Mô hình kinh tế Đắk Lắk Hướng Đến Nâng Cao Chất Lượng Và Giá Trị Cà Phê Buôn Ma Thuột

Đắk Lắk Hướng Đến Nâng Cao Chất Lượng Và Giá Trị Cà Phê Buôn Ma Thuột

Ngày đăng 01/10/2014

Đắk Lắk Hướng Đến Nâng Cao Chất Lượng Và Giá Trị Cà Phê Buôn Ma Thuột

Với mục tiêu phát triển cà phê bền vững, trong thời gian qua các đơn vị thành viên của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã hướng hoạt động sản xuất theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Sản xuất theo hướng bền vững

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, điểm nổi bật trong vài niên vụ cà phê gần đây là nhiều hộ dân, công ty đã hướng đến sản xuất bền vững, các chứng nhận, xác nhận tiêu chuẩn như: 4C, Utz Certified, Rain for rest, Alliance… có sự gia tăng nhanh về quy mô diện tích và sản lượng, đặc biệt là cà phê xác nhận 4C, chiếm 40% diện tích và 60% sản lượng cà phê toàn tỉnh.

Các nông hộ đã được hỗ trợ đắc lực từ phía doanh nghiệp về quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến.

Đơn cử, tại Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pak) có đến 1.163 ha cà phê sản xuất theo chứng nhận UTZ, 890 ha theo chứng nhận Rain for rest. Theo đó, quá trình sản xuất cà phê của các hộ dân phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt mà Công ty đưa ra.

Ông Đoàn Đình Hồng, Trưởng Phòng Kế hoạch - kỹ thuật Công ty cho biết, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng cà phê của các bạn hàng nhập khẩu, Công ty thành lập ban chỉ đạo hướng dẫn các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ban này có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, ghi chép mọi hoạt động diễn ra trên vườn cà phê của nông hộ.

Trong đó, thực hiện nghiêm ngặt khâu phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây, tuyệt đối không cho các hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu phát hiện sẽ có biện pháp xử phạt hành chính đối với những hộ không tuân thủ. Cùng với hoạt động sản xuất, công ty cũng đã chú trọng đến việc tái canh cà phê, dần thay thế những diện tích cà phê già cỗi bằng các giống tốt nhất để năng suất, chất lượng đạt cao hơn.

Đến nay, công ty đã tái canh thành công gần 200 ha và dự kiến mỗi năm sẽ tái canh 15 ha. Điều này đã góp phần đáng kể vào việc tăng hiệu quả đầu tư, sản xuất, đồng thời giảm tác động tiêu cực lên môi trường và tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, việc sản xuất cà phê mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Buôn Ma Thuột cũng đang được doanh nghiệp và hộ dân hướng đến. Hiện nay, Dak Lak đã có 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê được cấp quyền sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột trên tổng diện tích hơn 15.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 46.600 tấn cà phê nhân.

Trong đó, tập trung nhiều nhất tại Công ty TNHH Dak Man Việt Nam (4.137 ha), Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak (2.484 ha), CTCP tập đoàn Trung Nguyên (2.079 ha)…

Gia tăng giá trị xuất khẩu

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước hiện đại hóa hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị đáp ứng chế biến, tái chế cà phê bảo đảm chất lượng, nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới.

Các hệ thống chế biến ướt, bán ướt đã được áp dụng tại các Công ty TNHH MTV cà phê: Thắng Lợi, Phước An, Ea Pôk, Tháng 10 và gần đây nhất tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng.

Việc áp dụng tiến bộ trong canh tác, thu hoạch, chế biến cà phê trong những năm gần đây đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khẳng định được vị thế trên thị trường xuất khẩu, cà phê hạng 1 chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu từ 45 - 60%.

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản lượng xuất khẩu mặt hàng cà phê trong 3 niên vụ từ (2010 - 2013) tại Dak Lak đạt 833.520 tấn, kim ngạch đạt hơn 1,7 tỷ USD. Mặc dù chịu sự chi phối chung của tình hình giá cả trên thị trường, cà phê có chứng nhận và có CDĐL vẫn luôn được trả giá chênh lệch cao hơn trung bình 40 - 50 USD/tấn.

Các doanh nghiệp đã chú trọng xuất khẩu trực tiếp cho các nhà rang xay để hưởng giá cao, kết quả niên vụ 2012-2013 xuất khẩu trực tiếp đạt 53.416 tấn, kim ngạch 110,77 triệu USD, cao hơn giá bình quân trên thị trường Luân Đôn từ 130 - 135 USD/tấn.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak là đơn vị xuất khẩu cà phê nhân hàng đầu, chiếm tới 40% sản lượng và kim ngạch. Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu các lô hàng cà phê nhân loại R1 mang CDĐL Buôn Ma Thuột đầu tiên ra thị trường thế giới.

Hiện nay, công ty liên kết sản xuất cà phê bền vững với 14.064 hộ dân, với 21.200 ha, sản lượng 78.000 tấn/niên vụ, riêng sản xuất cà phê có chứng nhận CDĐL có 1.637 hộ hộ, tổng diện tích 2.484 ha, sản lượng hằng năm đạt 8.000 tấn cà phê nhân.

Theo số liệu thống kê của Công ty, tính đến hết tháng 4-2013, số lượng cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột bán được 7.000 tấn, chủ yếu ở thị trường các nước: Nhật Bản, Ukraina, Bosnia, Rumani, Bỉ, Đài Loan, Hồng Kông, Nga…, giá trị tăng thêm đối với sản phẩm này là 40 - 60 USD/tấn. Điều đáng chú ý là hệ thống nhận diện cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột (logo) được thể hiện trên hợp đồng mua bán và trên bao bì đựng sản phẩm.

Theo Hiệp hội, để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho ngành hàng Cà phê Buôn Ma Thuột, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, Hiệp hội sẽ thiết lập quan hệ với các chương trình cà phê bền vững có chứng nhận để phối hợp xây dựng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất, trong đó chú trọng đến công tác tái canh để trẻ hóa vườn cây, mang lại sản phẩm tốt nhất cho xuất khẩu.


Nước Mặn Đang Xâm Nhập Cánh Đồng Mẫu Lớn Ở Thới Bình (Cà Mau) Nước Mặn Đang Xâm Nhập Cánh Đồng Mẫu… Nông Dân U Minh Phấn Khởi Vì Trúng Mùa Khoai Môn Nông Dân U Minh Phấn Khởi Vì Trúng…