Chuyển Lúa Sang Trồng Bắp Vẫn Mù Mờ Giải Pháp Đầu Ra
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lên kế hoạch chuyển đổi 204.000 héc ta đất sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sang trồng màu các loại, trong đó sẽ dành 53.000 héc ta cho trồng bắp để dần đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chăn nuôi. Định hướng đã rõ nhưng giải pháp đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định có lợi cho người nông dân vẫn còn mù mờ.
Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tại hội nghị “Chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng bắp, đậu tương và cây trồng khác tại các tỉnh ĐBSCL” được tổ chức ngay 6/5 tại Tiền Giang, cho biết năm 2013 toàn vùng ĐBSCL đã chuyển đổi được hơn 87.300 héc ta đất sản xuất lúa sang trồng màu. Dự kiến đến năm 2015, diện tích được chuyển sang trồng màu sẽ đạt 112.000 héc ta và đến năm 2020 đạt 204.000 héc ta, trong đó sẽ dành 53.000 héc ta, tương đương khoảng 26% diện tích cho trồng bắp.
Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, 53.000 héc ta đất chuyển sang trồng bắp ở ĐBSCL ở năm 2020 cao nhất cũng chỉ cung cấp thêm cho thị trường khoảng 530.000 tấn bắp nguyên liệu/năm (tức 10 tấn/hecta/năm, trong khi năng suất bắp bình quân thực tế của Việt Nam hiện chỉ khoảng 5 tấn/héc ta- PV). Và như vậy cũng chỉ đáp ứng được thêm khoảng 25% nhu cầu bắp cần nhập khẩu năm 2013 (2,2 triệu tấn).
Còn theo dự báo của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, năm 2014, tổng nhu cầu thức ăn phục vụ cho ngành chăn nuôi (gia súc, gia cầm và thủy sản) của Việt Nam ước cần khoảng 22 triệu tấn, trong đó thức ăn cho gia súc, gia cầm 17 triệu và 5 triệu tấn cho thủy sản. “Trong 17 triệu tấn thức ăn cho gia súc, gia cầm có đến 50% là bắp, tức nhu cầu khoảng 8,5 triệu tấn bắp. So với sản lượng hiện có của Việt Nam (năm 2013 khoảng 5 triệu tấn- PV), thì cần phải nhập khẩu thêm khoảng 3,5 triệu tấn nữa mới đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho ngành chăn nuôi”, ông Tài nói.
So với nhu cầu cần tiêu thụ, sản lượng bắp của Việt Nam vẫn còn thiếu hụt rất lớn nhưng từ đầu năm đến nay, giá bắp nguyên liệu được một số doanh nghiệp thu mua của bà con nông dân ở ĐBSCL chẳng những không tăng theo luật cung cầu mà còn sụt giảm, khoảng 5-10%.
Cụ thể, giá bắp nguyên liệu hiện được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Tấn Tài mua của nông dân ĐBSCL chỉ khoảng 3.950 đồng/kg đối với bắp tươi và 5.600 đồng/kg đối với bắp khô.
Một câu hỏi được đặt ra: “Khi diện tích bắp ở ĐBSCL thật sự tăng lên 53.000 héc ta vào năm 2020 và sản lượng cũng tăng mạnh theo, thì giá mua lúc đó có đảm bảo cho người nông dân có thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa không?”.
Trả lời câu hỏi trên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị này, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tỏ ra lúng túng và cho biết: “Trước mắt sẽ áp dụng nhiều biện pháp canh tác tiến bộ để dần kéo giảm giá thành sản xuất xuống, chứ giá bán thuộc về thị trường, làm sao ấn định nó được”.
Trong khi đó, ông Tài của Dekalb Việt Nam cho rằng giá bắp giảm do biến động theo giá nông sản thế giới, cụ thể là giá bắp ở Mỹ giảm. “Vì vậy, vấn đề quy hoạch mùa vụ của mình (Việt Nam) làm sao phải tránh được lúc nguồn cung của Mỹ dồi dào để nông dân bán với giá cao nhất cần được xem xét”.
Ngoài giải pháp chọn mùa vụ xuống giống tránh những lúc nguồn cung dồi dào ở thị trường Mỹ như đề xuất của ông Tài, thì hầu như không không có một giải pháp khả thi, đáng tin cậy nào được đề xuất tại hội nghị này để người nông dân cảm thấy yên tâm khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Cao Đức Phát đề nghị: “Các địa phương tuyệt đối không hướng dẫn nông dân chuyển sang trồng bất kỳ loại cây trồng nào khi không biết tiêu thụ ở đâu, bán cho ai mà chỉ khuyến cáo nông dân khi biết rõ thị trường”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ