Tin nông nghiệp Chăm sóc cho vườn cây ăn trái trong mùa mưa

Chăm sóc cho vườn cây ăn trái trong mùa mưa

Tác giả Ks. Nguyễn Trung Hiếu - Trạm Khuyến Nông Châu Thành, ngày đăng 31/05/2018

Chăm sóc cho vườn cây ăn trái trong mùa mưa

Thông thường mùa mưa ở ĐBSCL kéo dài 6 tháng, bắt đầu vào đầu tháng 5 đến hết tháng 10. Mưa kéo dài cùng với nước lũ dâng cao làm ngập úng nhiều vườn cây, làm cho rễ cây bị hư do thiếu oxy, ngộ độc… Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm cho sức khỏe của cây suy giảm nghiêm trọng và chết hàng loạt.

Để vườn cây ăn trái phát triển tốt, cần áp dụng một số biện pháp sau:

- Xây dựng hệ thống đê bao, bờ vùng vững chắc, để ngăn nước lũ tràn vào. Đồng thời cần nạo vét kênh rạch, duy tu, sửa chữa cống đập, để khi cần thiết sẽ dễ dàng tiêu thoát nước, cứu vườn cây. Đây là việc cần làm trước tiên.

- Nếu gặp mưa lũ kéo dài, vườn cây bị ngập úng, cần nhanh chóng bơm hết nước ra ngoài bờ bao để tránh không cho vườn cây bị ngập kéo dài. Đào rãnh phụ sâu 40 cm để dẫn nước mưa thoát nhanh từ liếp ra mương. Đảm bảo mực nước ở mương phải thấp hơn mặt liếp 0,6 m.

- Hạn chế làm cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ trong mùa mưa vì cỏ là những bơm sinh học làm tầng đất sâu mau khô ráo, hạn chế bị đóng váng.

- Cắt tỉa bớt các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng.

- Hạn chế đi lại nhiều trong vườn trong mùa mưa vì vừa làm cho cây bị lay động gốc, rễ non bị đứt, nấm bệnh có điều kiện xâm nhập gây thối rễ, vừa làm cho đất ít kết chặt lại.

- Bón vôi vào đầu hay cuối mùa mùa mưa là điều rất cần thiết. Vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hoá giải các độc tố trong đất, cung cấp Canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái ngon hơn.

- Không nên bón nhiều phân đạm trong mùa mưa vì sẽ dễ kích thích cây ra đọt non, và khi vườn cây bị ngập úng sẽ tiêu hao nhiều dinh dưỡng, làm cho cây dễ bị suy yếu. Hạn chế bón phân hóa học trong giai đoạn này, nếu cấn thiết cỏ thể phun phân bón lá. Và cũng không nên bón phân hữu cơ, vì phân hữu cơ sẽ làm cho các vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy và khi đất bị ngập úng thì rễ cây sẽ không có đủ oxy để hô hấp.

- Nước mưa rất thích hợp cho nấm thán thư và nấm thối trái phát triển mạnh. Bào tử của chúng thường bám vào mặt lá, cành, vì vậy việc phun tưới nước hoặc rung cây để rửa nước mưa vừa có tác dụng loại bỏ môi trường thích hợp của nấm vừa làm cho bào tử theo nước xuống đất. Đây là việc làm đơn giản nhưng hiệu quả để hạn chế nấm bệnh.

- Để chống lại các bệnh trên chồi non, hoa và trái, cần tỉa cành cho vườn thông thoáng, phun thuốc gốc đồng, nếu có điều kiện nên bao trái. Nấm bệnh chủ yếu tấn công ở các chồi lá non, do đó nên dùng phân bón lá có đạm cao như Thiure sẽ giúp cây ra đọt đồng loạt và nhanh thành thục hơn cũng là biện pháp làm hạn chế nấm bệnh.

- Đối với những loại cây mẫn cảm với ngập úng, quang hợp của cây sẽ giảm rất nhanh sau 2-3 ngày bị ngập. Vì vậy, có thể phun thêm dung dịch đường Gluco qua lá, nhằm cung cấp thêm năng lượng cho cây hoặc các chất có chứa Cytokynin để giúp cây tăng cường khả năng chống chịu với ngập úng. 

Ngoài ra còn phải thực hiện chăm sóc vườn đúng quy trình kỹ thuật, nhằm giúp cho cây trồng phát triển khỏe; trong đó quan trọng là bảo vệ cho bộ rễ của cây ít bị tổn thương nhất, giúp cây trồng có khả năng chống chịu với những bất lợi trong mùa mưa lũ, cây trồng sẽ phục hồi lại sau khi nước rút./.


Kỹ thuật trồng cây Sapo (Phần 1) Kỹ thuật trồng cây Sapo (Phần 1) Hướng dẫn nhận biết sâu hại trên cây ăn quả có múi và biện pháp phòng trừ Hướng dẫn nhận biết sâu hại trên cây…