Chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp
Bò là vật nuôi gắn chặt chẽ với người nông dân Việt Nam từ ngàn xưa đến nay. Chăn nuôi bò không những cung cấp thịt, sức kéo, phân bón mà còn cung cấp nguyên liệu cho một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Đẩy mạnh chăn nuôi bò thực chất là tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân, song song với nó là cung cấp thịt đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Bài viết này đề cập tới sự thăng trầm của ngành chăn nuôi bò.
Chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam: Hiện trạng và giải phápỞ nước ta, lượng thịt trâu bò, dê cừu cung cấp cho thị trường trong nước trong những năm gần đây chỉ chiếm 7-9%.
I. Đặt vấn đề
Bò là vật nuôi gắn chặt chẽ với người nông dân Việt Nam từ ngàn xưa đến nay. Chăn nuôi bò không những cung cấp thịt, sức kéo, phân bón mà còn cung cấp nguyên liệu cho một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Đẩy mạnh chăn nuôi bò thực chất là tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân, song song với nó là cung cấp thịt đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Bài viết này đề cập tới sự thăng trầm của ngành chăn nuôi bò.Trong đó, công tác cải tạo giống, tạo bò lai theo hướng thịt và khả năng cung cấp thịt cho thị trường trong nước. Theo số liệu thống kê của FAO, 2012, 2013 tỷ lệ tiêu thụ các loại thịt trên thế giới như sau: thịt lợn trên 40%, thịt gia cầm gần 30 %, thịt trâu, bò, dê, cừu, hươu, ngựa 25 – 28%, số còn lại khoảng trên 1% là thịt của các vật nuôi khác (Cục Chăn nuôi, 2014).
Ở nước ta, lượng thịt trâu bò, dê cừu cung cấp cho thị trường trong nước trong những năm gần đây chỉ chiếm 7-9%. Cụ thể,năm 2013 là 8,85%, năm 2014 là 8,72% và năm 2015 là 8,54 %. Riêng tiêu thụ thịt bò chỉ chiếm 6,47% năm 2013, 6,38% năm 2014 và 6,25% năm 2015 (TCTK, 1/10/2015). Chính vì số lượng thịt trâu bò, dê, cừu trong nước cung cấp không đủ (chỉ nói số lượng, chưa nói chất lượng), một lượng trâu bò sống được nhập khẩu với mục đích giết thịt và một lượng thịt tinh, thịt có xương đã được nhập khẩu nhằm đảm bảo loại thịt này cho thị trường tiêu thụ trong nước. Năm 2015, nhập khẩu 419.952 trâu bò sống, thịt trâu bò không xương là 854 tấn, thịt trâu bò có xương là 4.845 tấn, thịt dê, cừu 890 tấn (báo cáo TCHQ, 1/2016).
II. Số lượng đàn bò từ năm 2010 – 2015
Đàn bò của nước ta năm 2001 có 3,8997 triệu con. Đàn bò tăng liên tục, đến năm 2007 đạt 6,7247 triệu con. Sự tăng liên tục này đã ghi dấu ấn trong chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam đến năm 2020 được Chính Phủ ký phê duyệt ngày 16/01/2008 (Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg). Trong chiến lược đã đề ra mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm của đàn bò là 4,8% và đạt 12,5 triệu con, trong đó tỷ lệ bò lai 50% ở năm 2020.
Do một số chính sách thay đổi, đất được giao cho các công ty hoặc tư nhân, hộ gia đình quản lý. Diện tích bãi chăn thu hẹp, thậm chí không có bãi chăn chung nên tỷ lệ sinh sản đàn bò giảm, chăn nuôi bò không hấp dẫn như chăn nuôi lợn, gia cầm. Vì thế, đàn bò không những không phát triển mà còn giảm sút. Sự giảm sút này bắt đầu từ vụ thu đông năm 2008, chính vụ rét năm 2008 đã làm hơn 210.000 trâu bò bê, nghé bị chết (Cục chăn nuôi, 2008, 2009).
Theo số liệu 01/10/2008 và 2009 của Tổng cục Thống kê, đàn bò nước ta vào thời điểm đó chỉ còn tương ứng là 6,3377 và 6,1033 triệu con. Như vậy, từ năm 2010 cho đến năm 2013, đàn bò Việt Nam liên tục giảm. Từ 5,916 triệu con năm 2010 giảm còn 5,156 triệu con năm 2013. Năm 2014, do nhu cầu thịt bò tăng nhanh, giá thịt bò cao so với giá các loại thịt khác, người chăn nuôi đầu tư vào chăn nuôi bò, đàn bò lại tăng. Năm 2014, đàn bò là 5,234 triệu con tăng lên và đạt 5,367 triệu con năm 2015. Sự tăng giảm của đàn bò tại các vùng sinh thái khác nhau không thay đổi đến cơ cấu đàn bò tại các vùng. Vùng chăn nuôi bò nhiều nhất nước ta là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, tỷ lệ đàn bò của vùng này luôn luôn chiếm khoảng 40% đàn bò trong toàn quốc. Vùng đứng thứ hai là miền núi và Trung du phía Bắc, vùng này đàn bò luôn chiếm tỷ lệ trên 17% đàn bò trong toàn quốc. Vùng có tỷ trọng đàn bò thấp so với toàn quốc là vùng Đông Nam Bộ, đàn bò chỉ chiếm khoảng 7%. Các vùng còn lại: Tây Nguyên, Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đồng Bằng Sông Hồng có tỷ lệ đàn bò gần giống nhau, tỷ lệ đàn bò trong các vùng chiếm 11 – 13% đàn bò trong toàn quốc.
Năm tỉnh nuôi bò nhiều nhất và luôn luôn có vị trí ổn định theo thứ tự là: Nghệ An, Gia Lai, Quãng Ngãi, Bình Định và Thanh Hóa.
Bảng 1a: Số liệu đàn đàn lai Việt Nam từ 2010 – 2012 (Tổng cục TK, 01/10 hàng năm)
Địa phương | 2010 | 2011 | 2012 | |||
(con) | % | (con) | % | (con) | % | |
Toàn Quốc | 2.204.047 | 37,25 | 2.268.635 | 41,73 | 2.295.264 | 44,19 |
Đồng bằng Sông Hồng | 424.419 | 64,22 | 399.914 | 66,28 | 371.180 | 71,77 |
MN &TD phía Bắc | 141.931 | 13,62 | 124.458 | 13,47 | 140.822 | 15,57 |
Bắc TB & DHMT | 825.820 | 34,52 | 812.959 | 37,90 | 873.548 | 41,53 |
Tây Nguyên | 119.418 | 17,19 | 119.842 | 17,39 | 136.727 | 20,80 |
Đ. Nam Bộ | 273.489 | 62,22 | 339.322 | 82,99 | 322.936 | 84,43 |
Đ.Bằng S.Cửu Long | 418.970 | 60,62 | 472.140 | 70,92 | 450.051 | 71,54 |
Bảng 1b: Số liệu đàn đàn lai Việt Nam từ 2013 – 2015 (Tổng cục TK, 01/10 hàng năm)
Địa phương | 2013 | 2014 | 2015 | |||
(con) | % | (con) | % | (con) | % | |
Toàn Quốc | 2.455.294 | 47,61 | 2.717.986 | 51,92 | 3.040.577 | 56,65 |
Đồng bằng Sông Hồng | 341.212 | 68,72 | 366.941 | 74,48 | 387.971 | 78,11 |
MN &TD phía Bắc | 154.537 | 17,23 | 162.694 | 17,90 | 180.494 | 19,14 |
Bắc TB & DHMT | 965.632 | 46,14 | 1.039.834 | 49,06 | 1.131.671 | 51,78 |
Tây Nguyên | 153.762 | 23,20 | 194.734 | 28,91 | 287.995 | 42,01 |
Đ. Nam Bộ | 323.118 | 88,55 | 333.884 | 92,41 | 348.702 | 94,98 |
Đ.Bằng S.Cửu Long | 517.033 | 80,30 | 619.899 | 91,45 | 689.011 | 97,91 |
Bảng 2a: Số lượng thịt bò hơi sản xuất trong năm 2010-2012
Địa phương | 2010 | 2011 | 2012 | ||||||
SLG thịt (con) | SL thịt (tấn) | KL.TB/con (kg) | SLG thịt (con) | SL thịt (tấn) | KL.TB/con (kg) | SLG thịt (con) | SL thịt (tấn) | KL.TB/con (kg) | |
Toàn Quốc | 1.819.756 | 278.911 | 153,27 | 1.848.379 | 287.169 | 155,36 | 1.866.232 | 293.639 | 157,34 |
Đồng bằng Sông Hồng | 204.070 | 29.486 | 144,49 | 213.040 | 31.046 | 145,73 | 209.155 | 31.946 | 152,74 |
MN &TD phía Bắc | 184.096 | 25.920 | 140,80 | 201.287 | 28.881 | 143,48 | 198.732 | 28.628 | 144,05 |
Bắc TB & DHMT | 744.619 | 114.313 | 153,52 | 736.561 | 116.475 | 158,13 | 787.662 | 121.196 | 153,87 |
Tây Nguyên | 214.102 | 32.615 | 152,33 | 219.406 | 32.524 | 148,24 | 211.219 | 32.607 | 154,322 |
Đ. Nam Bộ | 178.797 | 32.487 | 181,70 | 182.111 | 33.072 | 181,60 | 168.266 | 32.989 | 196,05 |
Đ.Bằng S.Cửu Long | 294.073 | 44.090 | 149,93 | 295.974 | 45.173 | 152,62 | 291.198 | 46.603 | 160,04 |
Bảng 2b: Số lượng thịt bò hơi sản xuất trong năm 2013-2015
Địa phương | 2013 | 2014 | 2015 | ||||||
SLG thịt (con) | SL thịt (tấn) | KL.TB/con (kg) | SLG thịt (con) | SL thịt (tấn) | KL.TB/con (kg) | SLG thịt (con) | SL thịt (tấn) | KL.TB/con (kg) | |
Toàn Quốc | 1.769.434 | 285.408 | 161,30 | 1.537.714 | 292.901 | 190,48 | 1.567.420 | 299.324 | 190,97 |
Đồng bằng Sông Hồng | 209.335 | 33.818 | 161,55 | 163.630 | 33.340 | 203,75 | 162.536 | 32.995 | 203,00 |
MN &TD phía Bắc | 185.271 | 28.426 | 153,44 | 170.983 | 30.104 | 176,06 | 169.821 | 30.363 | 178,79 |
Bắc TB & DHMT | 729.974 | 117.302 | 160,69 | 668.507 | 126.093 | 188,62 | 681.167 | 128.687 | 188,92 |
Tây Nguyên | 194.690 | 29.385 | 150,93 | 193.634 | 34.469 | 178,01 | 190.132 | 36.366 | 191,27 |
Đ. Nam Bộ | 161.369 | 29.960 | 185,66 | 105.613 | 24.172 | 228,87 | 109.908 | 24.265 | 220,78 |
Đ.Bằng S.Cửu Long | 288.849 | 46.517 | 161,04 | 235.347 | 44.721 | 190,02 | 254.856 | 46.648 | 183,04 |
III. Số lượng bò lai trong đàn bò
Bò lai ở đây đề cập đến là bò lai Sind theo chương trình Sind hóa đàn bò trước đây và Zebu hóa đàn bò hiện nay.
Từ số liệu ở Bảng 1 có thể nhận thấy:
– Số lượng đàn bò lai ở nước ta trong thời gian qua phát triển khá nhanh, tỷ lệ bò lai đã đạt: 56,65% trong đàn bò theo thống kê 01/10/2015, mặc dù trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 chỉ đưa ra con số là 50%. Nhìn lại sự phát triển, tỷ lệ bò lai cả nước ta năm 1995 chỉ là 12%, năm 1998 là 25% và năm 2005 là 30% (Cục Chăn nuôi, 2006), và năm 2010 là 37,25%. 25,25% tỷ lệ bò lai tăng trong giai đoạn này (1995-2010) ngoài sự hỗ trợ của các Dự án chương trình (Dự án World Bank 1995-1998, Dự án, chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zebu hóa, chương trình phát triển bò thịt trong nước từ năm 2000-2010) còn có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương các cấp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ trung ương đến địa phương và người chăn nuôi. Tốc độ phát triển bò lai rất nhanh 19,40% chỉ trong năm năm từ 2011- 2016 là minh chứng rất thuyết phục từ hiệu quả các chương trình cải tạo đoàn bò, chương trình phát triển bò thịt trong nước mặc dù trong năm năm qua không có sự hỗ trợ của dự án, chương trình nhà nước. Bò lai, chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zebu hóa và phát triển bò thịt đã được người chăn nuôi chấp nhận, ủng hộ cao.
– Tỷ lệ bò lai cao nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng này có tốc độ phát triển đàn bò lai nhanh nhất, vựơt cả Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Năm 2010, tỷ lệ bò lai ở vùng này chỉ đạt 60,62%, còn Đông Nam Bộ là 62,22% và Đồng bằng sông Hồng là 64,22%. Đến nay, năm 2015 tỷ lệ bò lai vùng này là 97,91%, còn vùng Đông Nam Bộ là 94,98%, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 78,11%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 51,78%. Tỷ lệ bò lai đạt thấp nhất là vùng miền núi và Trung du Bắc Bộ là 19,14%, tiếp đó là vùng Tây Nguyên là 42,01%.Tốc độ phát triển bò lai phụ thuộc nhiều yếu tố: tập quán chăn nuôi, nhận thức của người chăn nuôi, điều kiện môi trường kỹ thuật và các yếu tố xã hội khác. TP Hồ Chí Minh tỷ lệ bò lai đạt 100% đàn bò từ năm 2011, mặc dù trước đấy, năm 2010 tỷ lệ này mới chỉ đạt 24,13% (số liệu 01/10/2010 và 01/10/2011 -TCTK). Nhiều tỉnh có tỷ lệ bò lai đạt cao trên 70% như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam, Tây Ninh, Hậu Giang, Tiền Giang, Vinh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Bình Dương. Khu vực miền núi và Trung du phía Bắc tỷ lệ bò Lai thấp nhất, tỉnh Hà Giang đến nay (2015) tỷ lệ bò lai chưa đạt 1%, Điện Biên đạt gần 10%.
IV. Khả năng sản xuất thịt của đàn bò Việt Nam
Khả năng cho thịt của bò Việt Nam không cao do:
– Tầm vóc bé, sinh trưởng phát triển chậm, khối lượng trưởng thành theo các tài liệu điều tra, các báo cáo trong Hội nghị phát triển chăn nuôi bò thịt (Hội nghị phát triển bò thịt, 2008) đề cập chỉ 140 – 200 kg khi trưởng thành, tùy vào vùng và giới tính;
– Bò Việt Nam là bò kiêm dụng, người chăn nuôi Việt Nam chưa có thói quen vỗ béo bò trước khi giết thịt nên chất lượng thịt không cao, thịt dai.
– Khối lượng bình quân bò hơi giết mổ không cao, giao động từ 140 -220 kg/con.
– Khối lượng bò hơi giết thịt tại vùng Đông Nam bộ cao nhất, giao động từ 180 – 220 kg; khối lượng này thấp nhất là vùng miền núi và Trung du Bắc Bộ, giao động từ 140 – 178 kg. Khối lượng bò hơi nêu trên cũng phản ánh một phần nào về tập quán, môi trường, điều kiện và tỷ lệ bò lai có mặt trong đàn bò của các vùng.
– Khối lượng bò hơi giết thịt trong hai năm 2014, 2015 cao hơn những năm trước đó được lý giải: (1) Tỷ lệ bò lai trong hai năm này tăng cao, bò lai tăng, khối lượng giết thịt sẽ tăng. (2) Trong hai năm qua lượng bò sống được nhập khẩu từ Úc, Thái Lan về Việt Nam với mục đích giết thịt. Sau thời gian nhập về (2 – 6 tháng), số bò trên sẽ được giết thịt cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
V. Kết luận
– Đàn bò Việt Nam phát triển không ổn định và phụ thuộc nhiều yếu tố, tỷ lệ đàn bò lai trong đàn bò ngày càng cao. Lai tạo theo hướng Zebu hóa, tạo bò lai phát triển theo hướng thịt là xu hướng nâng cao tầm vóc và khả năng cho thịt của đàn bò Việt Nam.
– Khả năng cung cấp thịt của đàn bò Việt Nam thấp do tầm vóc bé, sinh trưởng phát triển không cao, khối lượng khi trưởng thành giết thịt thấp, giao động 150 – 220 kg.
– Tập huấn nâng cao nhận thức, kết hợp phổ biến những biện pháp kỹ thuật được áp dụng cho người chăn nuôi là biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để nâng cao số lượng và chất lượng đàn bò Việt Nam.
PGS – TS Hoàng Kim Giao
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn
Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ