Tin thủy sản Chuyện nuôi tôm ở cánh đồng năn

Chuyện nuôi tôm ở cánh đồng năn

Tác giả An Xuyên, ngày đăng 27/02/2020

Chuyện nuôi tôm ở cánh đồng năn

Cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của nghề nuôi tôm nước lợ, cái tên “cánh đồng năn” cũng dần bị mọi người quên lãng, mà thay vào đó một tên gọi mới: “Phố tôm”. Tuy nhiên, để biến một “cánh đồng năn” trở thành một “Phố tôm” như ngày hôm nay là cả một chặng đường dài với không ít những gian nan, vất vả, cùng những phận đời “lên bờ, xuống ruộng” của những người mang giấc mộng đổi đời từ con tôm.

Trang trại nuôi tôm rộng trên 100 ha của Vina Cleanfood cho sản lượng trên 2.000 tấn/năm nhờ ứng dụng mô hình CPF-Combine

Gian nan chuyện lấy tôm thay năn

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, chỉ cần nghe đến cái tên “cánh đồng năn” cũng đủ để mọi người ngán ngẩm về vùng đất khó này. Lúc đó, cả cánh đồng rộng hàng ngàn ha chạy dọc theo bờ sông Mỹ Thành thuộc địa bàn huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề, Sóc Trăng) bị nhiễm phèn, mặn nặng, chỉ duy nhất có loại cỏ năn là sống được, nên có cho cũng không ai dám nhận. Công cuộc chinh phục đồng năn lúc đầu không ít gian nan. Đã có người đến đầu tư bạc trăm triệu, bạc tỷ, nhưng rồi cũng lặng lẽ “bỏ của chạy lấy người”. Ngay cả một số cán bộ thủy sản được phân về làm mô hình trình diễn cũng lắc đầu chào thua, thậm chí có người còn mạnh miệng phán rằng: “Đất này không thể nuôi tôm được”.  Tuy nhiên, vẫn có một người hiểu và thấy được tiềm năng to lớn của vùng đất này, chính là ông Sáu Cần (Đinh Thiên Cần), Bí thư Huyện ủy huyện Long Phú lúc bấy giờ. Khi nghe tin ông Sáu Cần quyết định khai phá cánh đồng năn để nuôi tôm sú, không ít người cho rằng ông muốn làm nổi để lấy phiếu cho nhiệm kỳ sau. Bỏ mặc ngoài tai tất cả những lời dèm pha, năm 1993, ông Sáu Cần đưa cơ giới vào khai phá vùng đất hoang hóa này để nuôi tôm sú, nhưng kết quả mà ông thu được sau 4 năm là… thất bại nhiều hơn thành công. 

Trong lúc loay hoay vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, cơ may đã đến với ông khi ông được Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam mời sang Thái Lan tham quan mô hình nuôi tôm sú công nghiệp vào năm 1999. Trở về sau chuyến tham quan đó, ông bắt tay vào cải tạo lại ao nuôi, kênh dẫn, thoát nước riêng biệt. Táo bạo hơn, ông còn thuê hẳn đội ngũ chuyên gia kỹ thuật có tay nghề cao từ Thái Lan sang hỗ trợ trong những vụ nuôi đầu và ông bắt đầu thành công.

Con tôm lên ngôi

 Tháng 4/2000, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với cánh đồng năn và ông Sáu Cần khi chỉ với 4 ao nuôi (5.000 m2/ao) ông thu được 9 tấn tôm, bán với giá 200.000 đồng/kg, lời hơn 1 tỷ đồng. Tiếp đà thành công, năm 2001, ông mở rộng diện tích nuôi lên 30 ao và thu hoạch được 65 tấn tôm, năm 2004 đạt mức kỷ lục khi sản lượng tôm thu hoạch lên đến 180 tấn, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. “Cánh đồng năn” xem như đã bị khuất phục trước vị Bí thư thương binh hạng 2/4 này, mở đường cho những cuộc “đổ bộ” quy mô lớn của các đại gia trong và ngoài tỉnh vào khai phá.

Cánh đồng năn bắt đầu hết đất trống, đất hoang. Cả cánh đồng trên 5.000 ha cặp biển Mỏ Ó, trải dài bên bờ sông Mỹ Thanh khoảng trên 10 km là những vuông tôm công nghiệp trùng điệp. Nơi đây có hàng chục trang trại, mỗi trang trại rộng vài chục đến vài trăm ha đêm đêm luôn rực sáng ánh đèn. Mỗi mùa tôm, các chủ trang trại thu nhập từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Có thể nói, vùng “cánh đồng năn” cũng chính là nơi khởi phát mô hình nuôi tôm sú công nghiệp đầu tiên không chỉ của tỉnh Sóc Trăng mà còn của cả nước được gắn liền với những tên tuổi lừng lẫy một thời: như: ông Sáu Cần, Lưu Thống Nhất, Nguyễn Hoàng Kiếm, Phạm Minh Tiền... Không chỉ có những đại gia đầu tư lớn mới thành công, ngay cả những hộ nuôi quy mô vừa và nhỏ cũng thắng lớn, nhiều hộ rũ bùn vươn lên thành tỷ phú. 

Tôi vẫn còn nhớ những lần đi dọc theo con đê từ cầu Mỹ Thanh II về đến tận xã Liêu Tú (Trần Đề), nhìn ra bốn phía, đâu đâu cũng thấy những đường điện cao áp giăng giăng, những ao tôm vuông vắn và những cánh quạt màu xanh đang cần mẫn hắt vào trời chiều những giọt nước trắng xóa. Mấy vụ nuôi tôm đầu, hầu hết người nuôi nơi đây đều trúng đậm. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ khi dịch bệnh EMS bùng phát và gây thiệt hại nặng liên tiếp nhiều vụ nuôi, biến những “đại gia tôm” thời khai phá thành những “đại con nợ” không còn khả năng chi trả. 

Sau vượt khó là tăng tốc

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung đó vẫn có những hộ nuôi có được thành công, đặc biệt với đối tượng nuôi mới là TTCT và một trong số đó là anh Huỳnh Khánh Lượng với trang trại nuôi tôm hàng chục ha nằm cặp theo tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu. Sự thành công của anh Lượng ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như thắp lại tia hy vọng cho vùng nuôi tôm công nghiệp lớn này. Một sự chuyển giao giữa những người tiên phong khai phá đồng năn với những gương mặt mới như: Công ty TNHH Khánh Sủng, Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood), Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng… đã nhanh chóng đưa “Phố tôm” trở lại thời kỳ hoàng kim. Từ năm 2014 đến nay, những vụ trúng mùa liên tiếp diễn ra, đưa sản lượng tôm nuôi nơi đây bình quân mỗi năm 20.000 - 30.000 tấn chỉ với 4.000 - 5.000 ha thả nuôi. 

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Vina Cleanfood đã chia sẻ về mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp của mình ngay tại vùng đất này: “Hiện tại, bên cạnh các khu nuôi theo mô hình CPF-Combine, Công ty đang đầu tư nâng cấp các khu nuôi còn lại lên mô hình CPF-Combine vesion 2 bằng ao nổi. Như vậy, với diện tích trại nuôi hơn 100 ha và sự đầu tư nâng cấp mô hình, chúng tôi dự kiến sản lượng tôm thu hoạch ở vụ nuôi năm 2020 khoảng trên 3.000 tấn”. Không chỉ có Vina Cleanfood, trang trại gần 100 ha của Công ty TNHH Khánh Sủng cũng chuyển đổi dần sang mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm ứng dụng công nghệ cao để chủ động nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế theo yêu cầu khách hàng.

Ông Hứa Thành Hưng, một lão nông gắn bó với nghề nuôi tôm nơi đây từ những ngày đầu đến nay chia sẻ: “Thời khó khăn đã qua, bây giờ là lúc cánh đồng năn tăng tốc để hợp lực đưa ngành tôm phát triển lên một tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung”. 


Ưu và nhược điểm sử dụng sàng ăn trong nuôi tôm Ưu và nhược điểm sử dụng sàng ăn… 6 quốc gia dẫn đầu nuôi tôm thẻ chân trắng 6 quốc gia dẫn đầu nuôi tôm thẻ…