Tin nông nghiệp Chuyển nuôi lợn sang đà điểu

Chuyển nuôi lợn sang đà điểu

Tác giả Hoàng Thanh, ngày đăng 24/07/2020

Chuyển nuôi lợn sang đà điểu

Năm 2019 thật sự là năm khó khăn đối với nghề chăn nuôi lợn của gia đình anh Trương Minh Thắng, thôn Tân Hòa 1, xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Trang trại đà điểu đảm bảo các tiêu chí chăn nuôi sạch.

Đến cuối năm 2019, anh Thắng quyết định tìm hiểu các loại vật nuôi mới để phát triển kinh tế, trong đó đà điểu là loại vật nuôi được anh chú ý nhiều nhất.

Qua tìm hiểu anh Thắng được biết đà điểu là giống chim hoang dã, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, chúng được thuần hóa thành vật nuôi và phát triển nhanh chóng ở nhiều nơi bởi mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, thức ăn cho đà điểu tương đối đơn giản, chủ yếu là rau, cỏ, ngô, sắn...

Vì vậy anh đi tham quan một số mô hình nuôi đà điểu ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy đây là mô hình chăn nuôi còn mới lạ, dựa vào những lợi thế sẵn có ở địa phương như khí hậu, thức ăn, chuồng trại, là cơ hội phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình. Anh Thắng bắt đầu bén duyên với loại chim đà điểu từ đó.

Do cũng mới bắt đầu nuôi thử nghiệm năm đầu tiên, kinh nghiệm chưa nhiều nên anh Thắng chỉ mới đầu tư xây dựng 250m2 chuồng trại, mua 21 con đà điểu. Khi lấy từ trại giống về, đà điểu mới được 3 - 4 kg, Đến nay đàn đà điểu 21 con của anh đã được 06 tháng tuổi, trọng lượng trung bình từ 35 – 40 kg/con.

Anh Thắng cho biết: "Đà điểu sống quen trong môi trường hoang dã nên rất sợ tiếng ồn, do đó, chuồng trại phải tách biệt với khu dân cư. Đây là giống ưa chạy nhảy nên chuồng phải có diện tích rộng, nền cát để đà điểu khỏi trơn trượt”.

Đà điểu sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường khí hậu ở Hà Tĩnh.

Dù diện tích nhỏ nhưng khu vực nuôi đà điểu nhà anh Thắng vẫn đảm bảo các tiêu chí gồm hàng rào cao được xây bao, một phần được làm mái che cho đàn đà điểu trú mưa, phần còn lại là phần diện tích vui chơi, chạy nhảy của đà điểu.

“Thức ăn của đà điểu rất đơn giản, các loại cây, lá, cỏ có màu xanh là chúng đều ăn như lá chuối, cỏ, bèo… rêu mọc quanh bờ. Loài chim đà điểu không như nuôi các loài gặm nhấm, nên thức ăn, cỏ cần phải cắt nhỏ...”, anh Quang cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi đà điểu của mình.

Dự kiến đến cuối năm, mỗi con đà điểu đạt 70 - 80 kg và sẽ cho xuất chuồng. Mỗi con đà điểu anh mua về với giá 2,3 triệu đồng, sau khi xuất chuồng sẽ có giá 100.000 - 120.000 đồng/kg (hơi).

Ngoài sản phẩm thịt đà điểu, anh dự kiến sẽ bán thêm trứng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mỗi con đà điểu cái đẻ từ 35 - 40 quả trứng/năm, quả bé nhất khoảng 0,8 kg, quả lớn 1,8 kg. Trên thị trường hiện nay, trứng đà điểu có giá 150.000 đồng/quả (trứng thịt) và 450.000 đồng/quả (có phôi) để ấp nở.

Chuồng nuôi đà điểu của anh Thắng.

Anh Thắng cho biết: "Nếu mô hình thành công sẽ là hướng đi vững chắc để phát triển kinh tế, bởi thịt và trứng đà điểu đang là món ăn đặc sản có giá cao tại các nhà hàng, khách sạn.

Ngoài ra, ngay cả da, xương, lông, vỏ trứng của đà điểu đều có giá trị kinh tế cao trong ngành sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ”.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết: "Những tín hiệu khả quan ban đầu từ việc nuôi đà điểu của anh Trương Minh Thắng đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ cùng khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Mong muốn các cấp, ngành có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, con giống, tạo điều kiện giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp”.

Mặc dù mô hình nuôi đà điểu hiện nay trên địa bàn xã Tân Lâm Hương đang rất mới và lạ, nhưng với niềm say mê, nhạy bén của tuổi trẻ, sự quyết tâm và nỗ lực trong việc làm giàu, hy vọng rằng mô hình của anh Thắng cho thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình.


Triển vọng cây bơ trên đất Đông Triều Triển vọng cây bơ trên đất Đông Triều Biện pháp phòng trị bệnh cảm nắng, cảm nóng ở trâu bò Biện pháp phòng trị bệnh cảm nắng, cảm…