Đã Khống Chế Triệt Để Gia Cầm Nhập Lậu
Các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm lớn trước đây đã ngừng hoạt động và thay đổi nội dung kinh doanh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tổ chức chiều 2/12 tại Hà Nội, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết kết quả một số biện pháp ngăn chặn hoa quả độc hại và gia cầm thải loại nhập lậu vào Việt Nam.
Theo đó, đối với sản phẩm hàng hóa là rau củ quả, theo phản ánh của dư luận, Cục Quản lý thị trường đã từng thấy cần thiết phải lập đề án chống rau củ quả nhập lậu. Tuy nhiên, sau cuộc họp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và nhận được kết luận, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong hoa quả nhập khẩu trong nước chỉ bằng 1/8 lần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau củ quả sản xuất từ trong nước. Chính vì vậy đề án này hiện đang tạm dừng triển khai.
Đối với mặt hàng gia cầm, do đã có đề án phòng ngừa và chống gia cầm nhập lậu được triển khai đồng bộ và quyết liệt từ Trung ương đến địa phương nên đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Kết quả này là chiến công chung, là sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng cùng nhiều giải pháp đồng bộ.
“Đến nay, các đối tượng thường xuyên buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm lớn đã ngừng hoạt động hoặc thay đổi các nội dung kinh doanh. Các lực lượng chức năng không phát hiện thêm các đường dây tổ chức hoạt động với quy mô lớn, chỉ còn đối tượng hoạt động nhỏ lẻ, hoạt động có tính chất cơ hội với chủng loại hàng hóa chủ yếu là gia cầm giống chưa có giấy chứng nhận kiểm dịch và gia cầm mổ sẵn. Về cơ bản, cả nước đã chấm dứt được tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm, hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội đề ra, tăng cường tính ổn định xã hội đồng thời thúc đẩy tốt ngành chăn nuôi trong nước”, ông Lam nói.
Đại diện Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, sau kết quả của chiến dịch phòng chống, ngăn chặn nạn buôn bán, vận chuyển gia cầm thẩm lậu, đã có 4 bài học kinh nghiệm được rút ra bao gồm sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc đấu tranh chống gia cầm nhập lậu trái phép vào Việt Nam cùng sự ra quân quyết liệt của các ngành các địa phương với những kế hoạch cụ thể.
Các lực lượng cũng đã tạo lập được hệ thống kiểm tra, kiểm soát xuyên suốt từ biên giới và trong nội địa. Bên cạnh đó các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân không tiếp tay cho hoạt động buôn bán, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là gia cầm thải loại; Bằng việc tăng cường tăng cường chống buôn bán nhưng đã tạo điều kiện cho chăn nuôi trong nước phát triển, đảm bảo và đáp ứng tốt cung - cầu hàng hóa.
Về việc chống buôn bán hàng giả, hàng lậu trong dịp Tết 2014, ông Lam cho biết, Cục Quản lý thị trường đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 127 Trung ương thông báo bằng văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm tại các khu vực phát luồng hàng hóa.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm cụ thể. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 127 cũng thành lập 5 đoàn công tác đi các tỉnh Bắc - Trung – Nam kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. “Qua việc triển khai quyết liệt này, hy vọng nhân dân sẽ có cái Tết vui tươi, lành mạnh và an toàn”, ông Lam khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ