Mô hình kinh tế Chăn Nuôi Theo VietGAHP

Chăn Nuôi Theo VietGAHP

Ngày đăng 25/01/2014

Chăn Nuôi Theo VietGAHP

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam - VietGAHP - để có nông sản sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường đang là tiêu chí quan trọng của nền nông nghiệp bền vững.

Là tỉnh thuần nông và đã có nghề chăn nuôi khá phát triển với nhiều loại vật nuôi có tính “đặc thù” và có tính cạnh tranh cao như bò sữa, heo hướng nạc, cá nước lạnh… chăn nuôi theo VietGAHP đã và đang được UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng cùng với các địa phương trong tỉnh triển khai tới tận từng cơ sở và hộ chăn nuôi.

Được Ngân hàng Thế giới tài trợ, Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm thuộc Sở NN-PTNT tỉnh (Dự án LIFSAP Lâm Đồng) từ năm 2011 tới nay đã xây dựng vùng ưu tiên chăn nuôi áp dụng VietGAHP theo quy mô nông hộ tại 4 huyện có tổng đàn heo - gà lớn và phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh là Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lâm.

Mục tiêu của vùng ưu tiên này là Nhà nước thông qua LIFSAP Lâm Đồng đầu tư, hỗ trợ và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng thành thạo quy trình VietGAHP vào thực tế sản xuất; sản phẩm chăn nuôi xuất chuồng phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo được mối liên kết và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng tới xây dựng các tổ hợp tác chăn nuôi… Theo số liệu của LIFSAP Lâm Đồng, từ năm 2011 tới nay đã có 800 hộ chăn nuôi (nuôi bình quân 12 con heo/hộ) tham gia dự án này.

Với nhiệm vụ đã được lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh giao, Ban Quản lý Dự án LIFSAP Lâm Đồng đã triển khai tại các địa phương trong vùng chăn nuôi theo VietGAHP các hoạt động truyền thông với các nội dung như: Thiết lập chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn; quản lý và sử dụng thức ăn chăn nuôi, quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi, quản lý công tác giết mổ gia súc - gia cầm, chợ bán thực phẩm tươi sống; thiết lập và hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nông hộ triển khai và sau đó nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo VietGAHP.

Kết quả của những hoạt động là tới nay, LIFSAP Lâm Đồng đã tổ chức thành công 97 buổi truyền thông tại các địa bàn với khoảng 4.500 lượt người tham gia, hỗ trợ cho 420 hộ chăn nuôi nâng cấp chuồng trại (trong đó có 40 hộ nâng cấp chuồng trại để làm mô hình trình diễn), 800 hộ chăn nuôi được hỗ trợ các dụng cụ và thiết bị sinh học phục vụ chăn nuôi an toàn như máng cho heo ăn (1.017 cái), đèn hồng ngoại và bình phun thuốc bằng điện (487 cái), 302 hầm bioga xử lý chất thải chăn nuôi (trong đó có 206/302 hộ nông dân chưa tham gia dự án) và 562 hầm ủ phân kèm hố sát trùng.

Song song với những hoạt động này, LIFSAP Lâm Đồng còn tiến hành các hoạt động giám sát an toàn thực phẩm trong vùng VietGAHP như giám sát chăn nuôi an toàn sinh học, giám sát thức ăn chăn nuôi, giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi giết mổ - chợ kinh doanh thực phẩm tươi sống.

Sau 3 năm triển khai vùng chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt - chăn nuôi theo VietGAHP tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lâm, các sản phẩm chăn nuôi (heo và gia cầm) đã được kiểm soát khá chặt chẽ ở tất cả các khâu từ chuồng trại, chất lượng con giống, thức ăn, phòng chống dịch bệnh tới giết mổ, xuất bán sản phẩm; các hộ chăn nuôi đã và đang từng bước nâng cao được hiệu quả chăn nuôi trong phát triển kinh tế hộ.

Tại các hộ tham gia chăn nuôi heo và gia cầm theo quy trình VietGAHP, tỷ lệ tiêm phòng vác xin cho vật nuôi đạt tỷ lệ trên 90% tổng đàn, tỷ lệ gia súc - gia cầm mắc bệnh chỉ còn dưới 0,84%, trọng lượng heo xuất chuồng bình quân trên 90 kg/con, lợi nhuận chăn nuôi của các hộ áp dụng VietGAHP tăng cao hơn 7% so với các hộ khác trong vùng.

Môi trường chăn nuôi trong vùng không bị ảnh hưởng xấu và phần lớn sản phẩm chăn nuôi đã đạt tiêu chuẩn an toàn. Việc xây dựng các hầm xử lý chất thải chăn nuôi (hầm bioga) còn giúp các hộ chăn nuôi mỗi tháng tiết kiệm được gần 300.000 đồng nhiên liệu dành cho đun nấu hoặc thắp sáng.

Ban Quản lý Dự án LIFSAP Lâm Đồng cho biết hiện nay các mô hình chăn nuôi theo VietGAHP đang thu hút được sự quan tâm của nhiều hộ chăn nuôi và đã có khả năng nhân rộng cao.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của các mô hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng tới việc thành lập liên minh giữa các nhóm trong vùng GAHP nhằm tạo lập mối liên kết bền vững giữa các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi với các nông hộ; hình thành chuỗi sản xuất thực phẩm thịt an toàn từ trang trại (cơ sở) chăn nuôi tới cơ sở giết mổ tập trung và chợ thực phẩm tươi sống để giảm chi phí sản xuất và ổn định tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi...


Tiêu Thụ Hơn 1 Nghìn Tấn Gà Đồi Yên Thế Tại Hà Nội Tiêu Thụ Hơn 1 Nghìn Tấn Gà Đồi… Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Cỏ, Nuôi Bò Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Cỏ, Nuôi…