Chuyển hướng đầu tư vào nông sản chất lượng cao
Để Cần Thơ phát triển xứng tầm là một trung tâm kinh tế hàng đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực đầu tư vào sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng cho hàng hóa, đặt biệt là mặt hàng nông sản và thủy sản.
Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ -cho biết, trong 10 tháng năm 2015, xu hướng sản xuất, kinh doanh của các DN đang có dấu hiệu khởi sắc, khối lượng sản xuất, đơn hàng mới gia tăng đáng kể.
Trong đó, thủy hải sản tăng 12,2%, thép tăng 17,2%; thức ăn cho thủy sản tăng 7,9%; xi măng tăng 2,4%...
Chỉ số kinh tế công nghiệp tăng là do các DN đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, mặt hàng gạo giảm 1,5% so với cùng kỳ, DN xay xát hoạt động cầm chừng do gạo tồn kho còn nhiều nhưng xuất khẩu (XK) mặt hàng này hiện đã khả quan hơn do Việt Nam đã trúng thầu hợp đồng gạo XK cho Philipines và Indonesia.
Trong 10 tháng năm 2015, Cần Thơ đã XK hơn 526,6 ngàn tấn gạo, đạt 62% kế hoạch, tăng gần 16% so với cùng kỳ.
Sản lượng thủy sản XK gần 110 ngàn tấn, đạt 61% kế hoạch, giảm 11,6% so với cùng kỳ.
Theo ông Toại, tình hình XK thủy sản hiện vẫn chưa khả quan, do nhu cầu nhập khẩu (NK) của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản thấp, giá XK cạnh tranh và những rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường NK ngày càng khắt khe.
Đại diện Sở NN&PTNN TP.Cần Thơ cho biết, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP.
Cần Thơ đang được triển khai nhằm mục tiêu phát triển sản xuất nông- lâm- thủy sản theo hướng tăng năng suất, sản phẩm đạt chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh cao.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, Cần Thơ đang tổ chức quy hoạch, xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung đảm bảo các quy chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu; liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường.
Theo đó, đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất vào năm 2020 của ngành trồng trọt đạt 55,7%, chăn nuôi 11,6% và thủy sản 2,7% so với hiện nay.
Giai đoạn 2016-2020, Cần Thơ đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn đạt 9-10%/năm; đến năm 2020, có 36/36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng 2 lần so với năm 2015.
Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông Lê Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, Trưởng ban Tư vấn Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế của TP.Cần Thơ muốn bứt phá được nên tái cơ cấu theo hướng tăng giá trị, hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo điểm nhấn riêng, vừa thể hiện được vai trò trung tâm kết nối các tỉnh trong vùng.
Ông Huỳnh Văn Nam, giám đốc một DN nuôi trồng thủ sản ở TP.Cần Thơ cho rằng, cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông thủy sản vì DN rất cần thông tin sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở TP.Cần Thơ vẫn chưa thoát được cảnh được mùa mất giá, giá trị của sản phẩm nông nghiệp đạt thấp, thiếu khả năng cạnh tranh trên thị trường khi XK.
Bà Lâm Huỳnh Hương, chủ một DN chuyên XK nông thủy sản ở quận Ninh Kiều chia sẻ, ngoài khả năng dự báo về thị trường còn yếu, đa số DN sản xuất nông nghiệp tại Cần Thơ chưa ứng dụng được khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, dẫn đến độ chuẩn của hàng hóa thấp, chưa làm nên được thương hiệu có sức hấp dẫn đối với thị trường nước ngoài.
Bà Triệu Thanh Hằng, chủ DN xay xát gạo ở quận Cái Răng đề xuất, ngành kinh tế nông nghiệp của Cần Thơ còn nhiều tiềm năng, nhưng để DN tiếp cận được cơ hội này các cơ quan quản lý cần có chiến lược bài bản và lâu dài để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì DN đa số có quy mô vừa và nhỏ nên không đủ lực để tự vận hành.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ