Mô hình kinh tế Chuyện Trồng Cam Ở Vân Đồn (Quảng Ninh)

Chuyện Trồng Cam Ở Vân Đồn (Quảng Ninh)

Ngày đăng 10/03/2014

Chuyện Trồng Cam Ở Vân Đồn (Quảng Ninh)

Hiện huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) có hơn 100ha trồng cam, tập trung ở các xã Vạn Yên, Bản Sen. Trong đó Vạn Yên 70ha với hơn 100 hộ trồng cam, chủ yếu ở các thôn Cái Bầu và thôn 10-10.

Những năm được mùa, gia đình bà Phạm Thị Thu (thôn Đồng Gianh, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn) thu hoạch gần chục tấn cam/năm.

Năm 2013, niềm vui đến với hầu hết các gia đình trồng cam ở Vạn Yên, toàn xã thu hoạch khoảng 130 tấn cam, gấp 2,6 lần vụ cam năm 2012. Có được thành công này, một phần do thời tiết thuận lợi cho việc ra hoa đơm trái của cam, nhưng cái chính là huyện Vân Đồn và xã Vạn Yên đã thấy được hướng đi đúng đắn của việc phát triển cây cam trên địa bàn để tập trung đầu tư.

Nhất là gần đây, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) xây dựng Dự án “Trồng cam bản địa theo hướng VietGAP tại xã Vạn Yên giai đoạn 2013-2015”. Dự án trồng 35-40ha cho 3 giống cam bản địa (cam giấy, cam đường, cam sành) tại các thôn 10-10 (từ 15-18ha), Cái Bầu (7-8ha); Đài Mỏ, Đài Làng (6-7ha). Đồng thời huyện và xã mở 10 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cam, 2 lớp dạy nghề trồng cam theo hướng VietGAP cho bà con. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, dụng cụ chăm sóc cây, 50% kinh phí mua phân bón trong năm đầu tiên.

Gia đình anh Trần Văn Hậu là người trồng nhiều cam nhất xã Vạn Yên với diện tích khoảng 3ha, gồm 1.000 gốc cam giấy và cam đường, ước tính vụ cam này thu hoạch khoảng 30 tấn, với giá cam bán tại vườn hiện nay từ 25.000-28.000 đồng/kg sẽ cho doanh thu khoảng 600 triệu đồng. Năm nay, Vạn Yên dự định mở rộng diện tích trồng cam lên hơn 80ha.

Tuy diện tích trồng cam của Bản Sen không nhiều như Vạn Yên, nhưng lại nổi tiếng về giống cam Sen, là nơi trồng nhiều loại cam này. Cam Sen có hình dáng giống cam Bố Hạ, nhưng ngon hơn, quả cam khi bổ ra nước vàng sánh màu mật ong. Hiện cam Sen được trồng nhiều ở các thôn Bản Sen, Đồng Gianh với diện tích khoảng 30ha. 2 thôn này có vị trí địa lý gần giống nhau - bao quanh khu vực trồng cam là thung lũng đá vôi, nên tạo ra vị ngọt rất riêng của cam Sen.

Bà Phạm Thị Thu, một hộ trồng cam ở thôn Đồng Gianh cho biết: “Vào những năm được mùa, mỗi cây cam gia đình tôi cho thu hoạch khoảng 50kg, cá biệt có cây thu được 1,5 tạ quả”. Năm 2013, tuy cơn bão số 14 đổ vào Bản Sen tàn phá rất nặng nề, số cam bị rụng khoảng 30 tấn, nhưng người trồng cam vẫn thu hoạch được khoảng 50 tấn, nhiều hộ thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Bản Sen cho biết: “Năm nay, xã sẽ phát triển thêm 16ha diện tích trồng cam cho 70 hộ ở các thôn Nà La, Đông Lĩnh, Yên Xá, nâng tổng số các hộ trồng cam toàn xã lên hơn 170. Người trồng cam được hỗ trợ 100% về tiền giống, phân bón từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của huyện”.

Các thôn Nà La, Đông Lĩnh, Yên Xá một thời đất đai khô cằn do thiếu nguồn nước tưới tiêu. Năm 2013, từ nguồn vốn của trung ương và của tỉnh, Bản Sen đã được nâng cấp hồ Cái Xuôi, nằm ở thôn Yên Xá, có dung tích khoảng 30.000m3. Công trình được đầu tư 14 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho 45ha trồng lúa ở các thôn Điền Xá, Na La và số diện tích trồng cam ở các thôn Nà La, Đông Lĩnh, Yên Xá.

Cũng năm qua, hệ thống kênh mương thuỷ lợi của xã được cứng hoá khoảng 6km, đạt gần 70% tổng số tuyến kênh mương toàn xã, nhờ đó đã tận dụng hầu hết các nguồn nước từ các khe suối ở các thôn, góp phần phát triển ổn định các diện tích cam trên đất Bản Sen, tránh trường hợp năm được, năm mất mùa như trước đây do thiếu nước.

Từ việc chú trọng đầu tư phát triển các diện tích trồng và nâng cao chất lượng cây cam của huyện Vân Đồn, các xã Vạn Yên, Bản Sen đã dần khẳng định được kết quả của chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới.


Người Trồng Dưa Hấu Thấp Thỏm Chờ Giá Người Trồng Dưa Hấu Thấp Thỏm Chờ Giá Chuẩn Bị Công Nhận Vải Thiều Sớm Phúc Hoà Là Giống Cây Trồng Quốc Gia Chuẩn Bị Công Nhận Vải Thiều Sớm Phúc…