Mô hình kinh tế Chăn Nuôi Xanh

Chăn Nuôi Xanh

Ngày đăng 17/05/2012

Chăn Nuôi Xanh
Đây là những quả trứng của những gà mái được nuôi chăn thả tự do trên đồng cỏ, ăn thức ăn hạt sản xuất tại địa phương và sử dụng năng lượng của mặt trời và gió thay cho năng lượng hoá thạch trong toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh của trại nuôi gà.

Bò sữa được nuôi theo chế độ giảm sản sinh khí mêtan (CH4), hạn chế tác động đến hiệu ứng nhà kính cũng được gọi là bò sữa “xanh” hay bò sữa thân thiện môn trường.

Vậy chăn nuôi “xanh” là gì, chăn nuôi “xanh” phải đảm bảo những yêu cầu nào?

Chăn nuôi “xanh” nhắm vào 3 yêu cầu, một là giảm thiểu ô nhiễm đất và nước, hai là giảm thiểu tác động đến hiệu ứng nhà kính và ba là giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Phân và nước tiểu của động vật nuôi một khi tích tụ lại thì các chất đạm (nitơ) biến thành khí amoniac (NH3). Trong điều kiện hiếu khí, amoniac được vi khuẩn biến thành nitrat (NO3), nitrat thấm xuống đất, một phần được vi khuẩn kị khí biến thành các khí NO, NO2, N2O, một phần khác đi vào nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nước (ngưỡng tối đa cho phép của nitrat trong nước uống là 44 mg/lít); khí N2O bay vào không khí có tác hại đến lớp ozôn của tầng khí quyển.

Ngoài khí N2O sinh ra từ phân và nước tiểu gây tác động hiệu ứng nhà kính, khí mêtan thải ra từ ống tiêu hóa của loài nhai lại cũng gây tác động này. Ở loài nhai lại, khi thức ăn vào dạ cỏ thì được vi khuẩn lên men biến thành axit béo và một số khí, trong đó khí mêtan chiếm một tỷ lệ khá quan trọng. Khí mêtan không được vi khuẩn sử dụng và được con vật thở ra ngoài. Một con bò sữa hàng ngày sản sinh khoảng 175 – 202 lít khí mêtan. Khí mêtan phá vỡ tầng ôzôn của lớp khí quyển, góp phần làm trái đất ấm lên. Khí mêtan tích tụ trong khí quyển với tốc độ hàng năm khoảng 1% và đóng góp khoảng 19% vào sự nóng lên của trái đất. Gia súc nhai lại đóng góp khoảng 15-20% tổng lượng khí mêtan sinh ra trên trái đất từ nguồn khí mêtan trực tiếp từ quá trình lên men ở dạ cỏ và gián tiếp từ nguồn phân trong quá trình phân giải yếm khí.

Những biện pháp nào để giải quyết những thách thức trên?

Đối với chất thải của chăn nuôi đã có nhiều phương án xử lý khá hiệu quả, đó là gắn chăn nuôi với trồng trọt, xử lý biogaz, ủ phân… Trong các biện pháp trên thì biện pháp gắn chăn nuôi với trồng trọt phải coi là một biện pháp quan trọng nhất.

Hệ thống VAC của nước ta là một hệ thống chăn nuôi bền vững nổi tiếng. Trong hệ thống VAC, động vật nuôi sử dụng sản phẩm cây trồng và cây trồng lại sử dụng chất thải của động vật. Gắn kết chặt chẽ trồng trọt với chăn nuôi vừa hạn chế được ô nhiễm môi trường từ chất thải của chăn nuôi vừa giảm được việc sử dụng phân đạm, lân và kali vô cơ, tiết kiệm được năng lượng hóa thạch để sản xuất các loại phân bón này.

Đối với chất thải là khí mêtan do loài nhai lại thải ra, thế giới cũng có nhiều biện pháp kiểm soát như cân đối tỷ lệ tinh/thô khẩu phần, tăng tỷ lệ khẩu phần thức ăn tinh một cách hợp lý, loại bỏ protozoa trong dạ cỏ (protozoa sử dụng khí hydro và khí carbonic sinh ra trong quá trình lên men thức ăn ở dạ cỏ để tổng hợp mêtan), bổ sung kháng sinh dạng ionophore như monensin, lasalocid và silomycin (các loại kháng sinh này thúc đẩy sinh trưởng của nhóm vi khuẩn lên men axit propionic, hạn chế sản sinh mêtan). Ngoài ra  người ta còn áp dụng những biện pháp khác như định mức số đầu bò được nuôi (đã áp dụng ở Cộng đồng Châu Âu), loại bỏ những con bò không có khả năng sinh sản hay năng suất sinh sản kém (đã áp dụng ở Ấn độ), đánh thuế mêtan để có kinh phí phát triển công nghệ hạn chế sự thải mêtan từ chăn nuôi.

Để hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong chăn nuôi, một chiến lược lớn đã được đưa vào chăn nuôi của các nước đang phát triển, đó là chiến lược tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta rất dồi dào, tuy vậy tỷ lệ phụ phẩm dùng vào chăn nuôi còn rất thấp (25-30 triệu tấn rơm lúa, 3 triệu tấn thân cây ngô sau thu bắp, 2 triệu tấn ngọn mía…mới chỉ sử dụng cho chăn nuôi khoảng 5-10% sản lượng, phần còn lại hầu hết bị đốt bỏ). Quả thật là chúng ta đã bỏ qua một nguồn thức ăn mà phải tốn rất nhiều năng lượng mới tạo ra được.

Ở châu Âu, trong chiến lược tiết kiệm nhiên liệu hoá thạch dùng vào chăn nuôi người ta đẩy mạnh việc dùng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, tăng cường sử dụng nguồn thức ăn sản xuất tại địa phương, giảm thức ăn nhập từ nước ngoài. Chính từ đây, những quả trứng “xanh” với giá rẻ đã xuất hiện trên thị trường.

Chăn nuôi “xanh” cũng gắn liền với chăn nuôi “sạch”. Các sản phẩm chăn nuôi sạch được đánh giá theo 3 tiêu chuẩn là vật lý, hoá học và vi sinh. Thịt, trứng, sữa…không chứa các vật ngoại lai sắc nhọn (vật lý), không chứa kháng sinh, hocmon đã bị cấm, không chứa kim loại nặng và hoá chất độc (hoá học), không chứa ký sinh trùng như giun bao, sán dây và vi trùng gây bệnh như Samonella, Campylobacter, E.coli,… (vi sinh), là những thực phẩm sạch.

Việt Nam đang còn là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông, chăn nuôi không những là phương tiện mưu sinh mà còn là phương tiện làm giầu của nông dân.

Trong điều kiện thuận lợi, nuôi 500 con gà thịt trong 6 tuần, sau khi trừ mọi khoản chi phi phí có thể thu về 7,5 triệu tiền lãi. Nuôi một lứa lợn thịt trong 2,5-3 tháng hay một lứa lợn nái trong 6 tháng có thể thu về một khoản tiền lãi 100 ngàn đồng/lợn thịt hay 700 ngàn đồng/lợn nái.

Chính vì thế chỉ trong 10 năm trở lại đây , chăn nuôi đã phát triển với tốc độ 8-10% mỗi năm, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2003 là 22,5% thì đến 2010 dự kiến sẽ tăng lên khoảng 30% so với tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông - lâm - ngư.

Tuy nhiên, tỷ trọng này càng lớn thì những thách thức về môi trường cũng ngày càng gay gắt. Thách thức về môi trường đối với sự phát triển chăn nuôi cũng là thách thức chung của tất cả các nước trên thế giới.

Chiến lược chăn nuôi "xanh" ra đời chính là vì những thách thức này.

Giống Ngô Ngọt Hoa Trân Giống Ngô Ngọt Hoa Trân Dùng Bột Đất Sét Điều Chỉnh Môi Trường Nước Dùng Bột Đất Sét Điều Chỉnh Môi Trường…