Tin thủy sản Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả

Tác giả Minh Dương, ngày đăng 19/03/2020

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả

Nhằm giúp nông dân tại 5 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) gắn với tiêu thụ sản phẩm, tháng 12/2019, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT TP Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Nuôi TTCT hiệu quả cao và bền vững”.

Số lượng tăng mạnh

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, tổng diện tích nuôi TTCT của cả nước đạt 116.426 ha (100% diện tích nuôi TTCT thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh và áp dụng công nghệ cao); sản lượng tôm đạt 464.924 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,48 tỷ USD. Năm 2019 tổng sản lượng TCTT đạt 480.000 tấn.

Một số tỉnh nuôi TTCT trọng điểm tại phía Bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình có diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 22.589 ha; diện tích nuôi TTCT công nghệ cao khoảng 3.191 ha; năng suất trung bình ước đạt 40 tấn/ha, nuôi 3 - 4 vụ/năm.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, giai đoạn 2014 - 2016, Trung tâm đã xây dựng mô hình nuôi TTCT theo VietGAP tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang và Kiên Giang. Hiệu quả trung bình mô hình nuôi theo VietGAP và không theo VietGAP tính trên quy mô 1 ha đạt 587,9 triệu/331,9 triệu tức tăng hơn 177%. Tỷ suất lợi nhuận của mô hình nuôi TTCT theo VietGAP và không theo VietGAP tính trên quy mô 1 ha đạt 70%/50% tức tăng hơn 1,4 lần. Việc đầu tư cho mô hình nuôi tôm theo VietGAP chi phí cao hơn (ao chứa, lắng, công trình phụ trợ khác...) nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn với những mô hình không nuôi theo VietGAP.

Riêng tại Hải Phòng, gần 10 năm nay, nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn thành phố có nhiều khởi sắc; từ chỗ chỉ nuôi tôm sú, địa phương đã phát triển và đẩy mạnh nuôi TTCT. Thậm chí, hiện nay TTCT đang là đối tượng nuôi chủ lực của vùng nước lợ tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Nuôi an toàn là điểm nhấn

Nhận thức được việc nuôi tôm an toàn là mấu chốt để tồn tại và phát triển, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Nuôi TTCT hiệu quả cao và bền vững” cũng dành nhiều thời gian trao đổi các nội dung liên quan đến vấn đề này. Các chuyên gia và bà con nông dân đã chia sẻ nhiều thông tin cũng như kinh nghiệm để nuôi tôm theo hướng an toàn như: ứng dụng công nghệ sinh học không dùng kháng sinh, hóa chất; các bệnh thường gặp trên tôm nuôi; cách phòng bệnh cho tôm nuôi; chọn tôm giống đảm bảo chất lượng; liều lượng cho tôm ăn hợp lý; mật độ nuôi tôm, trọng lượng tôm; liên kết, chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm; cách sử dụng men vi sinh hiệu quả; vấn đề môi trường; vệ sinh ATTP

Tại Diễn đàn, đã có 12 báo cáo tham luận được giới thiệu tới các đại biểu, tập trung vào các nội dung: Một số giải pháp nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả trong nuôi tôm nước lợ; sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm công nghiệp; kết quả mô hình nuôi TTCT ứng dụng công nghệ cao tại Hải Phòng; hiệu quả và giải pháp phát triển nuôi TTCT trong nhà kính tại Thái Bình; mô hình nuôi tôm kết hợp hiệu quả kinh tế cao và bền vững tại Ninh Bình; hiệu quả mô hình nuôi tôm nước lợ qua đông ở miền Bắc; công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi khu vực miền Bắc… Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã đến tham quan mô hình nuôi TTCT đạt hiệu quả cao tại P. Tân Thành, Q. Dương Kinh, TP Hải Phòng. Đây là mô hình điển hình về nuôi TTCT theo VietGAP, nuôi tôm trong nhà bạt và nuôi thâm canh hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Hải Phòng.

Cùng thông tin tại Diễn đàn, ông Kim Văn Vạn, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, dùng chế phẩm sinh học trong phòng, trị bệnh cho tôm nói riêng đang là một biện pháp tối ưu để phát triển nuôi thủy sản hiệu quả một cách lâu dài, bền vững và an toàn với môi trường. Chế phẩm sinh học còn làm tăng khả năng chuyển hóa thức ăn, kích thích tốc độ phát triển, tăng sản lượng tôm do trong chế phẩm sinh học có vi khuẩn Lactobacillus tạo ra axit lactic có tác dụng làm sạch ruột, khiến tôm tiêu hóa thức ăn rất nhanh và triệt để.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Kim Văn Tiêu cho biết, để nuôi TTCT đạt hiệu quả cao và bền vững, bà con nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang chuỗi liên kết, có đầu ra; thay đổi phương pháp nuôi “chữa bệnh sang phòng bệnh”. Áp dụng tốt 5 “không” trong nuôi tôm: Không để nước quá lâu, không để nước quá sâu, không để nước đứng yên, không lấy nước trực tiếp và không xả thải nước ô nhiễm ra môi trường.


Hợp tác quốc tế xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Hợp tác quốc tế xây dựng thương hiệu… Phát triển nuôi tôm công nghệ 4.0 Phát triển nuôi tôm công nghệ 4.0