Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 11/2021 tăng, sản lượng ngũ cốc năm 2021 đạt kỷ lục
Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức FAO, chỉ số giá thực phẩm thế giới (FFPI) tháng 11/2021 đạt trung bình 134,4 điểm, tăng 1,6 điểm (1,2%) so với tháng 10/2021 và tăng 28,8 điểm (27,3%) so với tháng 11/2020, đánh dấu tháng thứ tư tăng liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2011;
Trong đó giá ngũ cốc và sữa tăng mạnh nhất, tiếp theo là đường, trong khi thịt và dầu thực vật giảm nhẹ so với tháng 10/2021.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 11/2021 đạt trung bình 141,5 điểm, tăng 4,3 điểm (3,1%) so với tháng 10/2021 và tăng 26,6 điểm (23,2%) so với tháng 11/2020 do nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp, đặc biệt là lúa mì tiếp tục tăng tháng thứ năm liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2011 do sản lượng vụ thu hoạch ở Australia giảm, do mưa nhiều và lượng xuất khẩu của Liên bang Nga giảm. Giá lúa mạch thế giới cũng tiếp tục tăng do nguồn cung thắt chặt và do ảnh hưởng của giá lúa mì tăng. Giá ngô xuất khẩu tăng nhẹ do nhu cầu từ Achentina, Brazil và Ukraine tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế. Ngược lại, giá gạo thế giới nhìn chung vẫn ổn định trong tháng 11/2021, do nguồn cung của các nhà cung cấp châu Á đáp ứng đủ nhu cầu của các nước nhập khẩu.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 11/2021 đạt trung bình 184,6 điểm, giảm nhẹ (0,3 điểm hoặc 0,2%) so với mức cao kỷ lục trong tháng 10/2021 do giá dầu đậu tương và hạt cải dầu giảm nhẹ, trong khi giá dầu cọ hầu như không thay đổi và có xu hướng giảm do lo ngại COVID-19 bùng phát trở lại, dự đoán sản lượng giảm ở các nước sản xuất lớn. Giá dầu đậu tương và dầu hạt cải giảm nhẹ do nhu cầu giảm.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 11/2021 đạt trung bình 125,5 điểm, tăng 4,1 điểm (3,4%) so với tháng 10/2021 và tăng 20,2 điểm (19,1%) so với tháng 11/2020. Giá bơ và bột sữa thế giới tăng mạnh tháng thứ ba liên tiếp, do nguồn dự trữ cạn kiệt và nguồn cung cho xuất khẩu từ một số nước sản xuất sữa lớn ở Tây Âu giảm và sản lượng ở Australia giảm; trong khi nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu vẫn tăng mạnh, gây thêm áp lực tăng giá, tuy nhiên nhu cầu trong ngắn hạn chưa chắc chắn do ảnh hưởng của COVID-19. Giá pho mát tăng nhẹ do nhu cầu tăng và sự gián đoạn trong vận chuyển đã cản trở xuất khẩu.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 11/2021 đạt trung bình 109,8 điểm, giảm 1 điểm (0,9%) so với tháng 10/2021, giảm tháng thứ tư liên tiếp, mặc dù vẫn tăng 16,5 điểm (17,6%) so với tháng 11/2020; giá thịt lợn đã giảm tháng thứ năm liên tiếp, do Trung Quốc giảm nhập khẩu và đặc biệt giảm mạnh từ EU; giá trứng cũng giảm mạnh do nguồn cung cho xuất khẩu tăng, chủ yếu từ Australia. Trong khi, giá thịt bò vẫn ổn định, do giá thịt bò của Brazil giảm, trong khi giá xuất khẩu của Australia tăng do lượng gia súc giết mổ giảm trong bối cảnh nhu cầu tăng. Giá thịt gia cầm cũng ổn định do nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu, bất chấp những hạn chế về tình trạng thiếu container vận chuyển và dịch cúm gia cầm ở châu Âu và châu Á.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 11/2021 đạt trung bình 120,7 điểm, tăng 1,6 điểm (1,4%) so với tháng 10/2021 và tăng gần 40% so với tháng 11/2021 do giá ethanol tăng, nên ở Brazil - nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới sử dụng nhiều mía để sản xuất ethanol. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu trên thế giới tăng mạnh do chi phí vận chuyển hàng hóa giảm. Tuy nhiên, áp lực tăng giá đường thế giới bị hạn chế do nguồn cung từ Ấn Độ tăng và dự báo xuất khẩu đường của Thái Lan tăng.
Theo dự báo mới nhất của FAO công bố ngày 2/12/2021, dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2021 đạt mức 791 triệu tấn, đây là một kỷ lục mới tăng 0,7% so với năm 2020; sản lượng gạo và ngũ cốc thô toàn thế giới dự kiến sẽ tăng lần lượt 1,4% và 0,9%, trong khi đó sản lượng lúa mì giảm 1%.
Dự báo, tiêu thụ ngũ cốc thế giới trong năm 2021/22 sẽ tăng 1,7% lên 2 810 triệu tấn, trong khi dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối mùa vụ năm 2022 được dự báo sẽ giảm 0,9% so với đầu vụ. Tỷ lệ dự trữ trên tổng số lượng sử dụng là 28,6% chứng tỏ nguồn cung dồi dào.
FAO dự báo xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu trong năm 2021/22 sẽ tăng 0,7% lên 480 triệu tấn, trong đó xuất khẩu lúa mì dự kiến tăng 2,2%, dự báo xuất khẩu ngũ cốc thô sụt giảm.
Tình hình hạn hán đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở một số nước, đặc biệt là ở Đông và Tây Phi. FAO dự báo rằng 44 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có 33 quốc gia ở châu Phi, 9 quốc gia ở châu Á và 2 quốc gia ở châu Mỹ Latinh và Caribe, đang cần hỗ trợ về lương thực gồm có: Afghanistan, Bangladesh, Burkina Faso, Burundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Congo, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Eritrea, Eswatini, Ethiopia, Guinea, Haiti, Iraq, Kenya, Lebanon, Lesotho, Liberia, Libya, Madagascar, Malawi, Mali, Mauritania, Mozambique, Myanmar, Namibia, Niger, Nigeria, Pakistan, Senegal, Sierra Leone, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria Ả Rập Cộng hòa, Uganda, Cộng hòa thống nhất Tanzania, Venezuela, Yemen, Zambia và Zimbabwe.
Dự báo sản lượng ngũ cốc năm 2022 ở các nước phát triển tăng 2%, nhưng ở các nước đang phát triển giảm nhẹ 0,1%. Đối với các nước có thu nhập thấp thâm hụt lương thực, mức giảm dự kiến sẽ là 2,4%, dự kiến sẽ giảm mạnh ở Cận Đông và Đông Phi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ