Mô hình kinh tế Chất cấm vì sao khó cấm?

Chất cấm vì sao khó cấm?

Ngày đăng 04/09/2015

Chất cấm vì sao khó cấm?

Báo cáo của Thanh tra Bộ NN&PTNT cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2015, Tp.HCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu lợn tại cơ sở giết mổ tại 51 lô và phát hiện 31 mẫu (của 7 lô) dương tính với chất cấm Salbutamol hàm lượng 80 - 1.300 ppb (mức cho phép chỉ 2 ppb).

Sử dụng chất cấm ở mức báo động

Trong 7 lô heo phát hiện dương tính chất Salbutamol, có 4 trường hợp có nguồn gốc từ Đồng Nai, 2 trường hợp từ Tiền Giang, 1 trường hợp tại Long An. Chi cục Thú y Tp.HCM đã lập biên bản xử lý với 7 thương lái có heo kiểm tra dương tính với chất Salbutamol.

Tại Tây Ninh, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện 25/38 mẫu, Bến Tre có 4/16 mẫu nước tiểu của heo dương tính với chất cấm. Tình hình diễn ra phức tạp hơn ở Đồng Nai, ông Hoàng Minh Đạo - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết vừa qua Chi cục đã kiểm tra 44 trang trại trong gần 2.000 trang trại trên địa bàn, phát hiện 14 trang trại ở các huyện Vĩnh Cử, Trảng Bom, Biên Hòa có heo dương tính với chất Salbutamol.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra (Thanh tra Bộ NN&PTNT), thừa nhận vấn đề chất cấm trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và ngành dọc của các địa phương này khá chậm.

Ông Dũng cho biết thông tin lạm dụng chất cấm mà đoàn có được chủ yếu qua báo, đài và người dân. Lẽ ra theo ngành dọc là phải thông báo cho Sở NN&PTNT, sau đó Sở thông báo cho Bộ NN&PTNT để chỉ đạo xử lý. Sự chậm trễ này khiến tình trạng sử dụng chất cấm gia tăng trong thời gian qua.

Đáng chú ý, ngay các một số doanh nghiệp dù đã cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện các mẫu dương tính. Điển hình là Công ty Anco (Đồng Nai) đã tiến hành mua lại heo đã xuất chuồng rồi sử dụng chất cấm trong quá trình vỗ béo. Ông Dũng cho biết Công ty Anco sở hữu 95.000 con heo nuôi tập trung tại các trang trại, bình quân mỗi tháng xuất bán ra thị trường tới 14.000 con.

Ngay cả doanh nghiệp lớn như CP cũng bị phát hiện có 2 trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo đại diện Công ty CP, công ty này đã ký hợp đồng với các trang trại là không được sử dụng chất cấm, nhưng do quản lý và giám sát không chặt chẽ nên các trang trại vẫn sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. CP cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này trong thời gian tới.

Ông Dũng cho biết, có hiện tượng, một số cá nhân, thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua heo đã xuất chuồng của các công ty để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10 - 30 ngày sẽ tăng thêm trọng lượng từ 20 - 30kg. Thường heo được thu mua có trọng lượng 80 - 90 kg, sau khi được vỗ béo bằng chất cấm sẽ có trọng lượng khoảng 120 - 130kg. Trừ đi chi phí, mỗi con heo sẽ cho lợi nhuận tăng thêm từ 0,5 - 1 triệu đồng.

Hiện có một kẽ hở là các công ty nuôi heo khi xuất bán cho thương lái thường có kèm theo phiếu tiêm phòng. Các thương lái dùng giấy tiêm phòng đó để trình cơ quan thú y, xin giấy kiểm dịch. Nếu cơ quan thú y không làm chặt khâu này sẽ vô tình tiếp tay cho thương lái vi phạm, đưa thịt heo không an toàn ra thị trường.

Sao nhãng trong quản lý

Trả lời băn khoăn của báo chí rằng tại sao chất cấm có dấu hiệu bùng phát mạnh, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng hiện nay, giá heo hơi ở mức khá cao, khoảng 45.000 - 47.000 đồng/kg, thậm chí 50.000 đồng/kg, nên người dân ham. Bên cạnh đó, chính thương lái là những đối tượng dụ dỗ và ép các hộ dân sử dụng chất cấm bung đùi, nở mông để heo đẹp, dễ bán. Nếu những hộ không sử dụng thì thương lái thu mua giá thấp hơn do độ nạc không cao.

Chính vì vậy, những trang trại nhỏ lẻ (nuôi từ 100 - 200 con lợn) thường nhập chất lượng con giống kém, đưa chất cấm vào sử dụng trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng nhằm thu lợi nhuận bất chính. Bên cạnh đó, sau một thời gian làm mạnh tay khiến chất cấm dịu đi, các địa phương có biểu hiện sao nhãng trong quản lý nên chất cấm có dịp bùng phát trở lại.

Theo ông Dương, nhiều ý kiến cho rằng chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe là không đúng. Thực tế đã có những doanh nghiệp bị phát hiện số tiền phạt lên tới hàng trăm triệu đồng, bị bêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng, đình chỉ hoạt động hàng tháng, tước giấy phép sản xuất thức ăn hoặc thuốc thú y có chất cấm vĩnh viễn… là những chế tài tương đối mạnh.

Ông Dương cho rằng giải pháp hữu hiệu là tuyên truyền tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Phải lên án việc sử dụng chất cấm ở cả hai khía cạnh pháp lý và đạo lý. Tuyên truyền sao cho người chăn nuôi chân chính phát hiện, tố giác người chăn nuôi vi phạm, kéo theo sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Quan trọng nhất là tuyên truyền để nhân dân tẩy chay loại sản phẩm này.

Tăng cường áp lực kiểm tra, tăng tần suất kiểm tra, các bộ ngành địa phương phải cùng vào cuộc quyết liệt. Cần xử phạt nghiêm minh sử dụng hết khung hình phạt do pháp luật quy định.

"Sử dụng chất cấm là tội ác, vì hàng trăm, hàng ngàn người tiêu dùng phải chịu ảnh hưởng sức khỏe", ông Dương bức xúc nói.


Xuất khẩu gạo mậu biên tại Myanmar vẫn diễn ra bất chấp lệnh cấm Xuất khẩu gạo mậu biên tại Myanmar vẫn… Bỏ quy hoạch con tôm, con cá các bộ tranh cãi quyết liệt Bỏ quy hoạch con tôm, con cá các…