Mô hình kinh tế Chăn Nuôi Gia Súc Gia Cầm Các Hộ Nhỏ Lẻ

Chăn Nuôi Gia Súc Gia Cầm Các Hộ Nhỏ Lẻ

Ngày đăng 28/10/2013

Chăn Nuôi Gia Súc Gia Cầm Các Hộ Nhỏ Lẻ

Theo nhận định của Sở Tài nguyên - Môi trường, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình đang gây ra vấn nạn về ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đặc biệt là khu vực vùng nông thôn.

Từ năm 2008, tỉnh đã triển khai Dự án sử dụng công nghệ khí sinh học (biogas) nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và góp phần tiết giảm chi phí cho người chăn nuôi; mặc dù việc xây dựng công trình biogas được nhà nước hỗ trợ nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không mặn mà.

Đàn heo của gia đình ông Nguyễn Phú Cường (19/5 tổ 1, ấp 5 xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) có khoảng 20 con. Ông Cường đã xây dựng công trình biogas để bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời tận dụng khí sinh học từ chăn nuôi để làm khí đốt.

Nhiều nơi xả thẳng chất thải ra môi trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 134 trang trại chăn nuôi gia súc với số lượng 140.000 con và 82 trang trại chăn nuôi gia cầm với số lượng hơn 1,5 triệu con. Trong đó, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình có khoảng 16.300 hộ, chiếm tỷ lệ 11%, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh khoảng 68%. Trong đó số hộ chăn nuôi có công trình biogas chỉ đạt 18%. Tình trạng hộ chăn nuôi không hợp vệ sinh, xả thẳng chất thải chăn nuôi ra môi trường chiếm hơn 30%.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường, việc xả thẳng chất thải ra môi trường từ các hộ chăn nuôi là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Hiện tượng chuồng gia súc, gia cầm nằm ngay cạnh khuôn viên nhà ở, chen chúc trong khu dân cư khá phổ biến ở khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Hồng Tý, Chủ tịch UBMTTQ xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 1.356 hộ chăn nuôi gia súc gia cầm, trong đó hầu hết là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung nhiều nhất là ở các ấp 1, 3, 6. Theo ông Tý, chỉ cần một gia đình nuôi 5 - 10 con heo không vệ sinh chuồng trại, xử lý phân không hợp lý thì tất cả các hộ xung quanh phải cùng chịu hậu quả, vì nguồn nước, không khí bị ô nhiễm và nguy hiểm hơn là việc lây lan dịch bệnh rất nhanh.

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, việc xử lý chất thải tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay phần lớn vẫn là chôn lấp do thiếu kinh phí và công nghệ. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn hạn chế.

Anh Nguyễn Văn Quang (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) hiện đang nuôi 30-50 con heo, gia đình anh vẫn chưa đầu tư công trình biogas. Anh Quang cho biết: “Chất thải từ việc chăn nuôi heo được chúng tôi cho thải ra 2 hố chứa, trời nắng thì lấy phân phơi, trời mưa thì hút nước lên tưới.... Ở đây cũng nhiều nhà chăn nuôi bằng hình thức này chứ không riêng nhà tôi”.

Nước thải từ chăn nuôi heo của hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (tổ 7, ấp Sông Xoài 1, xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) thải trực tiếp ra môi trường, trước hết là gây ảnh hưởng đến đời sống của chính gia đình bà.

Công trình biogas còn ít

Để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn chất thải chăn nuôi, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) đã triển khai “Chương trình khí sinh học dành cho chăn nuôi Việt Nam”. Chương trình do Hà Lan tài trợ kỹ thuật và một phần kinh phí.

Tại BR-VT, dự án hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học (biogas) được triển khai từ năm 2008. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Dự án khí sinh học (còn gọi là mô hình biogas) đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo nguồn năng lượng tái sinh sạch phục vụ đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Phú Cường (19/5 tổ 1, ấp 5 xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) cho biết: “Từ năm 2010, khi xây dựng hố biogas, chúng tôi không chỉ xử lý chất thải, nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực, mà còn tận dụng khí gas dùng để đun nấu thân thiện với môi trường, phụ phẩm dùng làm phân bón sạch... góp phần tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi”. ông Phạm Quang Hưng, kỹ thuật viên Dự án khí sinh học tỉnh, cho biết, xây dựng công trình biogas không những được hỗ trợ kinh phí mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các hộ chăn nuôi.

Vậy nhưng, theo đánh giá của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh, số lượng các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas còn rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Thành Tô, Phó Giám đốc Trung tâm nhận định, tiến độ xây dựng công trình biogas năm 2013 chậm, lý do là đầu năm, giá heo hạ nên người chăn nuôi bỏ chuồng.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cũng như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì chăn nuôi, dẫn đến nhiều hộ dân không xây dựng công trình biogas... Ông Tô cho biết thêm, nhiều hộ gia đình chưa nhận thức đầy đủ tác dụng của công nghệ khí sinh học nên xây dựng hầm quá nhỏ so với quy mô chăn nuôi hoặc sử dụng các công nghệ không phù hợp nên làm cho tuổi thọ công trình giảm thấp.

Một số hộ dân có thói quen xả cả nước có hóa chất khử trùng, vắc - xin phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm xuống bể chứa làm cho các vi sinh vật hiếm khí bị tiêu diệt nên hầm biogas không được phát huy tác dụng, làm giảm hiệu quả xử lý của các công trình...

Qua 5 năm thực hiện dự án sử dụng công nghệ khí sinh học, toàn tỉnh mới chỉ tiếp nhận hỗ trợ 900 hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học, chiếm tỷ lệ 5% so với con số thực tế. Mỗi công trình biogas được Trung ương hỗ trợ 1,2 triệu đồng và nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 3,375 triệu đồng. Trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phân bổ cho Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng 500 công trình biogas, nhưng đến hết tháng 9-2013, toàn tỉnh mới xây dựng 275 công trình, bằng hơn 55% chỉ tiêu.


Phát Triển Chăn Nuôi Dê Phát Triển Chăn Nuôi Dê Phạt 19,5 Triệu Đồng Đối Với 3 Hộ Nuôi Nhốt Động Vật Hoang Dã Phạt 19,5 Triệu Đồng Đối Với 3 Hộ…