Đảm Bảo Chất Lượng Tôm Giống
Trong nuôi tôm, biện pháp phòng ngừa là cơ bản, nên biện pháp chọn giống tốt, giống sạch bệnh là một yêu cầu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho cả vụ nuôi.
Đối với công trình nuôi tôm, dù đã cải tạo, xử lý chặt chẻ, đầu tư công trình đến đâu nhưng chất lượng con giống kém thì hiệu quả sẽ không đạt. Đây là vấn đề mà ngành nông nghiệp đang tập trung mọi biện pháp quản lý, để vụ nuôi năm 2014 đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại cho người nuôi.
Vụ nuôi năm 2014, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng lên, nên nhu cầu giống phải trên 15 tỉ con, chưa tính đến số lượng giống tôm sú, thực trạng này đòi hỏi công tác giống phải hết sức chặt chẽ từ việc quản lý chất lượng, đến công tác xét nghiệm bệnh trên tôm giống trước khi thả nuôi.
Ngành Nông Nghiệp Sóc Trăng đang tập trung mọi biện pháp để quản lý chất lượng giống tôm nuôi khi vụ nuôi năm 2014 đã bắt đầu từ 15-11-2013. Theo nhận định của ngành Nông Nghiệp, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2014 sẽ chiếm khoảng 30.000 ha, thì nhu cầu tôm giống lên đến hơn 15 tỉ con. Ở vùng nuôi Sóc Trăng, hầu hết là du nhập giống từ các tỉnh, đặc biệt là giống ở các tỉnh Miền Trung, còn số lượng giống sản xuất tại địa phương chỉ chiếm từ 10 đến 12% nên công tác quản lý giống gặp nhiều khó khăn hơn.
Công tác kiểm tra của Chi Cục nuôi thủy sản, Thanh Tra Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn đang được tăng cường để hạn chế thấp nhất giống tôm kém chất lượng, tôm giống mang mầm bệnh đưa vào vùng nuôi. Trước xu hướng khan hiếm giống tôm như năm vừa qua, nhất là tôm thẻ chân trắng thì công tác quản lý giống là hết sức khó khăn. ông Trịnh Hoàng Mý ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên cho biết: Vấn đề mà chúng tôi lo lắng là không biết công tác quản lý giống như thế nào? Vì con giống có ý nghĩa quyết định thành bại trong nuôi tôm.
Nông dân lo lắng về chất lượng tôm giống, vì vụ nuôi năm 2013 tôm giống bán trôi nổi trên thị trường là rất lớn, việc quản lý chất lượng vẫn còn lúng túng, do tôm giống vận chuyển theo các tuyến đường nông thôn và một phần là do khan hiếm giống nên việc xét nghiệm cũng bị người nuôi xem nhẹ. Công tác quản lý giống chủ yếu là thông qua các trại giống địa phương, còn tỉ lệ giống vận chuyển từ các tỉnh vào là rất lớn, rất khó khiểm soát.
Thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó GĐ Trung Tâm khuyến nông Sóc Trăng cho biết: Theo nhận định của vùng nuôi Sóc Trăng năm 2014 thì diện tích nuôi thẻ tăng lên 20.000 ha, nuôi 2 vụ có ít đi thì cũng khoảng 30.000 ha, nếu bình quân 50 con/m2 thì số lượng giống hơn 15 tỉ.Vấn đề này, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra giám sát của ngành thì người nuôi phải chú ý nhiều đến việc kiểm tra, xét nghiệm giống trước khi mua giống.
Năm nay, Chị Cục Thú Y Sóc Trăng được trang bị khá đầy đủ phương tiện xét nghiệm để các cơ sở, đại lý giống và người nuôi có thể an tâm hơn trong khâu kiểm định chất lượng, cũng như công tác xét nghiệm xác định bệnh phẩm trên tôm nuôi. Thị trường tôm giống rất phức tạp, người nuôi tôm phải hết sức thận trọng trong việc chọn tôm giống sạch bệnh để vụ nuôi thành công.
Công tác thú y được tăng cường, từ đầu tư trang thiết bị cho đến phòng xét nghiệm, thành lập đội xét nghiệm lưu động, tăng cường đội ngũ cán bộ ở cơ sở để phát hiện mầm bệnh trên tôm nuôi, đề phòng bùng phát dịch gây thiệt hại cho nông dân. Cùng với các biện pháp tăng cường quản lý các yếu tố đầu vào, thì công tác thú y được chú trọng là một yêu cầu thực tiễn, để góp phần phòng ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi.
Vụ nuôi tôm năm 2014, khả năng nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng sẽ tăng lên theo xu hướng chung, nên việc kiểm tra, quản lý các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng tôm giống có ý nghĩa rất quan trọng. Sẽ rất khó khăn trong việc quản lý chất lượng tôm giống, ngoài sự nỗ lực của ngành chuyên môn thì người nuôi tôm phải chủ động hơn trong khâu chọn giống.
Trong nuôi tôm, biện pháp phòng ngừa là cơ bản, nên biện pháp chọn giống tốt, giống sạch bệnh là một yêu cầu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho cả vụ nuôi. Làm tốt khâu này vừa là yếu tố đảm bảo an toàn cho người nuôi, vừa có ý nghĩa bảo vệ an toàn cho vùng nuôi.
Năm 2013, tình hình nuôi tôm có nhiều chuyển biến đáng phấn khởi, nhưng tỉ lệ thiệt hại vẫn còn ở mức tương đương 30%, nên người nuôi tôm cũng rất thận trọng ở từng khâu trong quá trình nuôi.
Công tác phòng ngừa dịch bệnh từ khâu chọn giống, biện pháp xử lý ao nuôi, chọn thời điểm thích hợp, tránh thả giống lúc giao mùa, mật độ thả nuôi, chăm sóc đúng kỹ thuật để giảm bớt rủi ro, theo đó người nuôi phải hết sức thận trọng ở từng khâu.
Thông tin của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thì giá tôm thương phẩm sẽ giảm từ tháng 3 năm 2014, nên bà con nuôi tôm cần lưu ý nhiều đến công tác nuôi an toàn dịch bệnh và hướng đến tôm có kích cỡ lớn thì mới đảm bảo lợi nhuận. Ngành Nông Nghiệp Sóc Trăng không chỉ lo lắng về tình hình dịch bệnh, mà còn khuyến cáo bà con nên có biện pháp đối phó với thị trường tôm thương phẩm trong vụ nuôi tới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ