thu hoạch đầu tiên được trên 40 tấn, thu nhập gần 80 triệu đồng. Thấy cà phê cho giá trị kinh tế cao, ông đã mở rộng diện tích và hiện nay ông đã có trên 6 ha cây cà phê.
Theo khảo sát của UBND xã Hướng Phùng, hầu hết những gia đình gắn bó với cây cà phê đến nay đều trở thành triệu phú như gia đình ông Phan Thành Danh (thôn Cổ Nhổi), Trần Trọng (thôn Doa Cũ), Hồ Trung Xanh (thôn Cheng)... Đến nay, toàn xã đã có trên 1.560 ha diện tích cây cà phê, mỗi năm cho sản lượng từ 10.000 - 12.000 tấn, mang lại trị giá hàng chục tỷ đồng. Cây cà phê đã giúp xã Hướng Phùng ngày càng thay da, đổi thịt, đời sống của nhiều hộ gia đình ngày một nâng cao. Nhờ phát triển cây cà phê, Hướng Phùng bây giờ không còn người đốt nương làm rẫy, cả xã có khoảng 25% hộ giàu và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 14%. Hướng Phùng đang trở thành một điểm sáng của huyện Hướng Hóa trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi đây đã có sự đổi thay, nhiều hộ gia đình đã có nhà cửa khang trang và mua sắm được vật dụng đắt tiền, con em được đến lớp, đến trường.
Để Hướng Hóa giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ - TTg Thủ tướng Chính phủ, trong đó có thực hiện thí điểm tại các xã: Thuận, A Túc, Hướng Phùng và Tân Liên. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là các loại cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao như: Cao su, cà phê, sắn, chuối... đồng thời, chú trọng công tác thâm canh, chuyên canh, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Tiếp tục đầu tư chăm sóc diện tích cây cà phê hiện có, phấn đấu trồng mới 100 ha cà phê trong năm 2012, đưa diện tích đạt 4.720 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 6.500 tấn. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giá cây giống cho nông dân thực hiện phục hồi vườn cây hết thời kỳ kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ