Chuyển Đất Lúa Kém Hiệu Quả Sang Cây Trồng Khác Có Lợi Thế Hơn
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, giá vật tư đầu vào cao làm tăng giá thành sản phẩm, thu nhập của người sản xuất giảm.
Sản xuất lúa gạo đang gặp khó khăn cả về giá bán và thị trường tiêu thụ, trong khi hàng năm nước ta phải nhập khẩu từ 1,5 đến 1,6 triệu tấn ngô (bắp) hạt, khoảng 2,4 triệu tấn khô dầu đậu tương (đậu nành), 600 nghìn tấn hạt đậu tương phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác như ngô, lạc (đậu phộng), đậu tương… là rất cấp thiết, phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại các tỉnh Nam bộ diễn ra ngày 11-7, TS. Mai Thành Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Việc chuyển đổi phải tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu để thuận tiện cho tiêu thụ sản phẩm, phát triển bền vững.
Trong khi đó, phải căn cứ vào điều kiện hạ tầng cơ sở của mỗi địa phương để xác định quy mô, đối tượng cây trồng chuyển đổi phù hợp, đảm bảo phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản xuất.
TS. Mai Thành Phụng cũng đề xuất: “Cây trồng chuyển đổi cần ưu tiên loại cây ngắn ngày, sức cạnh tranh cao, thay thế nhập khẩu như: ngô, đậu tương, lạc… Đặc biệt là cây ngô, bởi từ kết quả thực tế thu được sau hai năm thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô lai Dekalb cho thấy, năng suất đạt trung bình từ 10 - 12 tấn ngô hạt/ha, cá biệt có hộ đạt năng suất 14,2 tấn/ha; thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha.
Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, lợi nhuận trung bình gần gấp 3 lần so với trồng lúa. Như vậy, rõ ràng đây là một mô hình rất hiệu quả, cần được nhân rộng”.
Mặt khác, vấn đề tổ chức sản xuất cũng là một trong những nội dung mà các nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nghiệp quan tâm khi thực hiện chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang các đối tượng khác. Đặc biệt, quan trọng nhất vẫn là hướng dẫn nông dân lựa chọn giống cây trồng phù hợp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro, tăng thu nhập cho nông dân và duy trì phát triển bền vững vùng chuyển đổi.
Thứ trưởng Lê Đăng Doanh yêu cầu: trong thời gian tới cần tập trung vào tiến bộ khoa học kỹ thuật, có những phương pháp để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất nhanh, hiệu quả nhất. Những tiến bộ trước hết là về giống, chọn được bộ giống thích hợp nhất đối với những vùng, đối tượng lựa chọn phù hợp với từng địa phương.
Thứ hai là xây dựng thương hiệu, gắn với yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, để từ đó xây dựng theo chuỗi giá trị, nâng cao được chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ